Ngày pháp luật

Bloomberg: VinFast "lên sàn" có thể trở thành thương vụ IPO lớn nhất của một công ty châu Á tại Mỹ

Giang Phạm

Nếu đợt IPO này của VinFast diễn ra suôn sẻ có thể mở ra giá trị cho công ty mẹ, đồng thời nâng vốn hóa thị trường của Vingroup lên tới 26 tỷ USD.

Tuần trước, VinFast Trading & Investment Pte.Ltd., công ty con đặt tại Singapore của Vingroup đã nộp hồ sơ phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng lên Ủy ban chứng khoán và sàn giao dịch Mỹ (SEC) và mong muốn huy động 2 tỷ USD từ đợt chào bán lần này.

Bloomberg nhận định, nếu như đợt IPO của VinFast diễn ra suôn sẻ, đây có thể là đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng lớn nhất của một công ty châu Á tại Mỹ kể từ khi Didi Global IPO và gặp biến cố vào năm ngoái.

Với quy mô đề ra, đợt IPO này của VinFast sẽ chấm dứt tình trạng khan hiếm các đợt chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng lớn của các tổ chức phát hành châu Á tại thị trường Mỹ. Mặc dù thỏa thuận này sẽ đòi hỏi phải có thương lượng về sự biến động trong giao dịch cổ phiếu, đồng thời giới đầu tư cũng rất thận trọng với một doanh nghiệp còn ít tên tuổi trên thị trường quốc tế. 

Nếu như đợt IPO của VinFast diễn ra suôn sẻ, đây có thể là một trong những đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng lớn nhất của một công ty châu Á tại Mỹ.
Nếu như đợt IPO của VinFast diễn ra suôn sẻ, đây có thể là một trong những đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng lớn nhất của một công ty châu Á tại Mỹ.

Việc các doanh nghiệp lớn tại châu Á "ít" niêm yết trên sàn giao dịch khoán New York xảy ra trong bối cảnh chính quyền Bắc Kinh thắt chặt hơn quy định sau khi Didi Global - công ty gọi xe hàng đầu Trung Quốc gây chấn động với đợt IPO trị giá 4,4 tỷ USD vào tháng 6/2021.

“Mối quan tâm không phải là việc VinFast có thể tăng vốn hay không, mà là việc định giá của VinFast có đáp ứng được kỳ vọng của thị trường hay không khi kịch bản lãi suất tăng ở Mỹ là một cơn gió lớn với các công ty niêm yết", ông Ruchir Desai - nhà quản lý quỹ tại Asia Frontier Capital có trụ sở tại Hong Kong nhận định.

Tuy nhiên, hãng xe Việt VinFast có thể trì hoãn việc chào bán cổ phiếu nếu các điều kiện không phù hợp, tờ Reuters dẫn lời của Chủ tịch tập đoàn Vingroup Phạm Nhật Vượng hôm 9/4.

Tháng trước, VinFast cũng công bố đã đạt được thỏa thuận xây dựng một nhà máy sản xuất ở Bắc Carolina trong năm 2022, với vốn đầu tư dự kiến ban đầu là 2 tỷ USD. Sau khi hoàn thành, nhà máy dự kiến sẽ có công suất sản xuất 150.000 xe/năm.

VinFast đang đặt nền móng ở thị trường Mỹ, nơi họ kỳ vọng sẽ cạnh tranh được với các nhà sản xuất ô tô khác bằng các phiên bản xe SUV điện cũng như chính sách thuê pin. 

Trước những kế hoạch, mục tiêu đề ra, Bloomberg cho rằng VinFast cần thận trọng bởi nhiều công ty đã "vấp ngã" khi cố gắng thực hiện các kế hoạch tương tự. 

Có thể kể đến như cú ngã của Coda Holdings Inc. khi đã bán ra chưa tới 100 xe, còn Faraday Future Intelligent Electric phải bán đất ở Nevada, nơi họ dự định xây dựng một nhà máy; Fisker Automotive Inc. đã nộp đơn phá sản sau khi nhà cung cấp pin của họ sụp đổ...

Hai nhà phân tích Ken Foong và Fairuz Khalil của Bloomberg Intelligence nhận định, nếu đợt IPO này suôn sẻ có thể mở ra giá trị cho công ty mẹ, đồng thời nâng vốn hóa thị trường của Vingroup lên tới 26 tỷ USD. “Con số này là giả định khi VinFast lên sàn theo kịch bản cao cấp nhất mà chúng tôi đánh giá được”, theo ghi chú của hai nhà phân tích.

Tin Cùng Chuyên Mục