Ngày pháp luật

Bí quyết giúp Uniqlo trụ vững giữa bão Covid-19

Thu Hằng

Bất chấp đại dịch, doanh số bán hàng tại thị trường nội địa Nhật Bản của Uniqlo, bao gồm cả thương mại điện tử, tăng 26% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đại dịch Covid-19 đang càn quét nền kinh tế toàn cầu, khiến các hãng thời trang mất hàng trăm tỷ USD doanh thu, đẩy nhiều tên tuổi như Brooks Brothers, J-Crew vào cảnh phá sản.

Thế nhưng có 1 công ty dường như nằm ngoài vòng xoáy đó. Fast Retailing, công ty mẹ của Uniqlo, nổi lên là kẻ giữ vị thế khá vững chắc so với các đối thủ trong cuộc khủng hoảng này.

Vậy đâu là bí quyết để Uniqlo trụ vững giữa bão Covid-19?

Ông Tadashi Yanai, chủ tịch kiêm CEO của Fast Retailing, công ty mẹ Uniqlo. 
Ông Tadashi Yanai, chủ tịch kiêm CEO của Fast Retailing, công ty mẹ Uniqlo. 

Quần áo đơn giản, thực dụng phát huy tác dụng 

Akari Ono (27 tuổi) cho biết tủ đồ của cô đều là đồ cơ bản của Uniqlo và những thương hiệu cùng hệ thống. Các thương hiệu "có giá cả hợp lý và chúng đặc biệt hữu ích vì tôi không ra ngoài nhiều trong năm nay", cô chia sẻ.

Một phụ nữ sống ở tỉnh lân cận Saitama đã đến Tokyo để mua sắm tại cửa hàng Uniqlo. Người này cho biết dù Covid-19 khiến mọi chi tiêu sinh hoạt trong gia đình phải cắt giảm nhưng bản thân vẫn dành khoản nhỏ để mua đồ Uniqlo. từ áo phông, đồ ngủ, đồ lót... "Uniqlo là thương hiệu chúng tôi sử dụng nhiều nhất", cô nói.

Trong cuốn tự truyện xuất bản năm 2003, Tadashi Yanai từng nhấn mạnh kim chỉ nam của Uniqlo khi mới ra mắt, đó là tạo nên dòng trang phục cơ bản có thể mặc mọi lúc, mọi nơi, không kén người. "Nếu chúng tôi có thể bán được số lượng lớn loại trang phục này cho cả nam và nữ, đó là một thành công", ông nói.

Với quan điểm này, dòng sản phẩm LifeWear lại trở nên phù hợp một cách kỳ lạ khi dịch Covid-19 bất ngờ ập đến: khẩu trang thoáng khí, quần thể thao thân thiện với môi trường cách ly, những chiếc áo phông vải jersey mỏng nhẹ...

"Covid-19 là một đòn chí mạng đối với các công ty trên toàn thế giới nhưng đồng thời nó cũng là một cơ hội lớn. Các công ty thành công luôn biết cách tự thoát ra khỏi khủng hoảng", vị CEO 71 tuổi nói với Nikkei Asia.

Khẩu trang AIRism là biểu tượng thành công và dễ nhận biết nhất giúp Uniqlo vượt bão Covid-19. Dù Yanai không định tập trung vào dòng sản phẩm này, nhưng sau cùng, do nhu cầu quá lớn, khẩu trang trở thành sản phẩm chủ lực của Uniqlo giữa đại dịch. Người dân Nhật Bản đã xếp hàng hàng giờ chỉ để mua được một chiếc.

Dòng người xếp hàng mua khẩu trang AIRism tại một cửa hàng Uniqlo ở Tokyo.
Dòng người xếp hàng mua khẩu trang AIRism tại một cửa hàng Uniqlo ở Tokyo.

Đổi mới để vượt bão

Vào tháng 6, doanh số bán hàng tại thị trường nội địa Nhật Bản của Uniqlo bao gồm cả thương mại điện tử tăng 26% so với cùng kỳ năm ngoái. Doanh số hàng tháng (tính đến tháng 9) cho thấy mức tăng trưởng 10%.

Đánh giá cao việc pha trộn giữa hai mô hình truyền thống và trực tuyến, nhưng CEO Tadashi Yanai vẫn tin tưởng vào sức mạnh cách thức bán hàng tương tác trực tiếp tại shop. “Thương mại điện tử chỉ là phiên bản ảo của thế giới thực. Không có gì đánh bại được phiên bản gốc", ông khẳng định. 

Dẫu vậy, thành công của cửa hàng tại Harajuku đã khiến Uniqlo suy tình một cách nghiêm túc về kế hoạch tiếp tục mở rộng các cửa hàng truyền thống kết hợp với kỹ thuật số. 

Cửa hàng Uniqlo ở quận Harajuku, Tokyo với hơn 200 màn hình hiển thị giúp khách hàng dễ dàng hơn trong việc mua sắm.
Cửa hàng Uniqlo ở quận Harajuku, Tokyo với hơn 200 màn hình hiển thị giúp khách hàng dễ dàng hơn trong việc mua sắm.

Trên thực tế, đại dịch đã đẩy nhiều cửa hàng truyền thống đóng cửa và buộc chuyển sang số hóa, bao gồm cả những đối thủ toàn cầu của Fast Retailing như Inditex, công ty mẹ của Zara và H&M. Doanh thu hàng quý của Inditex đã giảm tới 44% trong năm nay, trong khi H&M giảm tới 50%, khiến Inditex buộc phải thông qua kế hoạch đóng cửa 700 cửa hàng và H&M cũng có động thái tương tự với 250 cửa hàng vào năm 2021.

Trong khi đó, Uniqlo vẫn chưa thông báo về việc đóng cửa. Thậm chí, số lượng cửa hàng của Uniqlo không có dấu hiện ngừng tăng kể từ giữa năm 2019. Năm ngoái, Uniqlo đã gia nhập thị trường Việt Nam và Ấn Độ, đây được coi là một động lực tăng trưởng tiềm năng khác của công ty. Tính đến cuối tháng 9, Uniqlo có 251 cửa hàng ở Đông Nam Á, Ấn Độ và Australia. 

Năm 2019, Uniqlo đã gia nhập thị trường Việt Nam và Ấn Độ. 
Năm 2019, Uniqlo đã gia nhập thị trường Việt Nam và Ấn Độ. 

Từ chỗ bị xem là kẻ chịu thiệt khi phụ thuộc vào Trung Quốc và thị trường châu Á, ít hiện diện tại Mỹ, nhưng trong đại dịch, bước đi này bất ngờ mang lại may mắn cho Uniqlo. Châu Á đóng góp khoảng 3/4 doanh thu hàng năm cho hãng, riêng thị trường Trung Quốc chiếm 20%, ngược lại với tình hình ảm đạm tại châu Mỹ và châu Âu.

Trái lại, các đối thủ của Fast Retailing tập trung vào thị trường Mỹ như Gap, châu Âu như Inditex (công ty mẹ Zara) và H&M vẫn chìm trong những dự báo kinh doanh đầy trắc trở thời gian dài. 

Tin Cùng Chuyên Mục