Hàng chục người hỗn chiến, chỉ 5 đối tượng bị truy tố
Ngày 26/9, TAND TP HCM mở phiên xử sơ thẩm vụ án mạng xảy ra tại quán Karaoke Kington (ấp 5, xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn). Vụ án từng rúng động dư luận vì tính chất côn đồ, mức độ nghiêm trọng.
Trong đó Nguyễn Hữu Huệ (SN 1982, quê Thanh Hóa), Nguyễn Hồng Phúc (SN 1999), Phạm Thái Văn Tình (SN 1991, cùng ngụ TP HCM) bị truy tố tội “Giết người”; Hoàng Văn Hưng (SN 1979, ngụ quận 12) bị truy tố tội “Cố ý gây thương tích”; và Phạm Duy Công (SN 1986, quê Hưng Yên) bị truy tố tội “Hủy hoại tài sản”.
Theo cáo trạng, Karaoke Kington do Huỳnh Thị Thái Trinh đứng tên giấy phép kinh doanh, Nguyễn Hữu Xuân (chồng Trinh) là quản lý. Khoảng 16h ngày 21/7/2017, Công cùng anh Nguyễn Đức Bảng, Phạm Duy Thành và 5 người bạn đến quán để hát.
Do nhóm khách yêu cầu có nhân viên nữ hát cùng và rót bia nhưng không có, Công lớn tiếng và có hành vi quậy phá. Cáo trạng cho rằng sau đó quản lý Xuân đi khỏi quán để bàn chuyện mở quán mới, và gọi cho Tình đến dàn xếp vị “khách quậy”.
Khoảng 16h20, Công không thấy nhân viên nữ lên phục vụ nên lớn tiếng và đập bể kính cường lực sàn nhảy, một ly thủy tinh, phá một số tài sản. Lúc này, Huệ (em ruột Xuân) nghe nhân viên báo lại sự việc nên kêu Phúc lấy dao tự chế đặt sẵn ở các chậu cây trong quán. Tình thì gọi điện cho một người (chưa rõ lai lịch) hỏi nơi cất giấu súng bắn đạn bi, dao trong quán. Tình lấy súng và 3 khúc sắt, một con dao đeo trên người.
Đến khoảng 16h40, Huệ, Tình và một nhân viên gặp và nói chuyện với Công về việc đập phá quán. Công đánh Huệ và bị chém lại. Lúc này Tình rút súng bắn hai phát về phía nhóm Công nhưng súng không nổ.
Cuộc ẩu đả diễn ra, nhóm Công yếu thế nên bỏ chạy. Nhóm Công từng người bị Huệ, Tình, Phúc và nhân viên quán đuổi chém tán loạn. Bảng chạy đến cầu thang thì bị Huệ chém từ phía sau trúng tay phải.
Phúc lệnh cho nhân viên quán đóng cửa lại và cầm hung khí phục sẵn. Thấy Công chạy xuống, Phúc chém nhưng không trúng. Thành cũng bị Tình, Huệ, Phúc chém. Thành năn nỉ nên được mở cổng ra ngoài.
Còn Hưng, dù là người không mâu thuẫn với nhóm Công nhưng vừa đến nơi (theo cuộc hẹn gặp quản lý Xuân), nghe có đánh nhau cũng mở cốp xe, lấy một cưa sắt chém trúng đỉnh đầu Thành. Nạn nhân bỏ chạy, Hưng chém thêm 5 nhát.
|
Karaoke Kington, nơi xảy ra hỗn chiến |
Công và Bảng còn kẹt lại trong quán. Đến 17h14, Xuân về quán, cầm một khẩu súng lên sân thượng tìm, hỏi sao phá quán. Công xin lỗi nên Xuân để Công xuống đưa Bảng và Thành đi cấp cứu. Tuy nhiên, do thương tích quá nặng, nạn nhân Bảng và Thành tử vong.
Ngoài Phúc, Tình và Huệ tham gia đánh, chém nhóm nạn nhân; còn có hàng chục người khác, đều có tên trong cáo trạng, nhưng không bị truy tố là đồng phạm. Những đối tượng này, theo cáo trạng lý giải “do việc đuổi chém xảy ra trong quán nên không cấu thành tội “Gây rối trật tự nơi công cộng””, chỉ bị đề nghị xử lý hành chính.
Dấu hiệu lọt người, lọt tội
Vụ án gây bức xúc vì như lời các luật bảo vệ quyền lợi nạn nhân cho rằng ông Xuân và một số đối tượng thoát tội một cách “kỳ lạ và phi lý”. Theo các luật sư, vụ án có dấu hiệu lọt người, lọt tội.
Ở phần hỏi đáp, các luật sư xoay quanh việc có hay không chỉ đạo từ ông Xuân với các bị cáo, chỉ đạo như thế nào, nói ra sao?
Trong vụ án này, VKS đề nghị HĐXX tuyên phạt Huệ 18 – 20 năm, Tình 13 – 15 năm, Phúc 15 – 17 năm tù cùng về tội “Giết người”; Hưng 3 – 4 năm tù về tội “Cố ý gây thương tích”; và Công 1,5 – 2 năm tù về tội “Hủy hoại tài sản”. Mức án đề nghị trên, các luật sư cho rằng rất nhẹ vì các bị cáo bị truy tố khung hình phạt lên đến tử hình, và vụ án còn nhiều điểm chưa được làm rõ; nhất là vai trò chủ mưu, tổ chức.
Đối với Xuân, cáo trạng cho rằng Xuân không gọi Tình đến đánh nhau, không chỉ đạo xúi giục ai gây án. Tại thời điểm xảy ra sự việc Xuân không có mặt tại quán. Cây súng mà Xuân cầm là súng bắn bi, thuộc nhóm “đồ chơi nguy hiểm”, bị cấm nhưng do chưa bị xử lý lần nào về hành vi này nên không bị xử lý hình sự. Luật sư cho rằng vô lý ở chỗ cơ quan tố tụng không cả đề nghị xử lý hành chính với Xuân.
Cáo trạng truy tố như trên liệu có phù hợp? Luật sư bảo vệ bị hại nói: “Mâu thuẫn xảy ra từ 16h và khi đang diễn ra thì vô lý là Xuân lại “bỏ đi bàn chuyện làm ăn”. Cáo trạng nói Xuân không chỉ đạo gì trước khi đi khỏi quán.
Từ thời điểm Xuân bỏ đi đến lúc kết thúc vụ đánh nhau là 1 tiếng đồng hồ (từ 16h20 đến 17h14), tại sao là chủ quán, Xuân lại không được thông báo, không về mà để cho Huệ, Tình, Phúc và nhân viên “tự xử”? Trong khoảng thời gian này, có ai gọi cho Xuân hay không và Xuân chỉ đạo như thế nào, không thấy nói trong hồ sơ vụ án?”
“Xuân có thật sự rời khỏi quán hay không? Hồ sơ cho thấy việc bàn bạc mở thêm quán là tại Karaoke Kington. Bằng chứng là Hưng đi đến để gặp Xuân”, Luật sư Cao Thế Luận (Đoàn Luật sư Bạc Liêu), nói.
Tại tòa, Công khai rằng Xuân cầm súng bắn vào người mình và trúng vai bên phải. Công có chụp hình thời điểm bị bắn và đến nay vẫn còn để lại sẹo. Công trưng ra chiếc áo vào thời điểm xảy ra sự việc, trên vai phải chiếc áo có thủng nhiều lỗ nhỏ như viên bi, phù hợp với vết tích trên vai. Nhưng hồ sơ lại nói “không giám định được vết thương trên người Công là do đạn gây ra”.
Với hành vi của Hưng, bị truy tố tội “Cố ý gây thương tích”, theo các luật sư là không đúng tội danh. “Hành vi của Hưng phải bị truy tố tội giết người. Việc nạn nhân chết do vết chém khác (của Tình, Huệ và Phúc) là ngoài ý muốn của Hưng. Hưng không có nhiệm vụ gì ở quán, không mâu thuẫn với nhóm Công, không rõ mâu thuẫn gì.
Thấy anh Thành bị thương nặng, Hưng không can ngăn mà dùng hung khí nguy hiểm chém vào vùng trọng yếu là đỉnh đầu và rượt chém đến cùng, do anh Thành chạy thoát nên Hưng mới dừng lại. Hưng phải bị truy tố tội “Giết người” với tình tiết tăng nặng là “có tính chất côn đồ””, Luật sư Luận tranh luận.
Ngoài ra, việc các bị cáo và nhân viên quán chuẩn bị sẵn hung khí để đánh nhau, luật sư cho rằng cần xem xét tình tiết tăng nặng là “có tính chất côn đồ”, “có tổ chức”.
Dự kiến hôm nay (27/9), tòa tiếp tục phần tranh luận, đối đáp.