Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV - Mã CK: BID) vừa công bố tài liệu lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản về việc tăng vốn điều lệ thông qua phát hành cổ phiếu để trả cổ tức.
Cụ thể, BIDV trình cổ đông phương án phát hành tối đa gần 1,037 tỷ cổ phiếu để trả cổ tức từ nguồn lợi nhuận còn lại lũy kế đến năm 2019 và lợi nhuận còn lại sau thuế, sau trích lập các quỹ và chi trả cổ tức bằng tiền mặt năm 2020. Tỷ lệ phát hành dự kiến là 25,77%. Thời gian phát hành là trong năm 2021-2022.
Sau phát hành, vốn điều lệ của BIDV sẽ tăng thêm 10.365 tỷ lên hơn 50.585 tỷ đồng. Hiện vốn điều lệ của ngân hàng là hơn 40.220 tỷ đồng, đứng thứ ba toàn ngành sau VietinBank (48.058 tỷ) và VPBank (44.455 tỷ đồng).
Phía BIDV cho biết, dự kiến số vốn này để đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ, phát triển sản phẩm dịch vụ mới, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, tăng tỷ lệ thu nhập từ dịch vụ trong tổng thu nhập, nâng cao năng lực quản trị điều hành, quản trị rủi ro, nâng cấp cơ sở hạ tầng kỹ thuật, công nghệ.
Trước đó, tại đại hội cổ đông thường niên hồi vừa qua, cổ đông BIDV đã thông qua kế hoạch tăng vốn điều lệ thêm 8.304 tỷ đồng lên 48.524 tỷ (tương đương tăng 20,6%). Trong đó, ngân hàng dự kiến phát hành 207,3 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2019 (tỷ lệ 5,2%), phát hành 281,5 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2020 (tỷ lệ 7%). Ngoài ra, BIDV dự kiến phát hành thêm 341,5 triệu cổ phiếu mới (tỷ lệ 8,5%) theo hình thức chào bán ra công chúng hoặc chào bán riêng lẻ.
Như vậy, tại đợt lấy ý kiến cổ đông lần này, tỷ lệ chia cổ tức đã được điều chỉnh từ 12,2% lên 25,77%. Thời gian lấy ý kiến cổ đông là từ ngày 24/11 đến ngày 4/12.
Được biết, cổ đông Nhà nước hiện đang sở hữu 80,99% vốn của BIDV, tương đương gần 3,26 tỷ cổ phần. Nhà đầu tư chiến lược nước ngoài Keb Hana Bank sở hữu hơn 603 triệu cổ phiếu, tương đương 15% vốn điều lệ BIDV.
Kết quả kinh doanh quý III/2021 ghi nhận mảng tín dụng mang về khoản lãi 12.204 tỷ đồng, tăng 33,5% so với cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng, mảng này ghi nhận lợi nhuận 35.964 tỷ đồng, tăng 42,5% so với cùng kỳ năm trước.
Hoạt động dịch vụ mang về cho BIDV khoản lợi nhuận 1.594 tỷ đồng, tăng 16,6% so với quý 3/2020, lũy kế 9 tháng đạt 4.770 tỷ đồng, tăng trưởng 30,1%.
Mảng kinh doanh ngoại hối ghi nhận lợi nhuận 457 tỷ đồng trong quý 3, tăng trưởng 4,4% so với cùng kỳ, nâng lợi nhuận lũy kế 9 tháng mảng này ở mức 1.242 tỷ đồng, giảm nhẹ 1%.
Hoạt động mua bán chứng khoán kinh doanh trong quý 3 bất ngờ đi xuống khi lỗ hơn 2 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước mảng này vẫn lãi 58 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng, mảng này lãi 570 tỷ đồng, tăng trưởng 19%.
Hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư cũng tiếp tục có dấu hiệu đi xuống khi chỉ lãi 152 tỷ đồng, giảm tới 55,4% so với cùng kỳ. 9 tháng đầu năm, mảng này báo lỗ 342 tỷ đồng, so với mức lãi hơn 1.000 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm 2020.
Lãi từ hoạt động khác trong quý 3 giảm giảm 20,7%, xuống còn 794 tỷ đồng, lợi nhuận 9 tháng ở mức 4.786 tỷ đồng, tăng 70,1% so với cùng kỳ.
Tổng thu nhập hoạt động trong quý 3 tháng của BIDV ở mức 15.247 tỷ đồng, tăng trưởng 23% so với cùng kỳ trong khi tổng chi phí hoạt động tăng 29% khiến lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh chỉ còn tăng 20,3% so với cùng kỳ, đạt 10.176 tỷ đồng.
Dù vậy, chi phí dự phòng tiếp tục tăng mạnh tới 30,3% khiến lợi nhuận quý 3 giảm nhẹ 1,1% so với cùng kỳ, còn 2.674 tỷ đồng.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế của BIDV tăng 52%, ở mức 10.733 tỷ đồng. Với kết quả này, ngân hàng đã hoàn thành 82,6% kế hoạch lợi nhuận cho năm nay (13.000 tỷ đồng).
Tại ngày 30/9/2020, tổng tài sản của BIDV tăng 11,2% lên hơn 1,68 triệu tỷ đồng, trong đó cho vay khách hàng tăng 9,4%, lên gần 1,33 triệu tỷ đồng. Huy động tiền gửi tăng 6,8%, đạt 1,3 triệu tỷ đồng. Tỷ lệ cho vay/tiền gửi của ngân hàng vẫn ở mức cao với 100%.
Trong khi vốn chủ sở hữu của BIDV đã tăng 8% sau 9 tháng, lên 86.018 tỷ đồng, chủ yếu nhờ quỹ và khoản lợi nhuận để lại thì vốn điều lệ của ngân hàng vẫn ở mức 40.220 tỷ đồng.
Về chất lượng cho vay, tính đến cuối tháng 9/2021, BIDV đang có tổng cộng 21.433 tỷ đồng nợ xấu, gần như không đổi so với đầu năm. Do tăng trưởng tín dụng ở mức khá tốt nên đến cuối tháng 9, tỷ lệ nợ xấu/cho vay giảm xuống còn 1,61%, so với mức 1,76% hồi đầu năm.