Ngày pháp luật

AI được sử dụng để mô phỏng hình ảnh trong suy nghĩ con người

Anh Vũ

Hình ảnh chụp cộng hưởng từ được trí tuệ nhân tạo xử lý sau đó mô phỏng lại gần đúng so với tư liệu gốc.

Ngoài hỗ trợ trả lời các câu hỏi của con người, trí tuệ nhân tạo trong tương lai còn có thể đọc được suy nghĩ, dự đoán cảm xúc con người nhờ vào phát kiến mới đây tại Nhật Bản.

Các nhà nghiên cứu tại đại học Osaka, Nhật đã áp dụng trí tuệ nhân tạo xử lý hình ảnh Stable Diffusion để vẽ lại hình ảnh trong suy nghĩ con người qua hình ảnh chụp cộng hưởng từ (MRI). Thử nghiệm cho thấy, hình ảnh MRI sau khi chụp sẽ được AI phân tích từ đó xây dựng nên hình ảnh mô phỏng hình ảnh con người đang suy nghĩ. Việc tái tạo vẫn chưa hoàn chỉnh do dữ liệu đào tạo AI tương tự chưa có nhiều.

Các hình ảnh được sử dụng trong mô phỏng với MRI (trên) và ảnh được AI tạo nên sau khi phân tích sóng não đồ (dưới).
Các hình ảnh được sử dụng trong mô phỏng với MRI (trên) và ảnh được AI tạo nên sau khi phân tích sóng não đồ (dưới).

Các nhà khoa học cho hay chưa có bất kì thử nghiệm nào trước đó sử dụng AI để tái tạo hình ảnh MRI nên việc đào tạo các AI để đưa ra kết quả chính xác 100% rất phức tạp. Nghiên cứu mới chỉ bước đầu hiện thực hóa khả năng sử dụng AI để trích xuất hình ảnh thông qua hình ảnh MRI, rất nhiều hạn chế và thách thức cần được giải quyết trước khi một phương án tối ưu được xây dựng.

Việc sử dụng điện não đồ tạo nên hình ảnh đã từng được thực hiện trước đó. Vào năm 2014, một nghệ sĩ Thượng Hải đã sử dụng các cảm biến điện não đồ giúp 16 người khuyết tật vẽ tranh. Năm 2011, các nhà nghiên cứu tại đại học UC Berkeley cũng từng giải mã hình ảnh MRI để tạo nên hình ảnh trong suy nghĩ, tuy nhiên hình ảnh này có chất lượng thấp cùng độ nhiễu cao, khó mô phỏng sát với suy nghĩ thực tế.

Thử nghiệm tại UC Berkeley vào năm 2011 cho ra hình ảnh chất lượng thấp, khác biệt nhiều so với thực tế.
Thử nghiệm tại UC Berkeley vào năm 2011 cho ra hình ảnh chất lượng thấp, khác biệt nhiều so với thực tế.

Nghệ sĩ người Mỹ Lia Chavez cũng từng sử dụng một thiết bị điện não đồ giúp tạo nên những tác phẩm ánh sáng. Việc áp dụng trí tuệ nhân tạo vào nghiên cứu điện não đồ sẽ giúp con người mô phỏng chân thực hơn những hình ảnh trong suy nghĩ mỗi người.

Trong thực tế, ứng dụng của phát kiến trên sẽ giúp giới khoa học tìm hiểu về suy nghĩ của những người khiếm thị bẩm sinh, nghiên cứu thêm về suy nghĩ của các bệnh nhân hôn mê từ đó hiểu hơn về cách thức hoạt động của não bộ cũng như suy nghĩ con người.

Tin Cùng Chuyên Mục