Ngày pháp luật

Áp thấp nhiệt đới gây mưa lớn diện rộng khu vực Trung Bộ, lượng mưa có nơi trên 300mm

Giang Phạm

Để chủ động ứng phó áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã ký Công điện yêu cầu các bộ, ngành, địa phương liên quan chủ động ứng phó, bảo đảm an toàn tính mạng của người dân và khắc phục nhanh hậu quả mưa lũ.

Theo Trung tâm khí tượng thủy văn quốc gia, tính đến 0h ngày 2610, tâm áp thấp cách Khánh Hòa - Ninh Thuận khoảng 315 km, gió cấp 6 (40-50 km/h), giật cấp 8.

Dự báo trong 3 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây với tốc độ khoảng 10km/h, khả năng mạnh lên thành bão.

Đến khoảng 10h, tâm bão trên vùng biển Khánh Hòa - Ninh Thuận với sức gió cấp 8 (60-75 km/h), giật lên hai cấp. Bão sau đó không đổi hướng, đi mỗi giờ 10-15 km rồi suy yếu thành áp thấp trước khi vào đất liền.

Vị trí và đường đi của vùng áp thấp trên biển Đông trên thời gian tới. Ảnh: Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia
Vị trí và đường đi của vùng áp thấp trên biển Đông trên thời gian tới. Ảnh: Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia

Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới có thể mạnh lên thành bão, Biển Đông có sóng biển cao 2-4 m, mưa rào và dông, lốc xoáy và gió giật mạnh. Trên đất liền, hai ngày tới, khu vực từ Thừa Thiên Huế đến Bình Thuận, Tây Nguyên và Đông Nam Bộ mưa to, lượng mưa từ 100 mm đến 250 mm, có nơi trên 300 mm.

Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập úng cục bộ tại các vùng trũng, thấp, ven sông.

Từ ngày 27-30/10, do ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp với nhiễu động gió Đông nên ở khu vực Bắc Trung Bộ, Trung Trung Bộ có mưa to, có nơi mưa rất to.

Để chủ động ứng phó áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành vừa ký Công điện 1426 ngày 25/10/2021 yêu cầu các bộ, ngành, địa phương liên quan chủ động ứng phó áp thấp nhiệt đới, bảo đảm an toàn tính mạng của người dân và khắc phục nhanh hậu quả mưa lũ.

Phó Thủ tướng yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố từ Quảng Trị đến Bình Thuận và khu vực Tây Nguyên khẩn trương rà soát, triển khai công tác ứng phó, tập trung hướng dẫn bảo đảm an toàn cho tàu thuyền hoạt động trên biển, ven biển, bảo đảm an toàn dân cư trong trường hợp xảy ra mưa lũ lớn.

Các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi và Thừa Thiên Huế tập trung khắc phục nhanh hậu quả mưa lũ: Tổ chức thăm hỏi, hỗ trợ các gia đình bị thiệt hại, cứu trợ lương thực cho các hộ có nguy cơ thiếu đói, khắc phục nhanh các tuyến giao thông, hồ đập bị sự cố, xử lý bảo đảm vệ sinh môi trường sau khi lũ rút,...

Bộ Giao thông Vận tải có nhiệm vụ phối hợp với các địa phương chỉ đạo khắc phục nhanh sự cố sạt lở trên các tuyến giao thông chính để bảo đảm giao thông an toàn, thông suốt, nhất là trên tuyến quốc lộ 1Ađường sắt Bắc Nam.

Bộ Tài nguyên và Môi trường cần theo dõi chặt chẽ diễn biến của áp thấp nhiệt đới, mưa lũ, dự báo, thông tin kịp thời để các cơ quan liên quan và người dân biết chủ động triển khai các biện pháp ứng phó; hướng dẫn, giám sát việc vận hành liên hồ chứa theo thẩm quyền.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương và các bộ, ngành khác có liên quan chủ động chỉ đạo công tác bảo đảm an toàn hồ đập, bảo vệ sản xuất, hệ thống điện và kịp thời hỗ trợ địa phương khắc phục nhanh hậu quả mưa lũ.

Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chỉ đạo bố trí lực lượng, phương tiện sẵn sàng hỗ trợ địa phương triển khai công tác ứng phó và khắc phục hậu quả áp thấp nhiệt đới, bão, mưa lũ theo đề nghị của địa phương.

Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến của áp thấp nhiệt đới, mưa lũ, chủ động chỉ đạo triển khai biện pháp ứng phó phù hợp với diễn biến thực tế, bảo đảm kịp thời, hiệu quả, hạn chế thiệt hại do thiên tai.