Hơn bao giờ hết, các tổ chức hiện nay đang cần những nhà lãnh đạo có khả năng thích ứng và nhận thức tốt giúp họ định vị doanh nghiệp trong tương lai. Họ cần những nhà lãnh đạo sở hữu kỹ năng giao tiếp và kỹ năng xã hội giúp thúc đẩy quan hệ giữa các đội nhóm đa chức năng và đỡ đầu cho các nhà lãnh đạo trẻ tuổi khác. Trong một thế giới liên tục thay đổi thì những điều này càng thêm giá trị.
Tổ chức cần bạn hoàn thiện bản thân và khai phá thành công những tiềm năng ẩn giấu để trở thành một nhà lãnh đạo thực thụ. Bởi vậy, trong năm nay, ngay tại thời điểm thực hiện Performance Review định kỳ để đánh giá lại các mục tiêu cũ và đề ra các mục tiêu mới, hãy ưu tiên những điều hỗ trợ cho con đường trở thành lãnh đạo của bạn, cũng có nghĩa là phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp trong tương lai gần.
Dưới đây là 3 mục tiêu tuyệt vời mà bạn có thể thiết lập và thực hành mỗi ngày tại nơi làm việc.
Chấp nhận mạo hiểm mỗi ngày
Thoạt nghe, “mạo hiểm một lần mỗi ngày” không phải là một mục tiêu ấn tượng, thậm chí còn có vẻ không nghiêm túc. Tuy nhiên, đây lại chính là một hành động mạnh mẽ và cần thiết để thúc đẩy bạn trên con đường trở thành nhà lãnh đạo tốt hơn.
Mạo hiểm là trung tâm của lòng dũng cảm và chấp nhận mạo hiểm là trung tâm của một nhà lãnh đạo can đảm. Mạo hiểm được định nghĩa là các tình huống liên quan đến việc tiếp xúc với nguy hiểm hoặc khó khăn - những thứ có thể xuất hiện tại nơi làm việc dưới dạng năng lực thể chất, xã hội hoặc tâm lý.
Bản năng sinh học của con người là tự vệ và tránh xa nguy hiểm nên chúng ta có thể cho rằng việc chấp nhận mạo hiểm là đi ngược lại lẽ tự nhiên và hoàn toàn không cần thiết. Tuy nhiên, trên thực tế, nhà tâm lý học Abraham Maslow tin rằng những người đã khai phá được tiềm năng trong họ đều có thói quen chấp nhận mạo hiểm. Họ lựa chọn đi tiếp về phía trước để phát triển chứ không sợ hãi và chùn bước.
Trở thành một nhà lãnh đạo can đảm nghĩa là bạn không được phép sợ hãi. Một khi đã hình thành thói quen chấp nhận mạo hiểm, bạn sẽ có khả năng chấp nhận, giải quyết và chế ngự mọi cảm giác khó chịu phát sinh. Một người thiếu can đảm sẽ luôn thấy bức bối với những gì đang diễn ra trong tổ chức, nên họ luôn đòi hỏi về sự đổi mới triệt để hoặc các kỳ vọng khác rất khó thực hiện. Người này cũng sẽ cần nỗ lực gấp đôi để tránh bị coi là thất bại hoặc luôn phải giữ im lặng để tránh bị sỉ nhục. Còn bạn, với tâm thế chấp nhận mạo hiểm có sẵn, bạn chỉ cần bình tĩnh xác định vị trí của mình trong tổ chức và dẫn dắt mọi thứ thay đổi theo ý mình.
Sự cam kết chấp nhận mạo hiểm mỗi ngày của bạn sẽ có lợi cho cả hai bên. Về phía bản thân, bạn có thể khám phá ra hàng loạt tiềm năng, từ đó cải thiện kỹ năng và mở rộng vùng an toàn của mình. Còn về phía tổ chức, nó cũng được thúc đẩy để thử-sai-sửa nhanh hơn, từ đó nhanh chóng đổi mới và tự chuyển mình thành một tổ chức can đảm.
Lưu ý rằng những mạo hiểm nghề nghiệp bạn cần đối mặt mỗi ngày không nhất thiết phải quá nghiêm trọng. Hãy bắt đầu thử thách bản thân với những mạo hiểm ở mức độ nhẹ nhàng với tỷ lệ cược thấp. Dần dần, bạn sẽ có khả năng xử trí tuyệt vời khi phải đối mặt với mạo hiểm thực sự - với hậu quả lớn hơn và phần thưởng nếu thắng cũng lớn hơn.
Có hai cách để đặt ra mục tiêu “mỗi ngày một sự mạo hiểm". Cách thứ nhất, khi gặp phải điều gì đó khiến bạn cảm thấy khó chịu trong ngày, hãy ngay lập tức chấp nhận mạo hiểm. Cách thứ hai, bạn có thể lập kế hoạch cho những mạo hiểm của mình mỗi tuần. Nếu một mục tiêu mạo hiểm nào đó là quá lớn, hãy chia nó thành những mục tiêu nhỏ hơn để dễ dàng thực hiện mỗi ngày một chút.
Đặt ra các câu hỏi mỗi ngày
Sự tò mò vẫn luôn được ca ngợi là một trong những phẩm chất quan trọng nhất mà một nhà lãnh đạo cần có. Đó là một mức độ khao khát mạnh mẽ được biết hoặc học hỏi điều gì đó. Tuyệt vời thay, trong bối cảnh nền kinh tế hiện nay và môi trường làm việc tập thể nói chung, luôn có rất nhiều điều đáng để học hỏi. Tổ chức sẽ cần những nhà lãnh đạo biết đặt ra nhiều câu hỏi.
Đặt câu hỏi, bạn có thể nghĩ rằng đây là một hành động quá dễ dàng và không xứng đáng để được coi là một mục tiêu tại nơi làm việc. Nhưng hãy thử nghĩ lại. Có rất nhiều điều mà bạn chưa biết, chỉ là bộ não của bạn đang tự đưa ra các giả định khiến bạn tin rằng bản thân đã biết mà thôi.
Một giả định phổ biến tại nơi làm việc, là bạn nghĩ rằng bản thân không có đủ năng lực để thay đổi điều gì trong tổ chức: quy trình làm việc vẫn thế, chính sách vẫn vậy, và không có chỗ cho những điều mới mẻ chen vào. Nếu không đặt câu hỏi, loại giả định này sẽ ngăn bạn khám phá ra giải pháp sáng tạo cho các vấn đề, bao gồm cả các vấn đề hết sức cơ bản.
Một loại giả định khác là bạn có thể hiểu sai về đồng nghiệp của mình. Bạn thậm chí có thể tự cho rằng mình thông minh hơn một người không đồng quan điểm với bạn. Nếu không có hành động đặt câu hỏi để xác nhận thông tin, giả định này có thể khiến thế giới quan của bạn bị lệch lạc và biến thành hình tượng tiêu cực trong mắt mọi người.
Đưa ra giả định là một hành vi hiệu quả để tiết kiệm năng lượng cho bộ não của bạn. Nhưng để trở thành một nhà lãnh đạo giỏi hơn, can đảm hơn, bạn sẽ cần phải thách thức các giả định của mình bằng cách đặt ra câu hỏi và tôn trọng sự thật.
Sự tò mò này sẽ thúc đẩy sự cởi mở, sáng tạo, phát triển cũng như các thành tích tốt hơn cho bạn. Dễ thấy nhất, đặt câu hỏi là cách dễ dàng để bắt đầu một cuộc trò chuyện mà bạn đã từng sợ hãi trốn tránh. Mục tiêu “tò mò hơn” cũng mang lại lợi ích lâu dài cho tổ chức của bạn vì nó giúp nhân sự nhận thức rõ được áp lực từ bên ngoài, sở hữu khả năng giải quyết vấn đề tốt hơn, khả năng thích ứng nhanh hơn và ra quyết định sáng suốt hơn.
Không có đúng sai khi đặt ra câu hỏi tại nơi làm việc. Tuy nhiên, hãy lưu tâm đến nguồn năng lượng mà bạn truyền vào những câu hỏi đưa tới mọi người. Một thái độ khó chịu hay một yêu cầu quá sức có thể vô tình khiến câu hỏi đi chệch khỏi mục tiêu tốt đẹp ban đầu.
Tạo ra kết nối có ý nghĩa mỗi ngày
Trong một môi trường làm việc ngày càng được số hóa, các mối quan hệ cá nhân là đặc biệt cần thiết. Bạn có thường xuyên gửi một SMS, email hoặc tin nhắn chat cho đồng nghiệp hay không?
Đặt mục tiêu “tạo kết nối có ý nghĩa với đồng nghiệp” có thể giúp bạn xây dựng các mối quan hệ quan trọng nhằm nuôi dưỡng lòng tin, sự tôn trọng và lòng trắc ẩn giữa cả hai phía, ngay cả khi bạn và họ được coi là đối thủ cạnh tranh với nhau.
Vậy như thế nào là một sự kết nối có ý nghĩa? Lý tưởng nhất, các cuộc trao đổi về tri thức hoặc chia sẻ về kinh nghiệm sẽ mang lại giá trị cho cả hai người. Nhưng trên thực tế, khi đã ở trong một mối quan hệ thực sự có ý nghĩa, bạn sẽ bộc lộ nhu cầu được nhìn thấy, được lắng nghe và được chấp nhận của bản thân. Đó là các yếu tố khá nhạy cảm và có thể gây tổn thương, nên “tạo ra kết nối có ý nghĩa” tự nó đã là một hành động cần tới lòng can đảm.
Mặt khác, các kết nối chỉ mang tính chất giao dịch hoặc chỉ có lợi cho một phía thường diễn ra một cách hời hợt và không trung thực. Bởi vậy, hãy thận trọng trong việc thực hiện mục tiêu, để đảm bảo rằng những nỗ lực kết nối của bạn không phải là vô nghĩa.
Theo kinh nghiệm, mục tiêu kết nối cá nhân mang lại lợi ích tốt hơn cho những nhân sự có phong cách làm việc cạnh tranh, nhịp độ nhanh và tập trung vào công việc hơn là con người. Loại mục tiêu này cũng tạo điều kiện cho nhiều nhân viên thụ động ưu tiên xây dựng mối quan hệ tại nơi làm việc theo cách mà họ cảm thấy thoải mái.
Kết quả kỳ vọng của mục tiêu, một cá nhân có thể thể hiện bản thân một cách mạnh mẽ và có chủ đích hơn trong các mối quan hệ, đồng thời giúp mọi người tin tưởng vào mình. Ngoài ra, với tư cách là một nhà lãnh đạo tương lai, bạn có thể kết nối tốt hơn với đội nhóm của mình và hỗ trợ tổ chức giải quyết tốt hơn các nhu cầu quản lý nhân sự.
Lưu ý, kết nối mỗi ngày không có nghĩa là bạn cần đều đặn lên lịch các cuộc gọi với đồng nghiệp hoặc dành ra thật nhiều thời gian để ngồi giao tiếp với họ. Sự thay đổi duy nhất bạn cần thực hiện là cá nhân hóa các cuộc trò chuyện mà bạn đang tham gia một cách có chủ đích hơn.
Có vô số mục tiêu cho tương lai gần có thể đặt ra tại nơi làm việc, nhưng bạn nên ưu tiên cho những mục tiêu giúp bạn trở thành một nhà lãnh đạo can đảm hơn - người sẵn sàng đối mặt với những thách thức chuyên môn vì những lý do đáng giá đối với tổ chức và với bản thân bạn.
Thử theo đuổi một, hai hoặc cả ba mục tiêu “chấp nhận rủi ro”, “đặt câu hỏi" và “tạo ra kết nối có giá trị" mỗi ngày và ghi chép lại những thay đổi tích cực của chúng lên bạn. Đến một lúc nào đó bạn sẽ nhận ra, đích đến đã nhờ vậy mà ở gần hơn bao giờ hết!