Ngày pháp luật

An yên giữa chốn thương trường

Cuối tháng 4 vừa qua, trong chương trình sinh hoạt nhóm LS thuộc Hiệp hội Nữ doanh nhân Hà Nội (HNEW) đã diễn ra buổi thăm quan doanh nghiệp Hoàng Anh Phú và trải nghiệm hoạt động Thiền trà, Pháp đàm chia sẻ Phật pháp của Đại đức Thích Trí Thuần và chư Tăng. Trong không gian an tĩnh, sâu lắng của buổi Pháp đàm, các nữ doanh nhân đã có cơ hội trao đổi, lắng nghe và nhìn thấu chính bản thân cũng như cốt lõi công việc của mình để thông tỏ hơn trên con đường tìm kiếm hạnh phúc tròn đầy.

Lấy hạnh phúc cộng đồng làm mục đích chung!

Theo chia sẻ của Đại đức Thích Trí Thuần, “doanh nhân” đang ngày càng trở thành danh xưng được ưa chuộng hiện nay. Hiểu một cách đơn giản, bất kỳ ai làm kinh doanh dù lớn hay nhỏ đều có thể được gọi là “doanh nhân”. Từ những người buôn bán nhỏ ở chợ cho tới chủ các doanh nghiệp ngàn tỷ đều có thể được gọi cùng một cái tên, bởi bản chất công việc của họ giống nhau, là kinh doanh, trao đổi, tạo ra lợi ích cho bản thân, lợi ích cho mọi người xung quanh và toàn xã hội.

An yên giữa chốn thương trường - Ảnh 1

Tuy nhiên, trên thương trường không phải chỉ có mỗi “doanh nhân” mà còn có những “con buôn”. Họ là những người chỉ biết làm lợi cho bản thân, lừa dối, gây thiệt hại cho người khác và cộng đồng, kìm hãm đất nước phát triển. Do đó, họ sẽ không bao giờ nhận được sự tôn trọng trong xã hội như những “doanh nhân” thực thụ.

Theo Phật giáo, thương nhân có 3 loại: Người thứ nhất kiếm được nhiều tiền nhưng bị cả thiên hạ ghét bỏ; Người thứ hai kiếm được ít tiền nhưng được người xung quanh quý mến, ghi nhận; Người thứ ba không những kiếm được rất nhiều, mà còn được mọi người xung quanh yêu mến, tôn vinh.

Rõ ràng, trong chúng ta, ai cũng mong ước trở nên vinh hiển như người thương nhân cuối cùng, mặc dù vậy, bất cứ doanh nhân nào khi lập nghiệp cũng phải trải qua giai đoạn tương tự người thứ nhất hoặc thứ hai trước khi có thể chạm tới đích đến cuối cùng.

Tuy nhiên, nếu ai cũng mơ tới thành công với danh vọng, tiền bạc, một đích đến nhưng nhiều người cùng đấu thì thương trường sẽ trở thành chiến trường, con người dễ xa rời những tiêu chuẩn đạo đức và khó có thể hạnh phúc. Vậy nếu một doanh nhân không mơ thành công thì nên mong ước gì?  Mục tiêu thuần khiết nhất của người làm kinh doanh chính là tạo ra nhiều hệ giá trị trong doanh nghiệp, cộng đồng và xã hội.

Khác với phần lớn các nước sử dụng những chỉ số đo lường kinh tế, “Đất nước hạnh phúc nhất thế giới” Bhutan lại dùng tổng chỉ số hạnh phúc để đánh giá sự phát triển quốc gia. Theo đó, chỉ số hài lòng của nước này dựa trên 2 yếu tố: Sự hài lòng với bộ máy lãnh đạo và hài lòng với cuộc sống hiện tại. 

An yên giữa chốn thương trường - Ảnh 2

Soi chiếu từ chính sách của một quốc gia đáng ngưỡng mộ, phải chăng người doanh nhân chân chính cũng nên lấy tiêu chuẩn “hài lòng” làm giá trị cho doanh nghiệp. Để làm được điều đó thì trước tiên, mỗi doanh nghiệp cần thực hiện tốt nguyên tắc của sự kết nối: Mọi giá trị trong đời sống chỉ kết nối bền vững khi được liên kết từ gốc rễ, đối với doanh nghiệp, sợi dây liên kết sẽ kéo dài xuyên suốt trong nội bộ, giữa các doanh nghiệp và giữa doanh nghiệp với xã hội. Trên hết, sự liên kết đó được nuôi dưỡng bằng các hệ giá trị trao đổi 2 chiều bao gồm cả vật chất và phi vật chất.

Theo đó, người lãnh đạo cần có chủ trương phát triển đồng bộ, ngoài chuyên môn thì cần có văn hoá doanh nghiệp vì chính những giá trị ngoài vật chất mới là nguồn nuôi dưỡng và giữ chân nhân tài. Đặc biệt, giá trị về tinh thần vốn không tốn kém nhưng mang lại lợi ích rất lớn. Trong Phật pháp, tinh thần con người cần được kết nối bằng 2 giá trị: Sự hiểu biết và lòng yêu thương. Đối với doanh nghiệp thì khách hàng hiểu công ty, doanh nghiệp cần lấy sự an toàn, hạnh phúc, sức khoẻ, cảm xúc khách hàng làm thước đo để phát triển, người lãnh đạo phải hiểu cấp dưới của mình. Chỉ khi nhân viên đặt hạnh phúc của mình vào doanh nghiệp thì khi ấy cả tập thể mới có thể cùng tiến lên. Đồng thời, cả doanh nghiệp phải lấy hạnh phúc cộng đồng làm mục đích chung.

Hiểu để thương...

Không chỉ riêng doanh nhân, mỗi con người đều cần phải không ngừng học tập, nuôi dưỡng tâm thiện và trí sáng để có thể được hạnh phúc. Người xưa có nói “Thứ nhất là tu tại gia, thứ hai tu chợ, thứ ba tu chùa” để nhấn mạnh 3 môi trường mà ta cần tu tập.

Đại đức Thích Trí Thuần nhấn mạnh, đã có nhiều người hiểu lầm và cho rằng chỉ cần dưỡng tâm, tu đức ở một trong ba nơi. Bởi vậy có những người chỉ thành tâm khi lên chùa, về nhà lại hà khắc, không chịu thấu hiểu gia đình hay có những người rất chu toàn lúc ở nhà nhưng khi ra “chợ”, tiếp xúc với xã hội, bạn bè, đồng nghiệp xung quanh với thái độ xét nét, thiếu cảm thông. 

An yên giữa chốn thương trường - Ảnh 3

Thực tế, dù ở môi trường nào, con người cũng luôn cần sự bao dung, lắng nghe, thấu hiểu và yêu thương. Đó chính là cốt lõi của bình an, hạnh phúc. Khi ta hiểu người, ta sẽ biết cảm thông với họ, khi ta thương người, ta sẽ tha thứ, bao dung, dịu dàng với cảm xúc của họ cũng như của chính mình. Cùng với đó, để thành công trong cuộc sống, ta phải không ngừng xây dựng hệ giá trị riêng, tỉnh táo giữ mình, không bị cuốn theo những cám dỗ. Thế giới bên ngoài luôn chứa đựng nhiều cạm bẫy, đôi khi chỉ 1 lần “tham” có thể huỷ hoại cả cuộc đời. 

Tuy vậy, tam độc trong Phật giáo - “tham, sân, si” vốn đã luôn tiềm ẩn trong tâm trí mỗi người và để có thể xoá bỏ mọi chấp niệm, giữ tâm trí sáng thì cần một quá trình luôn trau dồi không ngừng nghỉ. Theo đó, mỗi chúng ta cần phải học “làm người” trước khi muốn trở thành bất kỳ danh xưng nào khác.

Học “làm người” để biết hướng đến giá trị tốt đẹp, biết “định nghĩa” hạnh phúc thực sự, hiểu được những ranh giới đạo đức và có cảm xúc, thấu hiểu, tôn trọng, yêu thương mọi vật xung quanh. Chỉ khi ta “nên người” - đó mới là thành công đích thực, cũng là nguồn cội của hạnh phúc.

Tin Cùng Chuyên Mục