Ngày pháp luật

Bất động sản khắp nơi sốt giá, vì sao khó xử lý “cò” đất?

Lam Hạnh

Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho hay lực lượng hành nghề môi giới bất động sản có trên 300.000 người, trong đó 27.000 người có chứng chỉ hành nghề theo luật Kinh doanh Bất động sản 2006; 8.000 người có chứng chỉ theo luật này năm 2014. Số còn lại chưa có giấy phép vẫn ngang nhiên hành nghề.

Nhiều hệ lụy xã hội do “cò” đất gây ra

Thời gian qua, thị trường bất động sản Việt Nam chứng kiến nhiều đợt sốt đất, không chỉ tại các dự án ở các thành phố lớn, mà còn ở các khu vực vệ tinh như Thạch Thất, Thanh Trì (Hà Nội), Vân Đồn (Quảng Ninh), Đồng Nai, Phú Quốc, Hớn Quản (Bình Phước), Thủ Đức (TP HCM)…

Sau thông tin Hà Nội quy hoạch lấy hành lang sông Hồng làm trọng tâm phát triển
thành phố trong tương lai, nhiều văn phòng môi giới nhà đất mọc lên, giá nhà đất được giới thiệu tăng cao. Còn tại huyện Hớn Quản (Bình Phước), khi có thông tin cơ quan chức năng khảo sát thực địa sân bay lưỡng dụng Téc-Ních để lập đề án quy hoạch xây dựng thì lập tức giới “cò” làm loạn thị trường...

Giới “cò” làm loạn thị trường ngay sau nhiều thông tin quy hoạch.
Giới “cò” làm loạn thị trường ngay sau nhiều thông tin quy hoạch.

Tuy nhiên, Bộ Giao thông vận tải đã đưa ra khỏi quy hoạch hai tuần sau khi tỉnh Bình Phước đề xuất. Kịch bản ở đây cũng tương tự như cơn “sốt” ở Bình Ba (huyện Châu Đức, Bà Rịa-Vũng Tàu) hồi đầu năm 2020, khi các lô đất được các nhóm đầu cơ đặt cọc, sau đó “cò” đất địa phương ôm những bản photocopy sổ hồng chào bán chênh lệch. Cơn sốt nhanh chóng bị dập tắt bởi việc đầu tư sân bay cũng chỉ trong ý tưởng và cơn sốt đất chỉ là ảo do các nhóm đầu cơ gây ra.

Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam Nguyễn Văn Đính cho rằng, mặc dù có sự tăng giá nhưng hiện tượng giao dịch thật diễn ra không nhiều, chủ yếu là mua bán qua lại giữa các nhà đầu cơ với nhau. Nhiều giao dịch diễn ra tại các dự án bất động sản được xác định là đầu tư ngắn hạn, chờ lên giá.

UBND tỉnh Quảng Ninh cho hay trong thời gian gần đây, địa bàn các địa phương: Cẩm Phả, Hạ Long, Quảng Yên, Uông Bí, Đông Triều... có tình trạng tăng giá đất đột biến ở một số khu vực, đặc biệt tại TP Hạ Long (Khu đô thị Cao Xanh - Hà Khánh A, B, C, Khu đô thị Hà Khánh giai đoạn I, II của Tập đoàn FLC), Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu trung tâm thương mại và dân cư xã Thống Nhất, huyện Hoành Bồ (nay là thành phố Hạ Long). Một số dự án khác cũng chưa đủ điều kiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, một số dự án chưa được UBND tỉnh giao đất như Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu trung tâm thương mại và dân cư xã Thống Nhất của Công ty TNHH Phúc An nhưng thông tin trên các trang mạng cho thấy tình trạng mua bán đã diễn ra sôi động. Có hiện tượng này là do các “cò” môi giới bất động sản đã mua đi, bán lại nhiều ô đất của các dự án. Đây là hoạt động có kịch bản đã được chuẩn bị kỹ lưỡng nhằm mục đích “thổi” giá, tạo “sóng” gây sốt về nhu cầu để rồi đẩy giá lên cao.

Thực chất đây là các hoạt động mua đi, bán lại với nhau trong chính các nhóm
môi giới đang thao túng gây rối thị trường, qua đó tạo các giao dịch “mồi” để dụ
khách hàng. Khi người dân đầu tư mua vào thì cơn sốt càng tăng cao. Tình trạng này kéo theo một số hệ lụy cho xã hội như gây khó khăn cho công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng các dự án để phát triển kinh tế xã hội tại các vùng lân cận của địa phương, gây mất an ninh trật tự, phát sinh tín dụng đen...

Chưa rõ thẩm quyền xử phạt

Theo báo cáo của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, những môi giới bất động sản chưa có chứng chỉ hành nghề thường gọi là “cò” này đã tung tin thất thiệt, không chính xác, tạo sự không minh bạch cho thị trường bất động sản. Đồng thời, nhóm "cò" đất cũng tiếp tay cho chủ đầu tư không tuân thủ pháp luật, phân phối hàng không đảm bảo quy định pháp luật, dẫn đến rủi ro cho khách hàng, khiến thị trường bất động sản khó kiểm soát, dễ đổ vỡ.

Theo Điều 58 Nghị định số 139/2017/NĐ-CP (gọi tắt là Nghị định 139) quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng; khai thác, chế biến, kinh doanh khoáng sản làm vật liệu xây dựng, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; kinh doanh bất động sản, phát triển nhà ở, quản lý sử dụng nhà và công sở, hành vi kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản độc lập mà không có chứng chỉ hành nghề hoặc chứng chỉ hành nghề hết thời hạn sử dụng theo quy định sẽ bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 15 triệu đồng.

Hành vi kinh doanh dịch vụ bất động sản mà không thành lập doanh nghiệp theo quy định, không đủ số người có chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản theo quy định hoặc chứng chỉ hành nghề hết thời hạn sử dụng theo quy định sẽ bị phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 40 triệu đồng.

Mức xử phạt này được cho là rất thấp trong khi các giao dịch đất đai có giá trị
lớn, lợi nhuận cao nên không đủ sức răn đe. Tuy nhiên, điều quan trọng là Nghị định 139 không quy định rõ thẩm quyền xử phạt nên dù chế tài đã có nhưng lâu nay giới “cò” đất vẫn ngang nhiên hoạt động công khai, làm méo mó thị trường bất động sản nhưng không ai bị xử phạt.

Tin Cùng Chuyên Mục