Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) vừa đưa ra trong bản báo cáo cập nhật triển vọng phát triển châu Á (ADO) 2020, trong đó dự báo GDP Việt Nam năm 2020 tăng trưởng 1,8%, thay vì mức 4,1% như trước đó. Chỉ số này đến năm 2021, theo đánh giá của ADB sẽ hồi phục lên mức 6,3%.
Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam Andrew Jeffries nhận xét tiêu dùng nội địa giảm sút và nhu cầu toàn cầu suy yếu do Covid-19 đã tác động đến nền kinh tế Việt Nam nhiều hơn dự kiến. Tuy nhiên, Việt Nam sẽ tăng trưởng dương nhờ thành công của Chính phủ trong việc kiểm soát sự lây lan của dịch.
Báo cáo ADO 2020 cũng chỉ ra nền kinh tế Việt Nam được hưởng lợi từ việc dịch chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc, từ việc thực thi Hiệp định Thương mại tự do với Liên minh châu Âu (EVFTA).
Tuy nhiên, tiêu dùng nội địa dự báo tiếp tục ở mức thấp khi thu nhập hộ gia đình, doanh nghiệp giảm, tỷ lệ thất nghiệp gia tăng. Bên cạnh đó, đầu tư tư nhân vẫn yếu và đầu tư nước ngoài liên quan đến thương mại tiếp tục giảm.
ADB dự đoán lạm phát sẽ tiếp tục ở mức thấp hơn so với mục tiêu 4%. Cụ thể, chỉ số nay theo ADB vào khoảng 3,3% trong năm 2020 và 3,5% trong 2021 do tình trạng tăng trưởng và chi tiêu thấp vẫn kéo dài.
Đặc biệt, tỷ lệ thất nghiệp được Ngân hàng Phát triển châu Á dự đoán tiếp tục tăng. Nghiên cứu chung của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) và ADB cho thấy 548.000 người lao động trẻ của Việt Nam sẽ mất việc làm nếu đại dịch kéo dài và con số này là 370.000 người ngay cả khi đại dịch được kiềm chế hiệu quả.
ADB nhận định mặc dù trước mắt, triển vọng kinh tế của Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu và sự suy giảm trong nước xấu hơn dự kiến, tuy nhiên, về trung và dài hạn, Việt Nam vẫn được đánh giá là tăng trưởng vững vàng.
“Các nền tảng kinh tế vẫn chưa bị suy giảm và Việt Nam có triển vọng được hưởng lợi từ các xu hướng thương mại, đầu tư và sản xuất toàn cầu”, ADB nhận định.
Tuy nhiên, Ngân hàng Phát triển châu Á nhấn mạnh, nguy cơ lớn vẫn còn. Đại dịch Covid-19 kéo dài, căng thẳng thương mại toàn cầu... là nguyên nhân khiến gia tăng bảo hộ thương mại và các rủi ro tài chính có thể trầm trọng thêm.