Ngày pháp luật

26 năm sống mòn trên “đất vàng” Thanh Đa (Bài 2): Nỗi bức xúc “bị xử lý thiên vị” của những người dân nghèo

Bùi Yên

Ở Dự án Khu đô thị Bình Quới – Thanh Đa, người dân chịu hậu quả nhiều nhất. Bao năm bám trụ trong ngao ngán: “Treo mãi thành quen. Bao nhiêu cuộc họp đều nói có người đầu tư nhưng tới nay có thấy ai đâu”. Nhiều người không chịu được, phải bán bớt phần đất của mình giá rẻ để có tiền sinh sống.

Sống cùng bức xúc

Ông Huỳnh Văn Kỉnh (SN 1954) nói: “Nhà tôi có 4.000 m2 đất. Con cái có gia đình, tôi ngăn nhỏ căn nhà xây từ lâu ra thành nhiều phần, chia mỗi đứa mỗi ô”. Hỏi tại sao đất rộng, không bán bớt lấy tiền mua nhà nơi khác, ông Kỉnh thở dài: “Đất trong khu quy hoạch, bán “chui” rẻ như cho. Có người bán 2 triệu đồng/m2 , có người bán 5 triệu đồng/m2 . Nếu bán, 4.000 m2  của tôi chia đều cho ba đứa con thì có lẽ không mua được nhà ở nơi khác, thành ra tôi bám trụ lại”.

Ông Kỉnh sống bằng nghề nuôi cá, trồng mai, nuôi bò sữa, cuộc sống đắp đổi qua ngày cùng nỗi lo thường trực “không ổn định”, sợ không biết ngày nào sẽ bị giải tỏa.

Ông Mười ở khu phố 3 thì bức xúc: “Quy hoạch cái gì mà mấy chục năm không thấy thực hiện. Vài năm lại mời họp một lần, bảo triển khai dự án, đo nhà, đếm gốc cây để đền bù. Nhưng họp dân xong lại thôi, không thấy tăm hơi đâu. Dân ở đây khổ kể sao xiết. Tất cả tại cái tiếng “quy hoạch” mà nó treo lơ lửng trên đầu chúng tôi. Chính quyền thành phố không quan tâm, không sâu sát với dân ở đây nên có biết dân khổ mức nào”.

Khi được hỏi mong muốn của người dân là tiếp tục quy hoạch hay dừng và bỏ quy hoạch, những người dân được hỏi đều cùng một câu trả lời. Nếu tiếp tục quy hoạch hãy làm thật nhanh, còn nếu không phải bỏ ngay quy hoạch, giải thoát cho dân.

Ông Nguyễn Văn Hồng (SN 1966, ngụ khu phố 3, phường 28) nói: “Chúng tôi đồng ý với quy hoạch vì nó chỉnh trang được đô thị, nhưng quy hoạch treo quá lâu. Nói dân ở đây có đường, có điện, có nước cũng được; nhưng rất tạm bợ, không chắc chắn, không phải cuộc sống của dân đô thị”. 

Ông Mai Văn Ba, Bí thư chi bộ, đồng thời là Trưởng khu phố 3, người có thâm niên 20 năm làm ở khu phố 3 phường 28 trầm ngâm: “Bao nhiêu năm qua, chúng tôi đóng góp đầy đủ các chỉ tiêu. Cơ sở hạ tầng chúng tôi đóng tiền xây dựng. Vậy mà nhìn phường 28 có phải nông thôn hay không? Tôi đề nghị thành phố muốn quy hoạch thì chuyển phường 28 thành xã 28, cho ra ngoại thành”.

26 năm sống mòn trên “đất vàng” Thanh Đa (Bài 2): Nỗi bức xúc “bị xử lý thiên vị” của những người dân nghèo - Ảnh 1
Một căn nhà tạm bợ của người dân bản địa.

Theo ghi nhận, người dân ở đây có nhiều bức xúc. Thứ nhất là về công tác phòng chống lụt bão. Muốn xin xây dựng, sửa chữa lại các đê bao phải mất nhiều thời gian. Các đê có nguy cơ bể rất cao nhưng vẫn chưa có kinh phí sửa chữa.

Vấn đề cấp bách cho cuộc sống người dân ở đây một là làm đê, hai là làm đường. Ở đây dân thiệt đủ điều, ngay cả đường chính đi vào khu phố dân cũng phải đóng góp. Như cây cầu đầu đường, kinh phí hơn 3 tỷ đồng, dân phải đóng góp hơn 1 tỷ đồng.

“Mấy lần họp, tôi cãi tới bến luôn. Tới bây giờ quận mới đồng ý cấp kinh phí 100%. Toàn khu phố 3 chỉ có 2,2 km đường bê tông. Trong đó gần 1km là tiền do dân đóng góp khoảng 30%. Năm 2012, mỗi hộ dân phải đóng góp 200 ngàn đồng.

Điều đó là vô lý nhưng lúc đó dân phải chịu vì đường quá lầy lội. Tiền đóng góp thì không đáng bao nhiêu nhưng đất mà người dân hiến làm đường thì nhiều. Hồi đó, dân không đóng tiền, không hiến đất thì tới giờ chưa chắc có đường bê tông”, ông Ba nói.

Về nước sạch, hiện nay khu phố 3 sử dụng 100%, nhưng đường nước kéo đi chỉ được 50%. Khu phố 3 có 8 tổ nhưng 3 tổ trong sâu, đường nước không vào tới. Công ty nước chỉ kéo ở những đường lớn, còn đường nhỏ, đi sâu vào các vùng thì không có. Người dân muốn dùng phải hùn nhau kéo ống về, chấp nhận hao hụt. Lâu lâu bể ống là đóng thêm 2 – 3 triệu.

Biệt thự trái phép được làm ngơ? 

Theo tìm hiểu, tình trạng đầu cơ đất ở khu vực bán đảo Thanh Đa xuất hiện từ lâu. Nhiều công ty đã mua gom đất ruộng của người dân lên đến vài chục hecta. Việc mua bán chủ yếu bằng giấy tay. Mua để đó cho hoang hóa hoặc san lấp sơ sài bằng xà bần.

Trong hai ngày, PV chứng kiến hàng chục xe ba gác chở đất đá, xà bần xây dựng vào khu vực khu phố 3 để san lấp. Theo người dân, một công ty mua được khu đất lớn nên tiến hành san lấp, làm gì thì không ai biết. 

“Có những nơi san lấp toàn là bằng xà bần người ta xây dựng hoặc sửa chữa không có nơi đổ nên mang vào đây. Thậm chí có cả rác thải sinh hoạt. Tôi phản ánh nhiều lần, phường nói đã kiến nghị lên quận nhưng tới giờ người ta vẫn san lấp ào ào kiểu đó. San lấp đã là sai quy định, lại còn san lấp bằng xà bần, rác thải thì càng sai”, ông Ba bức xúc.

Ông Ba thừa nhận, một số hộ dân sửa lại chuồng heo, chuồng gà hoặc làm nhà tôn cho con cái ở khi cưới vợ cưới chồng vì không được phép xây nhà mới. Trong khi đó một số người “có điều kiện” thì vẫn ngang nhiên xây dựng trái phép. Địa bàn có nhiều dãy trọ xây dựng trái phép. “Có người xây được cả biệt thự trên đất ruộng. Mà biệt thự này được cấp phép xây dựng đàng hoàng mới ghê”, ông Ba nói.

Theo quan sát của PV, tại khu phố 3, căn biệt thự lớn nhất sai phép có diện tích cả ngàn mét vuông, tường cao kín cổng. “Người dân bình thường xin phép xây dựng thì không được. Thậm chí sửa chữa mà không đúng nguyên trạng là bị đình chỉ ngay. Còn biệt thự to vậy mà không thấy chính quyền xử lý”, một người dân bất bình.

26 năm sống mòn trên “đất vàng” Thanh Đa (Bài 2): Nỗi bức xúc “bị xử lý thiên vị” của những người dân nghèo - Ảnh 2
Một căn biệt thự  “mọc lên” một cách khó hiểu tại bán đảo Thanh Đa.

Theo phản ánh, đa số những người xây nhà cửa mới, xây sai quy định là ở nơi khác đến mua đất. Một số khu vực còn có hiện tượng phân lô bán nền ngấm ngầm xảy ra từ nhiều năm qua.  

Trở lại với việc tiếp tục hay bỏ quy hoạch, ông Ba nói: “Nhiều lần tiếp xúc cử tri, tôi nói thẳng: “Dự án treo quá lâu, cuộc sống người dân tạm bợ, bấp bênh vô cùng. Bỏ hay tiếp tục thì thành phố cần làm ngay lập tức. Càng kéo dài, người chịu khổ nhiều nhất là dân chúng tôi.

Điều lo lắng nữa, nếu quy hoạch giải tỏa, thành phố có chính sách nào đảm bảo quyền lợi cho dân hay chưa? Hiện đất ở phường 28 đa số là đất nông nghiệp nếu bồi thường thấp, dân không thể mua đất nơi khác để xây nhà, ổn định cuộc sống. Thành phố cần thực hiện quan điểm Trung ương nêu là làm sao dân bị giải tỏa phải có cuộc sống tốt hơn nơi ở cũ”.

Nhưng đến nay, TP HCM được cho là vẫn đang tìm kiếm nhà đầu tư có năng lực để thực hiện Dự án. Đến bao giờ Khu đô thị Bình Quới – Thanh Đa mới thật sự hình thành, người dân mới chấm dứt cảnh sống “treo”?

Tin Cùng Chuyên Mục