Ngày pháp luật

ACB tính bán tối đa 35,2 triệu cổ phiếu quỹ, dự thu tối thiểu 813 tỷ đồng

Theo Minh Tâm/VietnamFinance

ACB dự tính bán tối đa 35,2 triệu cổ phiếu quỹ nhằm mục đích bổ sung nguồn vốn cho hoạt động kinh doanh của ngân hàng.

ACB tính bán tối đa 35,2 triệu cổ phiếu quỹ, dự thu tối thiểu 813 tỷ đồng - Ảnh 1
ACB tính bán tối đa 35,2 triệu cổ phiếu quỹ, dự thu tối thiểu 813 tỷ đồng

Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) vừa công bố quyết định về phương án bán cổ phiếu quỹ. Theo đó, ACB dự kiến bán tối đa 35,2 triệu cổ phiếu quỹ nhằm mục đích bổ sung nguồn vốn cho hoạt động kinh doanh của ngân hàng.

Phía ACB cho biết, giá bán sẽ không thấp hơn giá thị trường trung bình trong 20 ngày trước ngày giao dịch và không thấp hơn giá tối thiểu sau khi chia cổ tức bằng cổ phiếu năm 2018 là 23.100 đồng/cổ phiếu.

Tổng giá trị giao dịch cổ phiếu nếu bán với giá tối thiểu 23.100 đồng/cổ phiếu là 813 tỷ đồng.

Phương thức thực hiện theo thỏa thuận hoặc khớp lệnh. Thời gian thực hiện là sau khi có chấp thuận của các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.

Chốt phiên 12/7, thị giá mỗi cổ phiếu ACB ở mức 30.100 đồng/cổ phiếu.

Thoạt nhìn có thể thấy giá bán tối thiểu 23.100 đồng/cổ phiếu thấp hơn thị giá hiện tại nhưng thực chất, mức giá bán tối thiểu này là mức giá điều chỉnh sau khi ACB hoàn tất chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 30% (dự kiến thực hiện trong quý III/2019).

Ở một diễn biến khác, chia sẻ tại buổi gặp gỡ nhà đầu tư mới đây, đại diện ACB cho biết ngân hàng vừa được nới hạn mức tăng trưởng tín dụng (room tín dụng) lên 17%, so với mức 13% được phê duyệt hồi đầu năm.

Vị này cũng cho hay, 6 tháng đầu năm 2019, tăng trưởng tín dụng của ACB ở mức 9%. Trong khi đó, lợi nhuận trước thuế hoàn thành 49% kế hoạch năm, ước đạt 3.600 tỷ đồng (tương đương tăng gần 15% so với cùng kỳ năm 2018).

Về nợ xấu, tỷ lệ nợ xấu của ACB hiện ở mức 0,7%, thấp nhất ngành; tỷ lệ bao phủ nợ xấu (LLR) ở mức cao 156%.

Liên quan đến chiến lược phát triển, đại diện ACB cho hay thế mạnh của ACB xưa nay là mảng bán lẻ và ngân hàng sẽ tiếp tục đi vào phân khúc đó.

"Đối với khách hàng cá nhân, ngoài thế mạnh sẵn có ở phân khúc khá giả là chủ doanh nghiệp, chúng ta mở rộng thêm tệp khách hàng bằng cách tập trung vào thế hệ trẻ từ 23 đến 30 tuổi và các khách hàng là những người có chuyên môn làm việc ở thành thị", đại diện ACB tiết lộ.

Trong phân khúc doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME), ACB sẽ đưa ra các giải pháp cho khách hàng tùy vào từng phân khúc khách hàng.

"Đối với khách hàng doanh nghiệp lớn, ACB không tập trung phát triển mảng khách hàng doanh nghiệp lớn nhưng có chiến lược phát triển rất rõ ràng với doanh nghiệp lớn, sẽ rất chọn lọc trong việc xây dựng mối quan hệ với doanh nghiệp lớn để được đồng bộ với phân khúc SME và phân khúc khách hàng cá nhân", phía ACB cho biết.

Làm rõ thêm, Tổng Giám đốc ACB Đỗ Minh Toàn cho hay chiến lược giai đoạn 2019-2024 của ngân hàng là sẽ tập trung vào phân phối các gói sản phẩm (bao gồm cho vay, thẻ tín dụng, bảo hiểm, v.v.) cho khách hàng bán lẻ và doanh nghiệp nhỏ. Điều này được đánh giá là đã tạo ra sự gắn bó giữa khách hàng và ngân hàng và cũng cho phép ACB có thêm phí từ các dịch vụ thanh toán và giao dịch.

Bên cạnh đó, ban lãnh đạo ACB đặt mục tiêu tăng gấp đôi số tài khoản ngân hàng vào năm 2021 lên đến 5 triệu tài khoản, đồng thời kỳ vọng điều này sẽ giúp cải thiện tỷ trọng tiền gửi không kỳ hạn (CASA) của ACB đạt mức 25% vào năm 2021.

Ngoài ra, ACB cũng sẽ đẩy mạnh mảng phân phối bảo hiểm qua ngân hàng (bancassurance) với việc ký kết với đối tác mới bên cạnh đối tác hiện tại là AIA.

Tin Cùng Chuyên Mục