Tận dụng “hàng lỗi” để bán cho khách, tiệm bánh Nhật Bản không ngờ lại “cháy hàng”
Nằm ở thành phố Nanyo, thuộc tỉnh Yamagata – Nhật Bản, Rokumian là một cửa hàng bánh kẹo địa phương nhỏ. Món bánh đặc sắc nhất ở đây là Kabocha Manju – được ưa chuộng bởi kết cấu mềm mịn và hương vị ngậy béo đến từ sữa, trứng và bí ngô. Tuy nhiên, những chiếc bánh này thường khá khó để tạo hình bởi sự mềm mịn của chúng. Những mẻ bánh ra lò hiếm khi được hoàn hảo bơi sau khi để nguội, bánh thường bị nứt vỡ trông rất xấu xí, không thể đem bán cho khách được.
Số lượng “sản phẩm lỗi này” nhiều đến mức những người thợ làm bánh không thể đổ bỏ hết chúng vì quá tiếc nuối. Bởi vậy, họ đã nảy ra một sáng kiến là mang tới một “diện mạo mới” cho những chiếc bánh bị nứt vỡ bằng một cách vô cùng giản đơn: gắn lên chúng 2 hạt mè đen để tạo thành những gương mặt biểu cảm.
Mỗi vết nứt vỡ là một “độc bản” không hề lặp lại, cũng nhờ đó, biểu cảm gương mặt trên mỗi chiếc bánh trở nên vô cùng dễ thương và độc đáo. Khách hàng đến với Rokumian tỏ ra rất ấn tượng với vẻ ngoài mới mẻ của Kabocha Manju. Sau khi biết được câu chuyện đằng sau những chiếc bánh bí ngô tưởng chừng phải vứt bỏ này, họ lại càng ngạc nhiên và muốn ủng hộ cửa hàng nhiều hơn.
Cứ thế, những chiếc bánh bí ngô đáng yêu liên tục xuất hiện trên khắp các nền tảng mạng xã hội, trở thành một sản phẩm “hot” với giới trẻ Nhật Bản và ngày càng trở nên nổi tiếng đến mức được đưa tin trên cả các tờ báo và đài truyền hình trong nước.
Được biết, mỗi chiếc bánh Kabocha Manju được bán với giá 120 yên (khoảng 27.000 đồng) và chỉ bán trực tiếp tại cửa hàng do bánh quá mềm, dễ bị xẹp khi giao hàng. Từ khi được “biến tấu” với diện mạo đáng yêu, sản phẩm này liên tục “cháy hàng” và người mua thường phải kiên nhẫn xếp hàng chờ đợi.
Bánh Kabocha Manju từ một sản phẩm lỗi đã trở thành “độc chiêu” hút khách của tiệm bánh và khiến cho tên tuổi của cửa tiệm này trở nên vô cùng nổi tiếng. Khách hàng mua bánh không chỉ vì hương vị thơm ngon cùng hình dáng dễ thương của chiếc bánh mà còn vì nỗ lực sáng tạo “không giới hạn” của những người thợ làm ra chúng.
Từ củ cải trắng xấu xí thành món hàng hút khách trong siêu thị
Cũng giống như Rokumian, nông trại Tsuji Farm ở Hokkaido – Nhật Bản đáng ra sẽ phải đổ bỏ những củ cải trắng có hình thì kì dị hoặc dùng chúng làm thức ăn cho gia súc. Tuy nhiên, thay vì hành động phí phạm đó, những người nông dân tại đây đã nghĩ ra một cách thức độc đáo giúp những cây củ cải có hình thù kì quái này vẫn có thể bán ra thị trường và thậm chí còn trở thành món hàng hút khách.
Cụ thể, sau khi phân loại và đóng gói, những củ cải xấu xí sẽ được cho bao bì có vẽ thêm các gương mặt hài hước, đáng yêu và bày bán tại các cửa hàng, siêu thị. Việc làm đó đã thu được kết quả bất ngờ ngoài mong đợi: những cây củ cải xấu xí không chỉ gây ấn tượng với trẻ nhỏ mà cả người lớn cũng bị chúng thu hút. Người tiêu dùng đã không tiếc lời khen ngợi những sản phẩm sáng tạo này: "Gương mặt làm cho củ cải trông sống động hơn", "nhìn thấy nó tôi đã muốn mua ngay"… Sau đó, những báo cáo thị trường cho thấy những cây củ cải này thậm chí còn bán chạy hơn cả những củ cải có hình dáng “đúng chuẩn”.
Trước những phản hồi tích cực từ phía khách hàng, chủ nông trại Tsuji Farm chia sẻ: Tôi vô cùng hạnh phúc, chắc chắn ý tưởng này sẽ giúp nhiều người chú ý hơn đến các mặt hàng nông sản không hoàn hảo. Tôi không cần phải vứt chúng đi nữa. Đây cũng là một cách tuyệt vời để tránh phí phạm".
Hiện tại, những củ cải trắng độc đáo này được bán với giá giá 50 yên/củ (tương đương 11.000VND) và trở thành nguồn cảm hứng cho những người nông dân trong việc xử lý những nông sản không hoàn hảo của mình. Sáng kiến này không chỉ khiến khách hàng hài lòng, người nông dân thu được lợi nhuận mà trên hết là sự tiết kiệm và ý thức bảo vệ môi trường.
Vậy mới thấy, trong kinh doanh, phương pháp ứng biến, tận dụng nguồn lực là một vấn đề hết sức quan trọng. Những điển hình trên đã mang tới thông điệp rằng: đừng gói gọn tư duy trong khuôn mẫu, đừng cho rằng chỉ “hàng đẹp” mới bán được, mà ngay cả những thứ tưởng chừng như phải bỏ đi vẫn có giá trị riêng của mình, thậm chí chúng có thể trở thành “hàng hot” nếu biết cách khai thác, tận dụng.