Cụ thể, theo báo cáo gửi Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE), cá nhân ông Nguyễn Văn Đạt đã bị bán giải chấp 1,62 triệu cổ phiếu PDR vào ngày 10/4. Sau giao dịch, tỷ lệ sở hữu của ông Đạt giảm xuống còn 333,1 triệu cổ phiếu, tương ứng 38,15% vốn điều lệ. Dù vậy, ông Đạt vẫn là cổ đông lớn nhất tại Phát Đạt.
Cùng ngày, Công ty TNHH Phát Đạt Holdings, tổ chức liên quan do ông Đạt làm Chủ tịch, cũng bị bán giải chấp 880.000 cổ phiếu PDR, hạ tỷ lệ sở hữu xuống còn 79 triệu cổ phiếu, tương ứng 9,05% vốn.
Tổng cộng, trong ngày 10/4, ông Đạt và công ty liên quan đã bị bán giải chấp 2,5 triệu cổ phiếu PDR.
Động thái bán giải chấp diễn ra sau khi cổ phiếu PDR trải qua đợt giảm giá mạnh trong bối cảnh thị trường chung đi xuống. Cụ thể, từ ngày 1/4 đến 9/4, mã PDR đã giảm tới 22% giá trị, trong đó có 3 phiên giảm sàn liên tiếp.
Trước đó, CTCP Chứng khoán LPBank (LPBS) đã có thông báo về việc bán giải chấp cổ phiếu PDR thuộc sở hữu của Phát Đạt Holdings. Số lượng cổ phiếu LPBS dự kiến bán giải chấp là hơn 2,2 triệu đơn vị, thời gian thực hiện dự kiến từ ngày 10/4.
Điều đáng chú ý là trong chính phiên giao dịch ngày 10/4 khi diễn ra hoạt động bán giải chấp, cổ phiếu PDR lại bất ngờ tăng kịch trần lên mức 16.100 đồng/cổ phiếu và duy trì mức giá này suốt phiên với khối lượng khớp lệnh 4,4 triệu đơn vị.
Đà tăng tiếp tục trong phiên 11/4, cổ phiếu PDR đóng cửa tại 17.000 đồng/cổ phiếu (tăng 5,6%) dù có thời điểm giảm về 15.050 đồng/cổ phiếu trong phiên. Thanh khoản phiên này tăng vọt lên gần 21 triệu đơn vị, cho thấy lực cầu bắt đáy đã hấp thụ tốt lượng cổ phiếu bị bán ra.