DN & PL đã có buổi gặp gỡ cùng anh Nguyễn Việt Khương – Giám đốc chuỗi cửa hàng Bánh cuốn Gia An để hiểu tường tận về câu chuyện này.
Để bảo vệ thương hiệu Gia An, trước tiên, chúng tôi luôn ý thức việc tự bảo vệ mình. Nghĩa là xây dựng được bản sắc riêng và giữ được bản sắc đó trong suốt quá trình phát triển nhưng vẫn phải phù hợp với sự thay đổi của xã hội
Nét đặc sắc tạo nên sự khác biệt của Bánh cuốn Gia An giữa mảnh đất Thủ đô – nơi quy tụ những tinh hoa ẩm thực không chỉ của Việt Nam mà còn nhiều nơi trên thế giới là gì, thưa anh?
Có rất nhiều yếu tố để tạo nên nét đặc sắc cho Bánh cuốn Gia An nhưng có 2 yếu tố cơ bản nhất đó là chất bánh và nước chấm. Bánh cuốn Gia An vẫn giữ nguyên được chất bánh truyền thống: Mềm, mỏng, dẻo, dai bùi ngậy, thơm gạo, ngọt gạo và không thể lẫn với hương vị bánh cuốn của bất kỳ cửa hàng nào khác. Bánh cuốn được làm 100% từ bột gạo, tuyệt đối không sử dụng hàn the hay các chất phụ gia. Chính điều này đã tạo nên thương hiệu bánh cuốn Gia An “nguyên chất từ gạo” được khách hàng tin tưởng, yêu thích và lựa chọn.
Bên cạnh đó, “linh hồn” làm nên bánh cuốn Gia An đặc sắc chính là nước chấm. Nước chấm tại bánh cuốn Gia An là nước chấm nóng, hoàn toàn không có đường hóa học, được ninh từ xương đuôi và thịt thăn tạo nên hương vị ngọt thanh, béo, ngậy đặc trưng khiến bất cứ ai một lần nếm thử cũng có ấn tượng khó quên. Sự hoà quyện giữa bánh cuốn và nước chấm tại Gia An đã tạo nên một “cặp đôi hoàn hảo”, một hương vị đặc sắc riêng và hấp dẫn chỉ có tại Gia An.
Không phải người Hà Nội gốc nhưng anh lại xây dựng thành công một thương hiệu ẩm thực nổi tiếng tại đất kinh kỳ. Những yếu tố nào đã tạo nên thành công đó?
Tôi mở cửa hàng đầu tiên trên phố Trần Huy Liệu. Rất may mắn và bất ngờ là ngay từ những ngày đầu, cửa hàng đã đông khách. Tuy nhiên, tôi hiểu rằng khách hàng chỉ chấp nhận tiêu dùng và trung thành với thương hiệu khi sản phẩm đáp ứng được nhu cầu của họ. Và tôi luôn phải suy nghĩ làm thế nào quản lý được chất lượng sản phẩm, để sản phẩm luôn sạch từ nguyên liệu, khâu sản xuất tới phục vụ khách hàng.
Do đó, tại Gia An, toàn bộ sản phẩm luôn đảm bảo lúc nào cũng tươi. Tiêu chí “sạch” luôn được tôi đặt lên hàng đầu và không thể đánh đổi bởi bất kỳ điều gì. Bởi với tôi, đó không chỉ là niềm tin, là uy tín của cửa hàng mà còn là đạo đức kinh doanh của bản thân. 10 năm phát triển, Gia An chủ yếu tập trung vào vấn đề chất lượng để không chỉ đảm bảo chất lượng mà còn thay đổi phù hợp với khẩu vị và xu hướng thay đổi của xã hội.
Chính những điều này đã giúp Gia An có thể níu chân khách hàng và ngày một phát triển đi lên. Hiện nay, Gia An đã xây dựng được chuỗi hệ thống hơn 20 cửa hàng ở hầu hết các quận tại Thủ đô. Trong vòng 2 năm tới, Gia An hướng tới mục tiêu có khoảng 35 đến 40 cửa hàng tại Hà Nội, sau đó sẽ tiếp cận thị trường Sài Gòn. Trong vòng 8 đến 10 năm, Gia An phấn đấu nâng con số này lên 100 cửa hàng.
Không chỉ đối với lĩnh vực kinh doanh ẩm thực, việc xây dựng và bảo vệ thương hiệu luôn là bài toán hóc búa với bất kỳ doanh nghiệp nào. Vấn đề này được anh quan tâm và triển khai như thế nào tại Gia An?
Vấn đề bảo vệ thương hiệu liên quan đến pháp lý như đăng ký bảo hộ nhãn hiệu đã được Gia An triển khai từ những ngày đầu thành lập. Tuy rằng tình trạng một số đơn vị bắt chước website, mô tả sản phẩm, thiết kế không gian…vẫn còn tồn tại nhưng nhìn chung không quá ảnh hưởng tới sự phát triển của Gia An.
Để bảo vệ thương hiệu Gia An, trước tiên, chúng tôi luôn ý thức việc tự bảo vệ mình. Nghĩa là xây dựng được bản sắc riêng và giữ được bản sắc đó trong suốt quá trình phát triển nhưng vẫn phải phù hợp với sự thay đổi của xã hội.
Khác với nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang làm theo phong trào, làm những việc dễ với tư duy “hớt váng sữa”, Gia An tự chọn cho mình lối đi riêng, dám đương đầu với cái khó, dám khác biệt để bỏ xa đối thủ. Nhờ vậy, Gia An đã giảm được cạnh tranh đáng kể trên thương trường và chỉ tập trung vào làm thật tốt, ngày càng nâng cao chất lượng sản phẩm phục vụ khách hàng.
Anh đánh giá thế nào về vai trò của truyền thông trong việc bảo vệ thương hiệu Việt thời đại hội nhập kinh tế toàn cầu?
Truyền thông giúp doanh nghiệp thuận lợi trong việc truyền tải các thông điệp của mình đến khách hàng, đưa sản phẩm của doanh nghiệp đi vào nhận thức của họ một cách tự nhiên và khiến cho khách hàng nhớ thương hiệu doanh nghiệp nhanh hơn.
Tuy nhiên, truyền thông sẽ gây phản tác dụng nếu thương hiệu không đáp ứng được những kỳ vọng của khách hàng như quảng cáo. Lúc đó, thương hiệu sẽ phải đối mặt với nguy cơ đánh mất khách hàng và mất giá trị thương hiệu. Do vậy, với tôi, điều quan trọng nhất của một thương hiệu vẫn phải là đảm bảo chất lượng sản phẩm, đảm bảo giá trị mang lại cho khách hàng thì mới tồn tại lâu bền được.
Cám ơn những chia sẻ của anh!