Từ tờ báo Pháp luật đầu tiên trong cả nước…
Ông Đặng Ngọc Luyến, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Phó Tổng Biên tập thường trực Báo Pháp luật Việt Nam, hiện là Tổng Biên tập Tạp chí Điện tử Luật sư Việt Nam - người đi cùng Báo Pháp luật Việt Nam suốt hành trình 35 năm nhớ như in những dấu mốc phát triển của Báo Pháp luật Việt Nam.
Ông chia sẻ, năm 1981, sau một thời gian dài mang tên Ủy ban Pháp chế Chính phủ, Bộ Tư pháp được thành lập lại. Bốn năm sau, ngày 03/4/1985, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ký Quyết định số 57/QĐTC về việc xuất bản tờ báo Pháp luật thường thức nhằm tuyên truyền, phổ biến pháp luật, xây dựng ý thức pháp luật cho Nhân dân. Báo xuất bản một tháng 2 kỳ. Nguyên Bộ trưởng Bộ Tư pháp Phan Hiền ngày đó mong muốn có tờ báo tuyên truyền pháp luật bằng cách viết hết sức đơn giản, dễ hiểu, không phức tạp, hàn lâm, để những quy định của pháp luật trở nên gần gũi, dân dễ biết và chấp hành nghiêm chỉnh.
Ông Luyến cho biết, đội ngũ cán bộ ban đầu là 7 người tách từ Vụ Tuyên truyền đều là những cán bộ tốt nghiệp Đại học Luật trong nước và nước ngoài chưa hề có kiến thức và kinh nghiệm làm báo, duy nhất chỉ có một nhà báo chuyên nghiệp chuyển về từ Đài Tiếng nói Việt Nam. Và như thế, từ “tay ngang” của những cán bộ tuyên truyền pháp luật - không có phóng viên chính thức, không có phòng ban chức năng, mọi công đoạn từ viết, biên tập, đánh máy, đến phát hành đều do cả “tòa soạn” 7 người đảm nhận. Thế rồi, sau ba tháng vất vả chuẩn bị, ngày 10/7/1985, tờ Pháp luật thường thức đầu tiên in bằng chữ chì đã được xuất bản và phát hành đến tay bạn đọc. Đây là cột mốc đánh dấu sự hiện diện của Báo Pháp luật trong lòng bạn đọc cả nước.
Hôm báo in xong, cả tòa soạn tới cổng nhà in đón nhận số báo đầu tiên. Thế rồi, không phân biệt phóng viên hay biên tập viên, mỗi người nhận hàng trăm tờ báo đi giao cho các đại lý. Vừa làm báo, vừa bán báo là một kỷ niệm không thể nào quên những ngày ban đầu của Báo Pháp luật thường thức...
“Đêm đó, cả tòa soạn chỉ có 7 người nhưng ai nấy đều thức trắng đợi tờ báo ra lò. Chúng tôi ôm từng xấp báo in từ nhà in về, lòng bồi hồi khôn tả. Cái cảm giác lần đầu cầm tờ báo mình viết, mình in, mình phát hành, không bao giờ quên được”, ông Luyến xúc động nhớ lại.
Bạn đọc cũng như các nhà báo chuyên nghiệp đã đón nhận tờ Pháp luật thường thức một cách hết sức hồ hởi. Nhiều nhà báo tên tuổi lúc ấy tham gia viết bài và coi tờ Pháp luật thường thức là tờ báo của chính mình... Tờ báo non trẻ dần hình thành đội ngũ cộng tác viên từ các cán bộ pháp luật, nhà báo lão thành và cả những người viết tay ngang nhưng đầy nhiệt huyết. Những bài viết ban đầu chủ yếu được đặt từ các chuyên gia như ông Nguyễn Đình Lập là Vụ trưởng Vụ Pháp luật Văn phòng Quốc hội thời điểm đó, Đại tá Trần Thiết... những cây bút gắn bó với tờ báo từ buổi ban đầu đến mãi sau này...
Từ đó, tờ báo đã từng bước tạo dựng được bản sắc riêng, trở thành một kênh thông tin thiết yếu trong đời sống pháp luật của Nhân dân. Những chuyên mục như “Câu chuyện vụ án”, “Nhật ký phiên tòa”, “Pháp luật & đời sống” không chỉ phản ánh các sự kiện pháp lý mà còn thể hiện cách tiếp cận nhân văn, gần gũi với bạn đọc...
Từ tờ báo phát hành mỗi tháng chỉ có 2 số, những số đầu tiên Tổng Biên tập không phải là người duyệt bài cuối cùng trước khi xuất bản mà là lãnh đạo Bộ Tư pháp, Pháp luật thường thức đã có bước phát triển mạnh mẽ, số lượng phát hành ngày càng tăng. Khi đã có uy tín, khẳng định được chỗ đứng trong lòng bạn đọc, Báo dần tăng kỳ xuất bản và trở thành tuần báo. Ngày 10/7 hàng năm chính thức trở thành Ngày truyền thống của Báo.
Sau 5 năm phát triển, lúc này Bộ đã yêu cầu Báo chuẩn bị các điều kiện để bắt đầu thực hiện cơ chế tự chủ về tài chính. Khoảng đầu năm 1990, khi bắt đầu tự chủ, Báo đã đề nghị Bộ cho thay manchette và đổi tên thành Báo Pháp luật.
Giai đoạn phát triển thứ hai của Báo đã bắt đầu bằng việc xin phép xuất bản tăng kỳ và ra thêm các số chuyên đề. Giai đoạn từ giữa những năm 1990 là thời kỳ chuyển giao mạnh mẽ cả về cơ cấu tổ chức lẫn công nghệ. Các nhân sự trẻ, được đào tạo bài bản về cả luật và báo chí, bắt đầu gia nhập. Việc thành lập các ban biên tập, ban thư ký, phòng vi tính đã giúp chuyên môn hóa quy trình làm báo.
“Lúc đó, chúng tôi phải tự học cách dàn trang, trình bày, in ấn... Từ những chiếc máy chữ thủ công, báo dần chuyển sang công nghệ in laser, một bước tiến lớn. Chúng tôi còn tự làm market, tự bê bài lên trình lãnh đạo duyệt”, ông Luyến kể lại. Bên cạnh đó, Báo cũng xây dựng được một hệ thống cộng tác viên rộng khắp trên cả nước, tạo nên một mạng lưới tin tức phong phú, kịp thời và đa dạng.
Mặc dù thực hiện cơ chế hoàn toàn tự chủ, nhưng mãi gần 10 năm sau lớp phóng viên mới đầu tiên mới được tuyển dụng và số lượng kỳ xuất bản tăng lên, tờ Pháp luật cuối tuần ra đời vào năm 1997. Đây là thời kỳ phát triển nhanh nhất của Báo Pháp luật. Số kỳ xuất bản liên tục tăng.
Sau 10 năm, từ tờ báo 2 số một tháng, Báo Pháp luật đã tiệm cận thành tờ nhật báo. Đội ngũ cán bộ, phóng viên được đào tạo, rèn luyện ngày càng trưởng thành và chuyên nghiệp hơn. Nội dung và hình thức tờ báo ngày càng thay đổi theo chiều hướng tích cực, đóng góp ngày càng tốt hơn trong việc tuyên truyền đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước và đặc biệt là công tác truyền thông cho Bộ, ngành Tư pháp.
Đến Pháp luật Việt Nam thăng trầm và rực rỡ
Năm 2002, giữa làn sóng phát triển của báo chí trong nước, đặc biệt là sự ra đời của nhiều tờ báo có tên gần giống như “Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh”, “Pháp luật và Đời sống”..., việc khẳng định thương hiệu trở thành một yêu cầu cấp thiết. Khi đó, ở giai đoạn ông Lê Cảnh Thuận là Tổng Biên tập Báo, tên gọi “Báo Pháp luật Việt Nam” chính thức ra đời và được định danh cho đến nay. Cùng lúc, Báo bắt đầu mở rộng quy mô, phát triển các ấn phẩm phụ, xây dựng văn phòng đại diện tại nhiều địa phương. Các số báo chủ nhật, thứ tư, cuối tuần... lần lượt ra đời, tạo thành một hệ sinh thái truyền thông mạnh mẽ, chuyên biệt.
Ông Đặng Ngọc Luyến nhớ lại, Báo Pháp luật Việt Nam phát triển ổn định cho đến năm 2008 thì bắt đầu có dấu hiệu chùng xuống. Nhiều cơ chế quản lý như biên chế, hợp đồng viên chức theo quy định mới đối với cơ quan sự nghiệp công lập tự chủ hoàn toàn về tài chính cần được tháo gỡ.
Trước yêu cầu như vậy, lần đầu tiên Bộ Tư pháp ban hành Quyết định về khung biên chế cho Báo Pháp luật Việt Nam và cơ chế chuyển từ hợp đồng lao động sang hợp đồng viên chức và yêu cầu Báo xây dựng trình Bộ ban hành Đề án đổi mới về tổ chức và hoạt động của Báo giai đoạn 2008-2015 với slogan chính thức: “Vì Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.
Sau khi Đề án được ban hành, sự phát triển của Báo đã ổn định và tăng trưởng trở lại. Bộ đã giao quyền tự chủ mạnh mẽ để tạo đà cho Báo phát triển. Tổng Biên tập được giao thẩm quyền về tổ chức như tuyển dụng, đề bạt cán bộ cấp phòng, ban. Bằng sự chỉ đạo quyết liệt của Ban Biên tập, sự đoàn kết nhất trí của cả đội ngũ cán bộ, phóng viên, Báo đã bước vào thời kỳ phát triển hết sức sôi động.
Bước vào thập niên 2020, Báo Pháp luật Việt Nam không nằm ngoài guồng quay của chuyển đổi số. Các ấn phẩm điện tử ra đời, đội ngũ phóng viên trẻ năng động, làm chủ công nghệ, tiếp cận nhanh các nền tảng mới như mạng xã hội, video, podcast... Báo điện tử Pháp luật Việt Nam trở thành một kênh thông tin chính thống, tin cậy về các vấn đề pháp luật, tư pháp, nội chính và dân sinh.
Không chỉ mở rộng nội dung sang các lĩnh vực như kinh tế - xã hội, văn hóa, giáo dục, môi trường... tờ báo còn tiên phong tổ chức các diễn đàn pháp lý, chương trình truyền thông đa nền tảng và hợp tác với nhiều cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội nhằm lan tỏa thông tin chính thống đến từng ngóc ngách của đời sống.
Theo Quyết định 1158/QĐ-BTP ngày 23/5/2018 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Báo Pháp luật Việt Nam thì Báo Pháp luật Việt Nam chính thức được khẳng định là cơ quan ngôn luận của Bộ Tư pháp, thực hiện nhiệm vụ thông tin về các hoạt động của Bộ Tư pháp, ngành Tư pháp, nhằm nâng cao hiệu quả của công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ Tư pháp đối với các đơn vị cơ quan tư pháp địa phương; thực hiện công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật. Báo Pháp luật Việt Nam là cơ quan báo chí, truyền thông, hoạt động dưới sự lãnh đạo của Đảng, theo Luật Báo chí và các quy định của Nhà nước về hoạt động báo chí, truyền thông; thực hiện chức năng thông tin, tuyên truyền về các vấn đề chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội trong nước và quốc tế.
Các ấn phẩm của Báo Pháp luật Việt Nam cũng từng bước đổi mới, đa dạng phong phú, đáp ứng nhiệm vụ, yêu cầu mới về truyền thông pháp luật và sự thích ứng với xu thế chuyển đổi của văn hóa đọc và kỷ nguyên vươn mình của khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số.
Nhà báo Đặng Ngọc Luyến - nguyên Phó Tổng Biên tập Báo Pháp luật Việt Nam và nhà báo Trần Ngọc Hà - Phó Tổng Biên tập.
Nguyên Phó Tổng Biên tập Đặng Ngọc Luyến xúc động bày tỏ: “So với mục tiêu khiêm tốn ban đầu khi Bộ quyết định cho ra đời Báo Pháp luật thường thức, những thế hệ làm báo Pháp luật Việt Nam hẳn hết sức tự hào về tờ báo của mình hôm nay. Là người chứng kiến và gắn bó trọn vẹn 35 năm hình thành và phát triển của Báo Pháp luật Việt Nam, tôi xúc động khi Báo Pháp luật Việt Nam thực sự trở thành tờ báo lớn không chỉ về quy mô mà còn về năng lực, thẩm quyền và uy tín. Tôi tự hào về các thế hệ đi trước bao nhiêu lại càng tự hào bấy nhiêu về sự trưởng thành vượt bậc của đội ngũ cán bộ, đảng viên thế hệ kế tiếp mà minh chứng là nhiều nhà báo trẻ ngày càng khẳng định được vị trí của mình trong nghề nghiệp, đang tiếp tục dấn thân vì sự phát triển của Báo Pháp luật Việt Nam, kể cả gần chục Tổng Biên tập, Phó Tổng Biên tập các Báo, Tạp chí hiện nay đã từng là cán bộ, phóng viên của Báo Pháp luật Việt Nam”.