ACB lợi nhuận trước thuế 9 tháng đạt 13.503 tỷ đồng, tăng gần 51% so với cùng kỳ

Tứ Liên

9 tháng đầu năm 2022, lợi nhuận trước thuế hợp nhất của ACB đạt hơn 13.500 tỷ đồng, hoàn thành hơn 90% kế hoạch năm.

Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) vừa công bố báo cáo tài chính quý III/2022 với lợi nhuận trước thuế 9 tháng đầu năm 2022 của ngân hàng đạt 13.503 tỷ đồng, tăng trưởng hơn 50% so với cùng kỳ 2021 và đã hoàn thành hơn 90% kế hoạch cả năm.

ACB lợi nhuận trước thuế 9 tháng đạt 13.503 tỷ đồng, tăng gần 51% so với cùng kỳ - Ảnh 1

Trong kỳ, thu nhập lãi thuần tăng 33% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 6.032 tỷ đồng. Lãi từ hoạt động dịch vụ tăng 36% lên 866 tỷ đồng. Lãi từ hoạt động kinh doanh khác cũng tăng trưởng mạnh từ 43 tỷ đồng lên 123 tỷ đồng.

Ngược lại, hoạt động kinh doanh chứng khoán ghi nhận lỗ gần 40 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lãi 183 tỷ đồng. Lãi thuần từ chứng khoán đầu tư và kinh doanh ngoại hối giảm. Kết quả, ngân hàng báo lãi sau thuế 3.587 tỷ đồng, tăng 70% so với cùng kỳ.

Tổng thu nhập hoạt động của ACB trong 9 tháng đạt hơn 20.800 tỷ đồng, tăng 18,6% so với cùng kỳ. Trong đó, thu nhập lãi thuần tăng 20,7%, đạt hơn 17.000 tỷ đồng. Lãi từ hoạt động dịch vụ cũng tăng trưởng ấn tượng 21%, đạt 2.600 tỷ. 

Tính đến cuối tháng 9, tổng tài sản của ngân hàng tăng 6% so với đầu năm, đạt 561.113 tỷ đồng. Cho vay khách hàng đạt  hơn 402.200 tỷ đồng, tăng 11% so với đầu năm. Tiền gửi khách hàng tăng 3,2% so với đầu năm, lên 392.023 tỷ đồng. 

Nợ xấu nội bảng của ACB tăng đến 45% so với đầu năm lên 4.056 tỷ đồng, kéo theo tỷ lệ nợ xấu tăng từ 0,78% đầu năm lên 1,01%. 

Nợ phải trả tăng từ 483.000 tỷ đồng lên 505.000 tỷ đồng. Trong đó, tiền gửi của khách hàng tăng 3,4% lên 392.000 tỷ đồng; phát hành giấy tờ có giá tăng 33% lên hơn 40.000 tỷ đồng (chủ yếu là trái phiếu có kỳ hạn 3 năm và từ 1 đến 2 năm); tiền gửi của các tổ chức tín dụng khác tăng 10% lên hơn 45.500 tỷ đồng.

Về chất lượng nợ vay (không bao gồm hơn 3.800 tỷ đồng cho vay giao dịch ký quỹ của ACBS), trong tổng số nợ 398.420 tỷ đồng, nợ đủ tiêu chuẩn chiếm 98,58%, nợ cần chú ý chiếm 0,4%, nợ dưới tiêu chuẩn và nợ nghi ngờ chiếm 0,22%. Còn lại là nợ có khả năng mất vốn (0,8%, tương đương 3.190 tỷ đồng, tăng 131% so với cùng kỳ 2021).

Tin Cùng Chuyên Mục