Khởi nghiệp là tự lập!
Khi nói về khởi nghiệp, bà Tôn Nữ Thị Ninh chia sẻ nghĩ ngay đến sự tự lập. Bởi vì sao, vì trước đây chúng ta sống với gia đình, được bảo bọc, chăm lo bởi ba mẹ, thậm chí là anh chị em. Tuy nhiên, khi bắt đầu khởi nghiệp tức là chúng ta bước ra đời tự lập, tự lo cho bản thân mình.
Lấy ví dụ về chính cuộc đời của mình những năm mới tốt nghiệp trường tại Pháp, bà Ninh cho biết lúc đó chỉ nghĩ phải kiếm việc để thôi phụ thuộc vào cha mẹ. Và thực tế, đây là suy nghĩ tự nhiên, phổ biến của phần đông trẻ.
Song, bà Ninh khẳng định sự tự lập ở đây, tức khởi nghiệp, thực sự là một quá trình phức tạp, không hề đơn giản. Mọi công việc chúng ta làm, mọi hành động đều phải hình thành một con đường sự nghiệp cho bản thân. Cụ thể, khởi nghiệp là chúng ta phát triển bản thân theo một hướng nhất định, tập tiếp xúc với mọi người xung quanh từ đó tự khẳng định chính mình.
Chi tiết, theo quan điểm vị này có hai dạng khởi nghiệp, thứ nhất là dạng Clinton, điển hình câu chuyện tổng thống Bill Clinton cùng phu nhân, hai người quen nhau, về chung một nhà và chỉ có một múc tiêu duy nhất, đưa Bill lên làm tổng thống, đây là dạng nghiệp có định hướng và toàn tâm để đi đến cái đích cuối cùng.
Tuy nhiên, dạng thứ hai phổ biến hơn, đó là khi ra trường bản thân sinh viên không biết làm gì, bắt đầu từ một công việc rồi liên kết dần đến những công việc mới. Theo bà Ninh, đây là một dạng khởi nghiệp theo hướng tự khám phá, và đó chính là con đường bà đã trải qua.
"Phá giá lương"
Kể về quá trình khởi nghiệp của mình, bà tâm sự lúc mới tốt nghiệp trường Pháp thực sự không biết phải làm gì. "Bằng cấp tôi có ở cấp bậc khá cao, nhưng tôi chỉ muốn đơn thuần tìm một công việc", bà Ninh nói, tuy nhiên bậc học cao ấy lại cản trở bà trong con đường tìm việc.
Cụ thể, bà Ninh kể mình có đăng ký làm thư ký giám đốc cho một công ty, song bà bị từ chối với lý do "bằng cấp cao quá cho vị trí này". Mặc cho bà Ninh khẳng định mình tự nguyện làm việc, nhưng phía Công đoàn không đồng ý vì sẽ bất công với những người tìm việc thư ký, tức cạnh tranh ở đây sẽ không lành mạnh, hay chính bà Ninh đang "phá giá lương".
Sau lần đó, bà Ninh có xin việc tại một vài nơi (xin giữ trẻ cho gia đình Pháp…) tuy nhiên không phù hợp, cuối cùng bà chọn con đường đi dạy, trước khi đến với nghề ngoại giao sau này.
Như vậy, đi theo con đường tự khám phá, bà Ninh cho rằng nó khác hoàn toàn với việc "nhảy cóc", tức làm việc này chưa xong lại không ưng ý và vội vàng nhảy việc khác. Bà nhấn mạnh, dù mình chưa định hướng được mình sẽ làm gì, nhưng với mỗi công việc mình trải qua đều phải làm hết mình, hết sức hăng say, rồi cơ hội sẽ đến và dẫn bản thân tới con đường cho mình.
Cơ hội nghề nghiệp và những băn khoăn về đạo làm con
Rồi một ngày, cơ hội nghề nghiệp đến với bà khi bà nhận được lời mời làm ngoại giao tại Hà Nội. Nhấn mạnh, bà Ninh cho biết cơ hội luôn có những không phải ai cũng biết đó là cơ hội và nắm bắt, phải thực sự nhạy bén mới có thể làm được.
Trở lại với lời mời làm ngoại giao, bà Ninh chia sẻ đã rất phân vân, Hà Nội đất khách quê người, công việc dạy học vẫn đang tốt đẹp. Song, điều làm bà Ninh nghĩ nhiều nhất chính là cha mẹ mình tuổi cao, chỉ còn mỗi bà chăm sóc khi các anh đều công tác, sinh sống ở xa.
"Lúc ấy tôi đã hỏi ý kiến từ phía bạn bè, những người thân xung quanh và có hai trường phái như thế này:
(1) Trường phái không đồng ý cho rằng tôi không quen ai ở Hà Nội ra đó sẽ bị lạc lõng, bị cô lập, chưa kể đời sống ngoài đó đang khó khăn như vậy sẽ không phát huy được bản thân mình;
(2) Trường phái đồng ý cho rằng đây là một cơ hội tuyệt vời, là một trải nghiệm mới và bà sẽ phát huy tối đa khả năng của mình."
Bà Ninh tâm sự, cuối cùng quyết định bà đưa ra sau khi trao đổi với chính người mời gọi cho công tác ngoại giao. "Tôi đã có câu trả lời ngay khi nghe được một câu nói chìa khóa - Cô làm giáo dục cũng tốt, nhưng có nhiều người cũng làm tốt như cô, thậm chí hơn cô. Còn đối ngoại hiện đang thiếu người, đặc biệt người có kinh nghiệm sống tại phương Tây, nói được tiếng Tây, hiểu được văn hóa Tây... như cô. So với giáo dục, đội ngũ ngoại giao đang thiếu người như cô - Như vậy, cơ hội tức là ở đâu mình đáp ứng được nhu cầu, có thể đóng góp cũng như phát triển khả năng của mình thì mình nên nắm bắt", bà Ninh nói.
Về phía gia đình, ba mẹ bà cũng ủng hộ để bà đi theo con đường mình lựa chọn, do đó đến bây giờ bà Ninh tâm sự rất cảm ơn bậc sinh thành đã tạo điều kiện cho mình.
Cô đơn hay không là do chính mình
Đó là băn khoăn về đạo làm con, còn với quan điểm sẽ bị cô lập, lạc lõng khi đến lập nghiệp tại nơi đất khách quê người, bà Ninh khẳng định "Tôi không sợ cô đơn, thực ra cô đơn hay không là do chính mình".
Phản biện về trường phái không đồng ý việc bà ra Hà Nội làm việc, bà Ninh lấy ví dụ về những thành phố phương Tây không bao giờ ngủ, đèn đuốc, xe cộ, sinh hoạt nhộn nhịp… nhưng vẫn nhiều người thấy cô đơn.
Như vậy, cô đơn theo bà không phải do môi trường lạ lẫm, mà là do chính bản thân mình."Mình tự tạo môi trường sống cho mình", bà Ninh nói và cho biết lúc bấy giờ, bà tin mình sẽ thiết lập lại được những mối quan hệ mới, tạo ra mạng lưới bạn bè mới…
Tựu trung lại, khi khởi nghiệp, bên cạnh việc hết mình với công việc, quan trọng nhất chính là sự nhạy bén để phát hiện ra cơ hội. Hơn nữa, phải thật quyết đoán để đón nhận cơ hội đó.
Về bà Tôn Nữ Thị Ninh, bà từng học tập tại Việt Nam và Châu Âu, bà bắt đầu sự nghiệp với vai trò giảng viên đại học tại Đại học Sorbonne (Paris) và Đại học Sư phạm Sài Gòn/Tp.HCM. Sau đó bà hoạt động ngoại giao hơn 20 năm, chuyên trách về các vấn đề toàn cầu (hòa bình và an ninh thế giới, các vấn đề về phát triển, môi trường, và nhân quyền) và các tổ chức đa phương (Liên hiệp quốc, Phong trào Không liên kết, Cộng đồng Pháp ngữ).