Hanoi Aqua Central là tổ hợp gồm 1 tòa khách sạn 5 sao 21 tầng và 1 tòa căn hộ cao cấp 21 tầng, được xây dựng trên khu đất hơn 6.800m2 với 3 tầng hầm. Dự án do Công ty CP Tháp nước Hà Nội làm chủ đầu tư được thực hiện từ quý I/2016, dự kiến bàn giao vào quý III/2018.
|
Dự án Hanoi Aqua Central đang trong giai đoạn thi công phần thân. |
Hàng loạt vi phạm
Ngày 21/7/2015, Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội đã có văn bản chấp thuận quy hoạch tổng mặt bằng và phương án kiến trúc cho chủ đầu tư với 3 tầng hầm vượt chỉ giới xây dựng 4,5 m phía đường Yên Phụ.
Tuy nhiên, kết luận của Thanh tra Chính phủ mới đây khẳng định, điều này vi phạm Điểm b Khoản 5 Điều 3 Nghị định số 39/2010/NĐ-CP về quản lý không gian xây dựng ngầm đô thị. Tại thời điểm thanh tra, dự án đã hoàn thiện toàn bộ 3 tầng hầm và đang thi công phần thân công trình.
Tiếp đó, ngày 12/1/2017, Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội có văn bản gửi UBND TP Hà Nội về việc đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại Công ty CP Tháp nước Hà Nội là sai quy định theo Nghị định 91 của Chính phủ. Bởi tại thời điểm này, công ty không được góp vốn hoặc đầu tư vào lĩnh vực bất động sản, trường hợp đã góp vốn, đầu tư phải thoái vốn.
Ngoài ra, kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ còn chỉ rõ tiền sử dụng đất phải nộp dự án hơn 462 tỉ đồng. Tiền thuê đất và tiền chậm nộp còn nợ trước khi chuyển mục đích sử dụng đất từ hình thức thuê đất sang hình thức giao đất có thu tiền sử dụng đất để thực hiện dự án trên tính đến ngày 31/1/2017 là hơn 64 tỉ đồng.
Đến thời điểm thanh tra, số tiền này vẫn chưa nộp vào ngân sách nhà nước, vi phạm Khoản 3 Điều 6, Khoản 7 Điều 12, Khoản 3 Điều 170 Luật Đất đai năm 2013.
Đối với khoản 64 tỉ đồng tiền thuê đất và tiền chậm nộp còn nợ trước khi chuyển mục đích sử dụng đất, theo lý giải của chủ đầu tư và UBND TP Hà Nội thì Tổng cục Thuế đã đồng ý với kiến nghị của Cục thuế Hà Nội cho chủ đầu tư được miễn tiền thuê đất trong thời gian tạm ngừng xây dựng, tạm ngừng hoạt động do nguyên nhân bất khả kháng từ ngày 22/7/2010 đến hết ngày 11/2/2015, số tiền 41,8 tỉ đồng. Trên cơ sở đó, Chi cục Thuế quận Ba Đình đã thực hiện quyết toán và chủ đầu tư đã nộp số tiền thuê đất còn nợ và tiền chậm nộp vào ngân sách nhà nước.
Tuy nhiên, Thanh tra Chính phủ cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Chủ tịch UBND TP Hà Nội chỉ đạo các cơ quan chức năng kiểm tra, rà soát việc miễn tiền thuê đất trong thời gian tạm ngừng xây dựng, tạm ngừng hoạt động; đồng thời tính tiền và ký hợp đồng thuê đất mới đối với diện tích 2.168 m2 đất làm sân đường nội bộ và 466 m2 đất làm vườn hoa mở phục vụ cho dân trong khu vực sau khi chuyển đổi mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án theo đúng quy định của pháp luật.
Ai là ông chủ thực sự của dự án?
Dự án Hanoi Aqua Cetral được ra mắt rầm rộ trong năm 2016 với giá bán từ 73-90 triệu đồng/m2 - một mức giá khá cao trên thị trường bất động sản cao cấp thời điểm bấy giờ.
|
Vị trí dự án. |
Theo tìm hiểu, một đơn vị phân phối thừa nhận tính thanh khoản của dự án đang "èo uột" do tác động không tốt từ thị trường, đặc biệt là do dư thừa nguồn cung căn hộ cao cấp.
Về phía chủ đầu tư - Công ty CP Tháp nước Hà Nội gồm 4 cổ đông sáng lập: Công ty CP BĐS An Bình (đã chuyển nhượng hết cổ phần), Công ty CP Picenza Việt Nam, Công ty CP Đầu tư và Thương mại Hà Nội và Công ty TNHH một thành viên nước sạch Hà Nội.
Trong đó, CTCP Đầu tư và Thương mại Hà Nội lại là công ty thành viên của Tập đoàn Đồng Lực. Ngoài dự án Hanoi Aqua Central, tập đoàn này còn giới thiệu là nhà đầu tư vào nhiều dự án bất động sản khác tại Hà Nội như Diamond Flower, dự án 671 Hoàng Hoa Thám, Dự án bán đảo hồ Đống Đa, Dự án BOT quốc lộ 6 Hòa Lạc-Hòa Bình...
Cổ đông thứ hai là Picenza Việt Nam hiện đang nắm giữ 8% cổ phần, là một công ty trong lĩnh vực nội thất với thương hiệu bình nước nóng Picenza và là ông chủ của chuỗi nội thất Hùng Túy nổi tiếng trên phố Cát Linh, Hà Nội.
Hiện Công ty TNHH một thành viên nước sạch Hà Nội đang nắm giữ 30% cổ phần.