Khảo sát trên được thực hiện với các công ty Mỹ lẫn Trung Quốc, cho thấy họ đang đánh mất thị phần vào tay các doanh nghiệp Việt Nam. Riêng các công ty Trung Quốc cho biết họ còn đánh mất doanh số cho những đối thủ từ Ấn Độ, Hàn Quốc và kể cả Mỹ. Đối lại các công ty Mỹ nhận định họ đang bị cạnh tranh ác liệt từ các đối thủ Nhật Bản và Đức.
Kể từ tháng 7/2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã áp thuế lên 250 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu Trung Quốc nhằm ép Bắc Kinh thay đổi các chính sách thương mại. Trung Quốc đã đáp trả bằng việc áp thuế lên 60 tỷ USD hàng nhập khẩu từ Mỹ.
Khảo sát của AmCham cho thấy cả công ty Mỹ lần Trung Quốc đều chịu tác động tiêu cực từ cuộc chiến thương mại này. Phần lớn công ty được hỏi cho biết họ đang hướng đến dịch chuyển sản xuất, tìm nguồn cung mới hay xây các nhà máy lắp ráp mới ở những nước thứ 3 và Đông Nam Á là lựa chọn hàng đầu.
Một vài công ty thậm chí đã cho đi vào hoạt động các nhà máy thay thế. Ví dụ như Panasonic đã dịch chuyển sản xuất mảng ô tô điện từ Trung Quốc sang Thái Lan, từ Malaysia sang Mexico.
Hãng GoerTek của Trung Quốc chuyên lắp tai nghe không dây cho Apple cũng tuyên bố sẽ dịch chuyển nhà máy sang Việt Nam, còn hãng Zhejiang Hailide New Materials thì đầu tư tới 155 triệu USD nhà máy tại Việt Nam để tránh thuế từ Mỹ.
Cũng theo khảo sát của AmCham, hơn một nửa số công ty Mỹ lẫn Trung Quốc cho biết công việc kinh doanh của họ gặp nhiều thử thách hơn chứ không riêng gì thuế. Ví dụ 44% số công ty cho biết thủ tục hải quan bốc dỡ tàu hàng của họ bị chậm lại trong khi 38% nói rằng họ bị thanh tra làm phiền nhiều hơn, còn giấy tờ thủ tục thì tốn nhiều thời gian hơn để hoàn thành.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dự kiến sẽ gặp nhau vào tháng tới bên lề Hội nghị G20 tại Argentina, nhưng nhiều chuyên gia cho rằng sẽ khó có đột phá nào liên quan đến xung đột thương mại giữa 2 nước.
AmCham cho biết hơn 50% số công ty được khảo sát thừa nhận họ đang chuẩn bị cho một cuộc chiến thương mại kéo dài ít nhất 1 năm. Khảo sát cũng cho thấy 54% số công ty Mỹ được hỏi nhận định những đòn thuế của Tổng thống Trump chẳng đem lại lợi ích nào cho các doanh nghiệp trong nước cũng như không cải thiện thêm được môi trường kinh doanh ở Mỹ. Trong khi đó phần lớn doanh nghiệp Trung Quốc được hỏi nói rằng họ sẽ thúc đẩy quá trình tái cơ cấu nền kinh tế Trung Quốc cũng như nâng cấp kỹ thuật trước tình hình chiến tranh thương mại.
Gần đây, Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) đã hạ mức dự báo tăng trưởng cho khu vực mới nổi tại Châu Á từ 5,9% xuống còn 5,8% do chiến tranh thương mại. Tuy nhiên ADB nhận định cuộc chiến này sẽ không làm tổn thương mọi nền kinh tế khi chúng tái phân bổ lại chuỗi cung ứng và đem lại lợi ích cho những khu vực như Đông Nam Á.