Nghị định số 98/2020 được ban hành theo hướng bổ sung, điều chỉnh nhiều chế tài quy định về hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả… trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Nghị định mới tập trung vào việc nâng mạnh chế tài xử lý vi phạm theo hướng tăng số tiền xử phạt với các hành vi vi phạm.
Cụ thể, mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực thương mại, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có thể lên tới 100 triệu đồng đối với cá nhân và 200 triệu đồng đối với tổ chức. Trong khi đó, mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm là 200 triệu với cá nhân và 400 triệu với tổ chức.
Đối với cá nhân có hành vi buôn bán hàng giả về giá trị sử dụng, công dụng sẽ bị phạt tiền từ 1 triệu đến 70 triệu đồng phụ thuộc vào giá trị hàng giả tương đương với hàng thật. Đối với hành vi buôn bán hàng giả là thực phẩm, mỹ phẩm, trang thiết bị y tế… mức phạt tiền sẽ tăng gấp đôi.
Với hành vi sản xuất hàng giả, mức phạt tiền tối đa là 100 triệu với cá nhân vi phạm. Tương tự mức phạt tối đa 200 triệu nếu sản xuất hàng giả là thực phẩm, mỹ phẩm, trang thiết bị y tế.
Nghị định cũng quy định hành vi bán, cung cấp rượu cho người dưới 18 tuổi sẽ bị xử phạt từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng. Trường hợp bán rượu, bia bằng máy bán hàng tự động; sử dụng lao động dưới 18 tuổi trực tiếp tham gia vào việc sản xuất, kinh doanh rượu mức phạt sẽ là 3-5 triệu đồng.
Nghị định mới cũng quy định rõ về mức xử phạt với các hành vi vi phạm trong lĩnh vực thương mại điện tử.
Cơ quan quản lý cho biết sẽ phạt nặng các hành vi vi phạm về thiết lập website thương mại điện tử hoặc ứng dụng thương mại điện tử trên nền tảng di động; vi phạm về thông tin và giao dịch; vi phạm về cung cấp dịch vụ thương mại điện tử; vi phạm bảo vệ thông tin cá nhân…
Các trường hợp như không đăng ký website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử hoặc ứng dụng dịch vụ thương mại điện tử với cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền theo quy định; nhận chuyển nhượng không làm thủ tục hoặc đăng ký mới; triển khai cung cấp dịch vụ không đúng với hồ sơ đăng ký; gian dối hoặc cung cấp thông tin sai sự thật... sẽ bị phạt tiền từ 20 triệu đến 30 triệu đồng.
Link bài gốc