Ngày pháp luật

Apec Group và những giao dịch chồng chéo giữa các công ty liên quan

Quỳnh Chi

Các công ty trong hệ thống Apec Group nổi lên là những tay chơi mới trên thị trường bất động sản. Tham vọng của nhóm này không chỉ được trợ lực bởi dòng vốn qua kênh trái phiếu, mà còn được hỗ trợ nhờ việc điều chuyển dòng tiền nhịp nhàng qua lại giữa các công ty thành viên.

Apec Group và những giao dịch chồng chéo giữa các công ty liên quan

Tập đoàn Apec (Apec Group) đang trở thành “hiện tượng” trên thị trường bất động sản khi công bố phương án huy động 3.000 tỷ đồng qua trái phiếu với lãi suất lên tới 18%/năm. Con số này không chỉ vượt xa trung bình thị trường mà còn cao hơn hẳn những đại gia bất động sản khác. Nhưng không phải đến khi thương vụ này được công bố, giới đầu tư mới để ý đến hệ sinh thái xoay quanh hai chữ “Apec Group”.

Công ty cổ phần Đầu tư Châu Á - Thái Bình Dương (API) hay Công ty cổ phần Đầu tư IDJ Việt Nam (IDJ) từ lâu đã thu hút sự chú ý của thị trường nhờ gắn mác thành viên của Apec Group. Tuy nhiên, sự chú ý này không nhờ kết quả kinh doanh, mà đến từ những giao dịch chồng chéo với các bên liên quan, đặc biệt những công ty có tiền tố “Apec”.

Một dự án của Apec Group đã đi vào vận hành tại Bắc Ninh. 
Một dự án của Apec Group đã đi vào vận hành tại Bắc Ninh. 

Bộ tam API – IDJ – Apec Group

Nói là bên liên quan nhưng thực tế, các công ty này không có sự ràng buộc rõ ràng về mặt sở hữu cổ phần.

API từng là cổ đông lớn, nắm giữ hơn 20% vốn điều lệ của IDJ Investment, nhưng đã bắt đầu thoái vốn từ năm 2018. Tuy nhiên, tính thực chất của giao dịch này cũng là điều cần xem xét khi người thế chân API trong cơ cấu cổ đông lớn của IDJ mới đây lại là một công ty khác có tiền tố “Apec” – Apec Holding. Theo báo cáo giao dịch ngày 23/7, Apec Holdings đã trở thành cổ đông lớn tại IDJ, tuy nhiên sở hữu chỉ hơn 6%.

Tại API, ông Nguyễn Đỗ Lăng – cá nhân giữ vai trò “mắt xích” kết nối các thành viên trong Apec Group – từng là cổ đông lớn nhất sở hữu hơn 21%. Nhưng theo báo cáo quản trị quý II/2020, ông Lăng hiện không còn sở hữu cổ phần tại API.

Thay vào đó, tính chất thành viên giữa bộ ba doanh nghiệp này có thể được xác định rõ ràng hơn bởi vai trò của những lãnh đạo.

Báo cáo quản trị nửa đầu năm nay của IDJ và API cùng có điểm chung là hai cá nhân, ông Hán Kông Khanh và ông Nguyễn Đỗ Lăng. Ông Khanh giữ vai trò Chủ tịch tại cả IDJ và API, còn ông Lăng cũng giữ vai trò thành viên HĐQT tại cả hai doanh nghiệp này. Mối quan hệ giữa bộ tam này cũng trở nên gắn kết hơn bởi “cầu nối” là ông Hán Kông Khanh khi cá nhân này cũng vừa trở thành Chủ tịch HĐQT của Apec Group.

Dòng tiền chồng chéo của IDJ và API

IDJ Investment được thành lập đầu năm 2007, với vốn điều lệ ban đầu gần 150 tỷ đồng. Dấu ấn lớn nhất trong ba năm đầu thành lập là dự án Grand Plaza, với diện tích 15.000 m2 mặt sàn. Dự án này cũng là lý do doanh thu và lãi trước thuế năm 2009 của công ty này tăng đột biến lên 539 tỷ đồng và gần 128 tỷ đồng, nhờ hợp đồng với công ty con của Tập đoàn Chamrvit Hàn Quốc.

Sau thành công đầu tiên, IDJ đề ra loạt kế hoạch tham vọng, từ mục tiêu đưa Grand Plaza trở thành khu tổ hợp sầm uất tại Hà Nội cho tới việc phát triển loạt dự án tại Bắc Ninh, Huế, Ninh Thuận. Kế hoạch là vậy, nhưng nhà đầu tư đã sớm thất vọng khi hoạt động kinh doanh của IDJ chỉ một chiều sụt giảm.

Lợi nhuận trước thuế cả năm 2010 còn chưa tới 21 tỷ đồng, doanh thu cũng chỉ bằng một phần ba năm 2019. Giai đoạn 2011-2016, doanh thu mỗi năm của IDJ chỉ duy trì ở mức vài chục tỷ đồng, lợi nhuận trồi sụt với nhiều lần thua lỗ.

Phải đến giai đoạn 2017-2018, công ty này mới thực sự xuất hiện trở lại. Nhưng chính sự trở lại đó cho thấy nhiều vấn đề, hơn là kỳ vọng.

Năm 2018, hoạt động của IDJ tăng đột biến với doanh thu hơn 245 tỷ và lãi ròng hơn 51 tỷ đồng. Kết quả này một phần do giao dịch tại dự án Royal Park Bắc Ninh – dự án được giới thiệu do Apec Group là chủ đầu tư. Tuy nhiên, chính trong báo cáo kiểm toán cùng năm, kiểm toán viên cho biết không thu thập được đầy đủ bằng chứng để đánh giá về giao dịch này.

Trên thực tế, các giao dịch với bên liên quan của IDJ không chỉ diễn ra trong năm 2018.

Báo cáo các năm gần đây, khi kinh doanh của IDJ tăng đột biến, cũng đi kèm với loạt giao dịch với API Investment và 2 công ty con của API là Công ty TNHH Đầu tư Thái Bình Dương - Bắc Ninh và Công ty cổ phần Đầu tư APEC Land Huế. Điểm đặc biệt là IDJ vừa xuất hiện với vai trò chủ đầu tư, nhưng cũng là tổng thầu thi công cho các dự án của API và các công ty thành viên.

Trong nửa đầu năm nay, riêng giao dịch bán hàng giữa IDJ và nhóm bên liên quan ghi nhận hơn 105 tỷ đồng. Ở chiều ngược lại, các khoản công nợ phải thu cũng vượt ngưỡng hơn trăm tỷ đồng.

Nếu như mối quan hệ giữa IDJ và phần còn lại của nhóm Apec liên quan chặt chẽ đến các hoạt động trong lĩnh vực bất động sản thì API lại đóng vai trò chính trong các quan hệ tín dụng.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý II, API đang cho Apec Holding, IDJ Investment và Apec Group vay tổng cộng hơn 102 tỷ đồng với cùng lãi suất 12% mỗi năm.

Bên cạnh đó, API còn cho Công ty cổ phần Chứng khoán Châu Á – Thái Bình Dương (APS) – một thành viên khác trong hệ thống Apec Group - vay 678,5 triệu đồng với lãi suất 0%/năm. Đáng chú ý hơn, API còn là doanh nghiệp huy động vốn trái phiếu có thể nói là rẻ nhất so với IDJ Investment và Apec Group, với lãi suất phổ biến là 9,5-11%. Trong khi đó, IDJ đang phát hành trái phiếu với lãi suất 13%, còn Apec Group phát hành lên tới 18%.

Các giao dịch với bên liên quan, thực tế, không phải điều lạ trong giới kinh doanh, đặc biệt là nhóm bất động sản. Tuy nhiên, với mối quan hệ về sở hữu không rõ ràng, các giao dịch chồng chéo từ tín dụng cho tới hoạt động đầu tư của bộ tam IDJ – API – Apec Group để lại nhiều lo ngại hơn là kỳ vọng vào sự “cộng hưởng”, đặc biệt khi chính kiểm toán viên đã từng lưu ý về tính chất minh bạch các giao dịch này.

Tin Cùng Chuyên Mục