Cuối năm 2016, nhiều tờ báo trong và ngoài nước đưa tin về cửa hàng "Bánh mì Xin chào" đang quảng bá món ăn truyền thông của Việt Nam trên đất nước Nhật Bản. Sau 4 năm đi vào hoạt động, thương hiệu vẫn đang đứng vững, kể cả trong giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát. Ngoài hai cửa hàng chính tại Tokyo, Bánh mì Xin chào đã nhượng quyền thành công cửa hàng đầu tiên tại Kobe vào tháng 6/2020.
Đây là thương hiệu do 2 anh em, Bùi Thanh Tâm (sinh năm 1991) và Bùi Thanh Duy (sinh năm 1986) sáng lập. Họ cùng xuất thân trong một gia đình có 7 anh chị em tại Quảng Nam.
Cuối năm 2016, Thanh Duy đang làm việc tại một công ty Nhật chuyên về quản lý, thông dịch cho tu nghiệp sinh, thực tập sinh người Việt. Còn Thanh Tâm đang là sinh viên khoa Kinh tế, Đại học Yokkaichi.
Trên một chương trình truyền hình diễn ra gần đây, chia sẻ về quá trình xây dựng thương hiệu, Thanh Tâm cho biết anh nảy ra ý tưởng về tiệm bánh mì Việt trong một lần "bị lạc" trong thành phố Tokyo. Chàng du học sinh Việt Nam lúc đó rất ngạc nhiên khi thấy hình ảnh hàng dài người xếp hàng để mua ổ bánh mì Doner Kebab của Thổ Nhĩ Kỳ.
"Tại sao bánh mì Việt Nam rất ngon, được đưa vào từ điển Oxford mà lại không xuất hiện tại Nhật Bản. Sao mình không mở một tiệm bánh mì ở đây", Tâm chia sẻ. Anh quyết định đặt tên thương hiệu là câu chào thông dụng của người Việt. Đồng thời, anh cho rằng, đây là thông điệp đơn giản mà ai cũng sẽ nghĩ tới nếu muốn tìm hiểu về ngôn ngữ hay văn hóa Việt Nam.
Ý tưởng sau đó được chia sẻ với người anh Thanh Duy. Hai anh em quyết định bắt tay vào xây dựng dự án khởi nghiệp ngay trên đất Nhật Bản.
Khi mới bắt đầu, Thanh Duy và Thanh Tâm phải suy tính kỹ bởi nguồn vốn đang có không nhiều, chủ yếu từ sự hỗ trợ của gia đình. Bên cạnh đó, họ còn phải tìm được người bản địa chịu đứng ra bảo lãnh trong trường hợp làm ăn thua lỗ. Với 2 anh em, đây cũng là vấn đề khó khăn nhất trong quá trình xây dựng Bánh mì Xin chào. Ngoài ra, Bánh mì Xin chào còn phải trải qua khâu kiểm duyệt vệ sinh an toàn thực phẩm chặt chẽ của nước sở tại.
"Lúc đó rất hồi hộp vì lỡ thiếu giấy phép trước ngày khai trương thì không biết giải quyết như thế nào", Thanh Duy kể lại.
Bánh mì Xin chào học hỏi công thức từ tiệm bánh mì Phượng nổi tiếng tại Hội An, sau đó điều chỉnh để phù hợp với khẩu vị người Nhật. Hai chàng trai tiết lộ phải mất rất nhiều công sức để tìm xưởng nhận sản xuất bánh mì theo đúng kiểu của người Việt.
Tháng 6/2016, cửa hàng Bánh mì Xin chào đầu tiên khai trương tại phố Waseda Dori, Tokyo. Theo Thanh Tâm, anh lựa chọn Tokyo bởi đây là thành phố có lượng khách du lịch hàng năm đông nhất Nhật Bản.
Trong ngày đầu tiên, cửa hàng bán được 500 ổ. Bốn tháng sau đó, cửa hàng dần đi vào kinh doanh ổn định, bán trung bình 200 ổ bánh mì mỗi ngày, mức giá khoảng 100.000 đồng/ổ.
Giới truyền thông cũng dành sự quan tâm cho cửa tiệm của hai chàng trai Việt, trong đó có cả kênh truyền hình Nhật Bản NHK đến ghi hình, phỏng vấn tại cửa hàng vào đầu năm 2020.
Trong một bài phỏng vấn mới đây, đại diện thương hiệu cho biết trong mùa dịch Covid-19, doanh thu của Bánh mì Xin chào giảm tới 50%. Tuy nhiên, thương hiệu vẫn có thể trụ vững một phần nhờ sự hỗ trợ từ chính phủ Nhật Bản, bao gồm chính sách giảm thuế, hỗ trợ tiền thuê nhà, cùng với việc phát triển chiến lược khác như bán coupon điện tử, kết hợp với các ứng dụng giao hàng,...
"Nhờ đó mà dù nằm ngay trong tâm dịch là thành phố Tokyo, chúng tôi vẫn lấy lại doanh số ngang ngửa, có lúc thậm chí cao hơn cả trước dịch", đại diện Bánh mì Xin chào nói. Ngoài sản phẩm chính là bánh mì, Xin chào hiện cũng bán một số sản phẩm khác như cà phê, Mỳ Quảng.