Theo Medium, nếu McDonald’s được biết đến là một công ty bất động sản "ẩn giấu" trong chuỗi đồ ăn nhanh, thì Starbucks cũng đang âm thầm hoạt động kiểu ngân hàng trong "hình hài" một quán cà phê.
Với hơn 35.000 cửa hàng trên toàn cầu, Starbucks là một trong những "gã khổng lồ" về cà phê toàn cầu. Vậy nhưng vì sao nhiều người lại cho rằng, Starbucks đang hoạt động như một ngân hàng?
Câu chuyện ra đời của Starbucks
Starbucks được thành lập vào năm 1971 với tư cách là một công ty bán hạt cà phê, được quản lý bởi Jerry Baldwin, Zev Siegl và Gordon Bowker. Quán cà phê Starbucks đầu tiên được mở tại Seattle.
Năm 1982, Howard Schultz (lúc đó 29 tuổi) gia nhập Starbucks với tư cách Giám đốc bán lẻ và tiếp thị. Trong quá trình làm việc, ông không đồng tình với chiến lược của các nhà sáng lập, Howard cùng với các nhà đầu tư của mình mua lại Starbucks vào năm 1985. Lúc này, ông cùng đồng sự tập trung hơn vào mảng bán lẻ và mở quán phục vụ cà phê, thay vì chỉ kinh doanh hạt cà phê thô.
Trong vòng 5 năm kể từ khi Howard tiếp quản, Starbucks mở hơn 140 địa điểm và niêm yết trên sàn chứng khoán vào năm 1992. Nguồn vốn từ thị trường chứng khoán cho phép Howard Schultz đẩy nhanh kế hoạch mở rộng.
Đến năm 1996, Starbucks đã mở cửa hàng thứ 1.000 và đạt 2.500 cửa hàng trong ba năm tiếp theo. Chưa dừng lại ở đó, từ năm 2000 đến năm 2007, Starbucks gần như "phủ sóng" khắp thế giới - mở 1.500 cửa hàng mới mỗi năm.
Những con số biết nói
Năm 2022, thị phần của Starbucks là trên 37% tại Mỹ. Năm nay, thương hiệu này đã mở 1.878 cửa hàng mới, kết thúc năm với 35.711 cửa hàng tại hơn 80 quốc gia.
Doanh thu lên tới 32,25 tỷ USD, tăng 10,98% so với năm ngoái. Nhu cầu về cà phê Starbucks đã tăng nhanh trong suốt cả năm. Doanh thu thuần tăng 11% lên 32,5 tỷ đồng và doanh thu tại cửa hàng tăng 8%.
Vào năm 2022, Starbucks đã kiếm được hơn 61% doanh thu từ đồ uống. Và 21% tổng doanh thu còn lại đến từ cà phê, trà đóng gói và phục vụ một lần, cộng với tiền bản quyền. Thực phẩm chiếm 18% tổng doanh số bán hàng cùng năm.
Năm 2022, Starbucks đã tạo ra 3,28 tỷ USD doanh thu ròng, thấp hơn so với con số 4,2 tỷ USD vào năm 2021 nhưng cao hơn con số 928 triệu USD ghi nhận vào năm 2020.
Bí mật ẩn sau đế chế Starbucks
Nhìn bề ngoài Starbucks phục vụ cà phê, nhưng nếu nhìn sâu hơn một chút, đây thực sự là một trong những ngân hàng lớn nhất thế giới. Tất cả là nhờ "Chương trình khách hàng thân thiết" được tiếp thị khéo léo của hãng đồ uống này.
Đa phần khách hàng của Starbucks đã quá quen thuộc với chương trình khách hàng thân thiết có tên Starbucks Rewards.
Khách hàng dễ dàng nạp tiền vào tài khoản Starbucks Rewards thông qua thẻ tín dụng hoặc thẻ quà tặng Starbucks. Sau đó, số tiền trả trước trong ứng dụng sẽ được đổi thành sản phẩm Starbucks và nhận lại điểm thưởng (còn gọi là Stars), và các "ngôi sao" này được dùng để đổi lấy đồ ăn, thức uống miễn phí hoặc giảm giá trên các đơn hàng Starbucks tiếp theo.
Theo báo cáo quý III/2022 của Starbucks, chỉ riêng tại Mỹ đã có 27,4 triệu thành viên Starbucks Rewards đang hoạt động. Con số này gần gấp đôi so với 14,2 triệu thành viên vào cuối năm 2017.
Phía công ty cho biết những thành viên Starbucks Rewards thường chi tiêu nhiều gấp ba lần so với những khách hàng thông thường. Bởi vậy không có gì khó hiểu khi doanh thu của Starbucks Rewards tại Mỹ năm 2023 chiếm đến 53% tổng doanh số.
Dựa vào sự phổ biến của Starbucks cũng như danh tiếng của hãng, khách hàng không ngại trữ tiền, ít nhất cũng vài USD trong tài khoản Starbucks vì nghĩ rằng kiểu gì cũng sẽ dùng chúng vào một ngày nào đó.
Trên thực tế, trong báo cáo quý III/2022, Starbucks công khai 1,7 tỷ USD được trữ trong các tài khoản Starbucks Rewards.
Giống như cách ngân hàng lưu trữ tiền từ khách hàng, Starbucks thu một lượng lớn tiền mặt thông qua Starbucks Rewards. Điều thú vị là số tiền này còn lớn hơn lượng tiền mặt mà nhiều ngân hàng đang nắm giữ.
Nhưng cần phải nhấn mạnh, Ngân hàng cần phải trả lãi tiền gửi cho khách hàng, còn Starbucks thì không, hay nói cách khác, Starbucks sở hữu một khoản tiền vay ưu đãi với lãi suất 0%.
Với số tiền này, Starbucks hoàn toàn có thể sử dụng đem đi đầu tư, mở rộng hoạt động kinh doanh và kiếm thêm lợi nhuận mà không cần chia sẻ cho khách hàng. Và Starbucks cũng chẳng cần làm gì nhiều khi 10% số tiền này sẽ bị lãng quên hoặc không bao giờ được sử dụng.
Tuyệt vời hơn nữa là khách hàng có thể rút tiền từ ngân hàng vào bất cứ lúc nào, nhưng thành viên Starbucks Rewards chỉ có thể "rút bằng cà phê" hay sản phẩm của hãng.
Mô hình nãy sẽ "chiếm dụng" được phần tiền mà khách hàng chuyển vào, mang lại doanh thu đảm bảo cho Starbucks. Một số chuyên gia đã chỉ ra, Starbucks hoàn toàn có thể cho vay để kiếm thu nhập từ lãi suất, đầu tư dài hạn hoặc thậm chí mở rộng hệ thống thanh toán di động…