Bắt tay Formosa, và mới đây là động thái quyết gom "thị phần" 2 miền Trung Bắc, HSG đang cho thấy những động thái "trở mình" để giải quyết vấn đề hiện hữu. Nhiều băn khoăn theo đó trỗi dậy với cổ phiếu đang ở mức "hấp dẫn" này, khi HSG từng tăng một mạch từ vùng mệnh giá lên đỉnh hơn 26.000 đồng/cp và hiện đang lui về vùng giá 9.900 đồng. Thanh khoản thời gian gần đây của HSG cũng đột biến, trung bình có khoảng 4-5 triệu cổ phiếu được giao dịch mỗi phiên.
Nhiều nhà đầu tư kỳ vọng HSG sẽ tái cấu trúc thành công, và như vậy cổ phiếu sẽ lại tăng mạnh như đã từng. Tuy nhiên, trong cơn chật vật hiện tại, HSG vẫn thực sự là một thách thức.
Tuy nhiên, trước mắt bức tranh với HSG vẫn còn sẫm màu, khi kết quả quý cuối niên độ 2017-2018 ghi nhận lỗ đến 102 tỷ đồng. Chi tiết, trong kỳ doanh thu Công ty đạt 8.566 tỷ, tăng hơn 23% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, giá vốn tăng cao khiến lợi nhuận gộp HSG giảm mạnh từ 1.131 về còn 724 tỷ đồng. Đi cùng gánh nặng chi phí lãi vay tiếp tục tăng (từ 152 tỷ lên 234 tỷ), mặc dù chi phí quản lý có được tiết giảm, quý cuối niên độ HSG vẫn báo lỗ đến 102 tỷ đồng, sụt giảm mạnh so với mức lãi hơn 200 tỷ cùng kỳ.
Lũy kế cả niên độ, HSG ghi nhận 34.441 tỷ doanh thu và 410 tỷ lợi nhuận sau thuế, giảm hơn 3 lần so với thực hiện niên độ trước đó. Đáng chú ý, tính đến ngày 30/9/2018, nợ vay của HSG tiếp tục tăng, trong đó nợ vay ngắn hạn tăng từ 9.015 tỷ lên 10.880 tỷ, dư nợ vay dài hạn tăng từ 2.836 lên 3.462 tỷ đồng.
Trở lại với động thái gom thị phần miền Trung Bắc, Tập đoàn Hoa Sen (HSG) vừa công bố chủ trương tái cấu trúc hệ thống phân phối, trong đó Tập đoàn sẽ làm việc, đàm phán với Công ty TNHH Tập đoàn Đầu tư Hoa Sen để nhận chuyển nhượng các chi nhánh thuộc quyền sở hữu, quản lý khai thác của Tập đoàn Đầu tư Hoa Sen tại một số tỉnh thành, để đảm bảo tại tỉnh thành đó sẽ hiện diện 100% chi nhánh/cửa hàng thuộc HSG. Các tỉnh thành nhận chuyển nhượng chủ yếu sẽ tập trung tại khu vực miền Bắc và miền Trung.
Ngược lại, để hài hoà lợi ích, HSG sẽ chuyển nhượng lại cho Tập đoàn Đầu tư Hoa Sen một số ít chi nhánh/cửa hàng tại một số tỉnh thành miền Nam nhằm thuận tiện cho công tác quản lý của các bên.
Lý do cho công cuộc tái cấu trúc trên, theo HSG chia làm hai luồng chủ quan và khách quan.
Thứ nhất về chủ quan, sản lượng sản xuất của HSG đã đạt xấp xỉ triệu tấn/năm, do đó phải mở rộng hệ thống phân phối để đáp ứng quy mô sản xuất. Cùng với đó, giai đoạn hiện nay. HSG đang triển khai tái cấu trúc hệ thống phân phối theo mô hình chi nhánh tỉnh, do đó phải đảm bảo sự nhất quán, tập trung trong các chính sách về giá, chính sách kinh doanh, cung ứng tại tỉnh thành; đồng thời tiết giảm chi phí và nguồn lực quản lý, điều hành.
Thứ hai, lý do khách quan theo HSG, trước tình hình thị trường gặp nhiều khó khăn, bất ổn, HSG phải phát triển nhanh hệ thống phân phối để gia tăng sản lượng tiêu thụ, tăng thị phần nội địa.
Trước đây, HSG đã triển khai mô hình chuyển nhượng thương mại với một số đơn vị, tuy nhiên mô hình này lại không thành công do các đơn vị chuyển sang kinh doanh sản phẩm của doanh nghiệp khác, do vậy HSG phải mở nhanh chi nhánh mang thương hiệu Hoa Sen và phân phối 100% sản phẩm của Tập đoàn.
Tại các thị trường cạnh tranh khốc liệt, đặc biệt khu vực miền Bắc và miền Trung, HSG cho biết cần tập trung, thống nhất mọi nguồn lực để tăng cường năng lực cạnh tranh, cũng như phát huy lợi thế để đảm bảo đầu ra cho sản phẩm, giải quyết dòng tiền, hạch toán chi phí khấu hao và thanh toán dư nợ trung – dài hạn cho các dự án.
Thật vậy, hiện bài toán khó của HSG chính là dư nợ tăng khủng, đi cùng hàng tồn kho ứ đọng khiến biên lãi giảm mạnh nhiều quý trở lại đây. Chưa hết, giá nguyên liệu và tính cạnh tranh tăng cao cũng đang là khó khăn cho toàn ngành nói chung. Kết quả là, ghi nhận 9 tháng đầu năm 2018, giá HRC nhập khẩu tăng mạnh 16%, kéo theo nhuận ròng HSG giảm mạnh 55%, xuống còn 512 tỷ đồng. Biên lãi Tập đoàn cũng điều chỉnh mạnh, cụ thể tỷ suất lợi nhuận gộp của HSG giảm về mức thấp nhất trong lịch sử là 10% trong quý 2/2018. Hơn nữa, tình trạng nợ vay ở mức cao do hàng tồn kho tăng, dẫn đến tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu tăng đáng kể từ 2,3x vào cuối năm tài chính trước lên 3x vào cuối tháng 6/2018, càng khiến HSG dễ bị tổn thương hơn trước áp lực giá nguyên vật liệu so với đối thủ.