Vào tháng 8/2016, đức vua Dubai Sheikh Mohammed bin Rashid đã có chuyến thăm bất ngờ tới văn phòng Bộ đất đai và Bộ phát triển kinh tế lúc sáng sớm theo giờ làm. Trong đoạn video quay lại, Nhà vua phát hiện một số bàn làm việc của quan chức bỏ trống dù đã quá giờ làm. Ngay lập tức, 9 quan chức của 2 bộ trên đã bị sa thải chỉ 1 ngày sau đó.
Câu chuyện trên chỉ là một trong số rất nhiều khía cạnh về nhà trị vì Dubai, người lãnh đạo đưa quốc gia Trung Đông này vượt qua cuộc khủng hoảng 2008 cũng như phát triển kinh tế đất nước đi lên.
Nhà trị vì sáng suốt
Ngay từ thập niên 1970, Thái tử Rashid đã đóng vai trò vô cùng quan trọng trong chính phủ Dubai khi đảm nhiệm Bộ trưởng Quốc phòng. Vào năm 1985, chính ông là một trong những người đỡ đầu để xây dựng nên hãng hàng không nổi tiếng thế giới Emirates Airlines. Năm 1999, cũng chính ông là người khởi xướng xây dựng khách sạn hạng sang Burj Al Arab, rồi xây dựng đảo Cọ (Palm Jumeirah) vào năm 2001 để phát triển ngành du lịch cũng như hạn chế dựa dẫm vào dầu mỏ.
Nhờ tầm nhìn sáng suốt của Thái tử Rashid mà nền kinh tế Dubai có sự phát triển bền vững, chống lại được những cuộc khủng hoảng về dầu mỏ diễn ra trong vài năm trở lại đây.
Kể từ khi trở thành người cai trị Dubai vào năm 2006, Đức vua Rashid đã có lời tuyên bố với báo giới rằng sẽ giải quyết các khó khăn, vượt qua thử thách và chinh phục những điều không thể để đưa nền kinh tế Dubai đi lên, đem lại hạnh phúc cho người dân.
Đã 12 năm kể từ lời hứa khi đăng quang của vua Rashid và ông đã làm tròn cam kết của mình. Ngày nay, người dân Dubai được sống trong một đất nước có GDP bình quân đầu người đạt 24.866 USD và luôn nằm trong top những nước giàu trên thế giới. Hệ thống an sinh xã hội, giao thông, y tế… của quốc gia này luôn được đánh giá cao.
Mới đây, báo cáo của Ngân hàng Deutsche Bank xếp hạng Dubai đứng thứ 18/50 trong bảng xếp hạng chất lượng cuộc sống của các thành phố.
Hiếm có người biết rằng Dubai có diện tích chỉ lớn hơn thủ đô Hà Nội chút xíu (4.114 km2 so với 3.329 km2) nhưng lại có dân số thấp hơn một nửa (3,1 triệu dân so với 7,6 triệu người). Mặc dù vậy, người dân ở đây vẫn được hưởng một cơ sở hạ tầng vật chất tiên tiến được xây dựng nhằm đáp ứng cho du lịch. Hệ thống sân bay hiện đại nhất thế giới, những chuỗi cửa hàng, khách sạn hạng sang và hàng triệu du khách đến đây mỗi năm tạo thêm việc làm.
Nếu như bạn bay từ Châu Á sang Châu Âu, việc quá cảnh ở Dubai gần như không thể tránh khỏi. Đây cũng là thiên đường cho giới nhà giàu đến nghỉ dưỡng hoặc né tránh những biến động về kinh tế, chính trị.
Tất cả những công lao trên phải nhờ tới những người lãnh đạo của Dubai mà đặc biệt là vua Rashid. Trước đây, Dubai chỉ là vùng chài nhỏ với nghề đánh bắt cá là chủ yếu. Thập niên 1970, Dubai trở thành nơi trung chuyển vàng lớn trên thế giới và cho thị trường Ấn Độ. Tuy nhiên sự bùng nổ của dầu mỏ đã thay đổi cuộc sống nơi đây. Dẫu vậy nhận ra rằng nền kinh tế dựa vào dầu là không an toàn, vua Rashid đã chuyển hướng sang đầu tư du lịch và tầm nhìn này đã đem lại sự thịnh vượng cho người dân.
Ngày nay, ngành khai thác dầu mỏ chỉ chiếm chưa đến 5% GDP của Dubai. Nguồn thu chính của nước này đến chủ yếu từ du lịch, bất động sản. Trong khoảng 2005 - 2009, thông thương của Dubai với một số nước như Iran đã tăng gấp 3 lần lên 12 tỷ USD. Dân số của quốc gia này cũng tăng mạnh từ 1,4 triệu người năm 2006 lên 3,1 triệu người hiện nay.
Nhờ những quyết định đúng đắn này mà Dubai vươn mình từ một tiểu quốc có người dân chết đói để trở thành một trong những trung tâm du lịch, thông thương của thế giới trong vòng 20 năm. Rõ ràng, tầm nhìn xa và việc chấp nhận những rủi ro để thay đổi nền kinh tế đất nước đã giúp Đức vua Rashid bảo vệ và chăm lo được cho thần dân của mình.
"Thất bại không phải là chấp nhận rủi ro và gục ngã. Thất bại là sự sợ hãi chấp nhận bất kỳ rủi ro nào. Một cuộc sống giản đơn không thể tạo nên một người đàn ông thực thụ cũng như xây dựng nên một đất nước hạnh phúc. Chính những thách thức mới làm nên một người đàn ông, và chính những người đàn ông này sẽ làm nên một quốc gia thịnh vượng", Đức vua Rashid nói.
Cai trị bằng cái tâm
Bên cạnh tư tưởng lớn cùng khả năng chấp nhận rủi ro để đi đến thành công, Đức Vua Rashid cũng có cái nhìn rất sáng suốt về hệ thống công quyền.
Ngay từ những năm 1997, Vua Rashid đã thông qua những chương trình hoàn thiện chính phủ nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ công, thúc đẩy sự hiệu quả của bộ máy nhà nước. Tại quốc gia này, du khách có thể dễ dàng thấy các quan chức đi bộ trên phố để tiếp xúc với người dân thay vì những đoàn tùy tùng.
Rõ ràng, quan điểm người lãnh đạo tốt là người luôn đặt lợi ích cộng đồng lên trước, không bị bó buộc trong khung cảnh cung điện hay những đoàn xe hộ tống giúp vua Rashid cũng như hệ thống hành chính công của nước này hoạt động có hiệu quả.
"Một nhà lãnh đạo thực thụ sẽ không điều hành bằng sức mạnh từ vị thế của mình mà bằng đạo đức của bản thân, bằng tình yêu của mọi người đối với anh/cô ấy, bằng kiến thức, sự hiểu biết của anh/cô ấy đối với công việc", nhà vua Rashid tuyên bố.
Chính quan điểm này khiến các doanh nghiệp khi đến Dubai cảm thấy nhẹ nhõm và dám đầu tư mạnh cho vùng đất toàn hoang mạc. Thậm chí để nâng cao hiệu suất, chính phủ Dubai thời gian gần đây đang hướng đến quản lý điện tử, phát triển công nghệ để trở thành thành phố thông minh, hiện đại hóa hệ thống hành chính công nhằm giảm thiểu số thời gian làm thủ tục.
Không phải ngẫu nhiên mà Dubai được chọn là nơi Đăng cai Hội chợ thế giới (Expo 2020). Chính cơ sở hạ tầng tốt, một bộ máy hoạt động hiệu quả và tầm nhìn chuẩn xác mới thuyết phục được các doanh nghiệp và nhà tổ chức đổ về đây.
"Một chính phủ tốt không có gì ngoài việc tạo phúc cho người dân. Câu chuyện chỉ đơn giản có thế", Đức vua Rashid đúc kết.
Dubai là một tiểu vương quốc trong Liên minh các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE). Diện tích của tiểu quốc này khá nhỏ và thành phố Dubai chiếm diện tích lớn nhất trên lãnh thổ quốc gia này