Cổ phiếu tăng vượt trội thị trường chung
Sau một năm 2022 đầy sóng gió, thị trường chứng khoán đã dần hồi phục và hiện đang giao dịch quanh vùng đỉnh 10 tháng. Hầu hết các nhóm cổ phiếu đều tăng giá so với đầu năm trong đó bất động sản cũng không ngoại lệ. Thậm chí, nhóm “cổ đất” còn vượt trội hơn so với thị trường chung khi chỉ số đại diện VNREAL tăng 21,6% từ đầu năm, cao hơn so với mức 20,2% của VN-Index.
Đa phần các cổ phiếu bất động sản “đình đám” như Vinhomes (VHM), Novaland (NVL), DIC Corp (DIG), Đất Xanh (DXG), Nam Long (NLG), Kinh Bắc City (KBC), Phát Đạt… đều có mức tăng hàng chục % từ đầu năm, vượt trội so với chỉ số chung. Ngoài ra, nhiều cổ phiếu vốn hoá nhỏ trong nhóm bất động sản thậm chí còn tăng bằng lần chỉ sau hơn 7 tháng.
Trước đó, trong năm 2022, nhóm cổ phiếu bất động sản đã rơi rất mạnh trong bối cảnh siết chặt tín dụng và hoạt động phát hành trái phiếu. Không ít cổ phiếu đã “bốc hơi” trên 70% thị giá so với đỉnh, nhiều cái tên đã rơi xuống mức thấp nhất kể từ khi niêm yết. Mặc dù tăng mạnh từ đầu năm nhưng đa phần các cổ phiếu bất động sản vẫn còn thấp hơn rất nhiều so với đỉnh đạt được trong giai đoạn từ cuối 2021 đến đầu 2022.
Đà tăng của các cổ phiếu bất động sản thời gian qua có phần lệch pha với quá trình hồi phục lợi nhuận khi nhiều doanh nghiệp địa ốc báo lãi quý 2 cũng như 6 tháng đầu năm giảm mạnh so với cùng kỳ, thậm chí vẫn còn lỗ nặng.
Lợi nhuận phân hoá mạnh
Theo dữ liệu thống kê của FiinTrade, ngành bất động sản dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng lợi nhuận sau thuế quý 2 trong nhóm phi tài chính với mức tăng 110,9% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, sự tăng trưởng chủ yếu nhờ đóng góp của Vinhomes và Kinh Bắc City.
Trong quý 2, Vinhomes ghi nhận doanh thu đạt trên 32.800 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 9.650 tỷ đồng, lần lượt gấp 7,3 lần và 14,5 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Con số trên giúp Vinhomes trở thành doanh nghiệp lãi lớn nhất sàn chứng khoán trong quý 2. Luỹ kế 6 tháng, doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp này lần lượt đạt trên 62.000 tỷ đồng và 21.570 tỷ đồng, tương ứng tăng 364% và 314% so với nửa đầu năm ngoái.
Trong khi đó, Kinh Bắc City dẫn đầu về tăng trưởng lợi nhuận 6 tháng đầu năm khi đạt gần 1.652 tỷ đồng, gấp 14,4 lần so với cùng kỳ. Doanh nghiệp cho biết đã cho thuê được khoảng hơn 170 ha đất công nghiệp và đã tiến hành bàn giao đất cho các đối tác Foxconn, Goertek. Riêng trong quý II, Kinh Bắc đạt hơn 711 tỷ đồng lãi ròng (cùng kỳ lỗ ròng trên 276 tỷ đồng).
Theo ước tính của FiinTrade, nếu không tính đến 2 doanh nghiệp trên, lợi nhuận sau thuế của các doanh nghiệp bất động sản còn lại giảm khoảng 38% so với cùng kỳ.
DIC Corp là một trong những doanh nghiệp giảm lãi mạnh nhất trong quý với lợi nhuận sau thuế “bốc hơi” 89% so với cùng kỳ, chỉ đạt hơn 9 tỷ đồng. Nguồn thu trong quý chủ yếu đến từ các hoạt động như Chuyển nhượng căn hộ dự án Gateway Vũng Tàu, CSJ; chuyển nhượng quuyền sử dụng đất dự án Nam Vĩnh Yên và chuyển nhượng nhà xây thô dự án Hiệp Phước.
Tương tự, Phát Đạt (PDR) ghi nhận lợi nhuận sau thuế quý 2 đạt 276 tỷ đồng, giảm hơn 32% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần đạt hơn 197 tỷ đồng và lãi ròng đạt gần 300 tỷ đồng, lần lượt giảm 87% và 57% so với nửa đầu năm ngoái. Với kết quả đạt được, doanh nghiệp bất động sản này đã thực hiện 47% kế hoạch lợi nhuận cả năm.
Cùng chung cảnh ngộ, Đất Xanh cũng ghi nhận kết quả kinh doanh đi lùi với doanh thu giảm 54% so với cùng kỳ, xuống 714 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế đạt 157 tỷ đồng, giảm 40% so với quý 2/2022. Luỹ kế 6 tháng đầu năm, doanh nghiệp bất động sản này lãi ròng 40 tỷ đồng, giảm đến 94% so với cùng kỳ năm trước.
Vẫn còn những cái tên thua lỗ
Về cơ bản, đa phần các doanh nghiệp bất động sản lớn đều có lãi trong quý 2 vừa qua tuy nhiên vẫn có một số ngoại lệ, điển hình như Novaland. Tập đoàn này ghi nhận doanh thu thuần hợp nhất quý 2 đạt hơn 1.040 tỷ đồng, tăng 72% cùng kỳ nhưng lại lỗ 201 tỷ đồng. Đây là quý thua lỗ thứ 2 liên tiếp của doanh nghiệp này. Lỗ ròng 6 tháng đầu năm ở mức gần 600 tỷ đồng.
Về kết quả này, Novaland cho biết đang tiếp tục trong quá trình tái cấu trúc. Song song, Công ty cũng tập trung phát triển và bàn giao theo đúng cam kết với người mua nhà các dự án Saigon Royal Residence, Grand Manhattan, Palm City, Aqua City, Aqua Riverside City và Aqua Waterfront City, NovaWorld Phan Thiết, NovaWorld Hồ Tràm.
Cũng lỗ trong quý 2 vừa qua là Quốc Cường Gia Lai (QCG). Doanh nghiệp này thậm chí còn không ghi nhận doanh thu từ bất động sản nhưng có doanh thu bán hàng hóa 11,4 tỷ đồng và doanh thu bán điện 33,4 tỷ đồng. Sau khi trừ chi phí và ghi nhận lợi nhuận khác, doanh nghiệp này lỗ ròng 11,2 tỷ đồng, mức kỷ lục lịch sử hoạt động. Lũy kế 6 tháng đầu năm, Quốc Cường Gia Lai lỗ 10,3 tỷ đồng trong khi năm ngoái có lãi lên tới gần 30 tỷ đồng.
Thực tế, tình hình kinh doanh lĩnh vực bất động sản vẫn gặp rất nhiều khó khăn trong nửa đầu năm khi các kênh huy động vốn chưa thể khai thông và nút thắt từ vấn đề pháp lý của các dự án. Dù vậy, những nỗ lực tháo gỡ của cơ quan chức năng cũng đã giúp các doanh nghiệp bất động sản phần nào vơi bớt gánh nặng và tạo tiền đề cho sự hồi phục trong tương lai.