Khó khăn về vốn và pháp lý
Theo dự báo của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, thị trường bất động sản đã và sẽ gặp những khó khăn nhất định và có dấu hiệu giảm sút. Thống kê trong quý 3 năm 2019, thị trường bất động sản vẫn đi theo chiều hướng giảm, nhất là Hà Nội, TPHCM. Cụ thể, tại Hà Nội, ở phân khúc căn hộ, nếu so với quý 2 năm nay, tổng số sản phẩm mới được chào bán ra thị trường ở quý 3 đã giảm hơn 2.200 căn và giảm hơn 4.000 căn so với cùng kỳ năm trước.
Ở các tỉnh, thành lân cận Hà Nội, dù được đánh giá như những "miền đất hứa" nhưng nguồn cung và tỷ lệ giao dịch thành công cũng không mấy khả quan. Tại địa bàn mới như Thái Nguyên, Bắc Giang, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hưng Yên... lượng cung bất động sản tương đối ít.
Ông Nguyễn Trần Nam - Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam cho rằng, doanh nghiệp bất động sản Việt Nam có thể sẽ phải đối mặt trong năm 2020 tới đây, ông Nam lo ngại rằng, doanh nghiệp bất động sản sẽ gặp khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn.
“Cùng với đó là hệ thống các văn bản pháp lý liên quan đến thị trường bất động sản còn chưa đồng bộ. Hành lang pháp lý điều chỉnh thị trường bất động sản, từ công tác đầu tư xây dựng, giao dịch đến quản lý sử dụng bất động sản chậm được hoàn thiện, còn chồng chéo; nhiều vấn đề phát sinh từ thực tiễn… dẫn đến thị trường bất động sản chưa được quản lý và kiểm soát một cách hiệu quả” - ông Nguyễn Trần Nam nói.
Vụ việc Cocobay Đà Nẵng đưa tới e ngại về thị trường bất động sản nghỉ dưỡng. Cơ chế và hành lang pháp lý cho bất động sản nghỉ dưỡng chưa rõ ràng, đây là vấn đề tồn tại nhưng chưa thực sự được giải quyết khiến nhà đầu tư vẫn rất thận trọng với bất động sản nghỉ dưỡng năm 2020.
Siết tín dụng tạo sự phát triển bền vững
TS Lê Xuân Nghĩa - chuyên gia kinh tế có cái nhìn lạc quan về thị trường bất động sản năm 2020. Kinh tế thế giới và thương mại toàn cầu có thể phục hồi nên sẽ tác động tích cực tới thị trường bất động sản, kéo theo dòng tiền đầu tư.
|
Siết tín dụng tạo sự phát triển bền vững cho thị trường bất động sản. |
Đầu tư của Chính phủ, đầu tư PPP, FDI vào bất động sản cũng có xu hướng tăng. Chính phủ chuẩn bị khởi công một số hạ tầng lớn, ảnh hưởng tới thị trường bất động sản.
Ngoài ra, đầu tư của tư nhân cũng có tác động mạnh tới thị trường. Đầu tư của dòng đô thị hoá đang rất mạnh. Dòng này còn phụ thuộc vào dòng đầu tư nói chung, tạo ra một trào lưu về đô thị hoá mới, bắt đầu từ năm 2017 và dự kiến kéo dài tới 10 năm.
“Chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước có thắt chặt, nhưng mức độ vẫn còn khá lỏng. Chúng tôi đã khuyến cáo về việc kiểm soát thị trường tài chính với thị trường bất động sản phải thận trọng, không được làm đóng băng, phải phát triển ổn định, dài hạn. Ta đã thực hiện nhiều phép thử và chưa thấy có đóng băng nhưng chắc chắn sẽ có vài biến chuyển có tính chất liên quan tới trục trặc gần đây như condotel, và có thể sẽ có một số điều chỉnh khác” TS Lê Xuân Nghĩa nói.
Theo ông Nguyễn Văn Đính - Phó chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, nền kinh tế Việt Nam có sự tăng trưởng khá ổn định và nhanh. Nó phản ánh nội lực tốt và dự báo tiếp tục phát triển tốt trong 2020 là tiền đề để thị trường bất động sản phát triển.
“Trong 2 năm qua, chúng ta vẫn duy trì tốt dòng vốn ngoại vào bất động sản, cùng với đó là lượng kiều hối về Việt Nam cũng khá lớn, là những dòng vốn rất tốt và phần lớn được sử dụng đầu tư vào bất động sản. Hoạt động tín dụng của Việt Nam trong 2019 cũng có sự tăng trưởng khả quan. Trong 2020 có thể Chính phủ sẽ có sự điều chỉnh theo hướng kiểm soát chặt chẽ hơn, nhưng theo tôi năm tới không đến mức khó khăn về vốn cho thị trường" - ông Nguyễn Văn Đính nói.
Chủ trương siết chặt dòng vốn đối với bất động sản là một chủ trương đúng nhưng không nên quá sợ hãi, quá cẩn thận bởi vẫn cần phải sử dụng nó để phát triển. Với dòng vốn FDI, cũng cần phải đẩy mạnh việc giải quyết các thủ tục đầu tư, cấp phép dự án, cần những chính sách cởi mở hơn để tạo niềm tin cho các nhà đầu tư ngoại, ông Nguyễn Văn Đính phân tích thêm./.