Ngày pháp luật

26 năm sống mòn trên "đất vàng" Thanh Đa (Bài 1): "Đảo hoang" giữa thành phố

Bùi Yên

Hạ tầng, điện, đường tạm bợ; môi trường bị ô nhiễm; nhà cửa lụp xụp; kinh tế kém phát triển. Nhiều người dân chán ngán, chua xót khi có cả ngàn mét vuông, cả mẫu đất nhưng chịu sống cảnh thiếu thốn, nghèo khổ về vật chất và tinh thần trong lòng TP HCM.

26 năm sống mòn trên

Một con đường trong bán đảo Thanh Đa.

Bán đảo Thanh Đa (phường 28, quận Bình Thạnh, TP HCM) được xem là vùng “đất vàng” để phát triển đô thị sinh thái hiện đại. Đất bằng phẳng được bao bọc bởi sông Sài Gòn rộng lớn, hiền hòa tạo nên cảnh trí tuyệt vời nếu được khai thác. Nhưng suốt 26 năm qua, vùng đất này vẫn như nông thôn giữa thành thị.

Làng giữa phố

Dù chỉ cách trung tâm TP HCM chừng 5km, bán đảo Thanh Đa như một ốc đảo, tách biệt với sự nhộn nhịp thường thấy ở phố thị. Chỉ có một con đường độc đạo đi vào bán đảo từ hướng đường Xô Viết Nghệ Tĩnh qua cầu Kinh Thanh Đa. Hoặc người ta có thể vượt sông Sài Gòn bằng con đò nhỏ chỉ chở được người và xe máy từ hướng quận Thủ Đức.

Hai bên đường Bình Quới rộng chừng 8m còn tỏ ra nhộn nhịp của cuộc sống đô thị. Nhưng quẹo vào hẻm 480 đường Bình Quới để đi sâu hơn vào bán đảo, người ta có thể nhận ra ngay sự khác biệt. Hai bên dân cư thưa thớt, con đường đầy “ổ gà” nhỏ dần và không cho phép ô tô đi qua cầu. Nhà cửa thưa thớt, đa phần là nhà gạch đã cũ, xây từ hàng chục năm trước.

Con đường rộng chừng 3m này chỉ kéo dài được 1,7 km. Còn lại những con đường đất chỉ rộng chừng 1m len lỏi khắp bán đảo. Đường được đổ lớp đá gồ ghề, chỉ vừa một chiếc xe ba gác đi lọt. Những con đường được đắp cao hơn những mảnh vườn, ngôi nhà hai bên để không bị ngập. Hai bên là ao nuôi cá, ao sen, dừa nước, vườn mai. Càng đi sâu, đất bỏ hoang càng nhiều, dân cư càng thưa thớt.

Những dãy nhà trọ, những nhà vách tôn tạm bợ được người dân xây dựng để ở hoặc cho thuê. Cuộc sống dường như tách biệt hoàn toàn với Sài Gòn phố thị. Những hộ nuôi heo, nuôi bò xả thải trực tiếp ra vườn ra ao khiến nhiều nơi ai cũng phải chịu cảnh mùi hôi thối. Cây cối, bụi rậm nhiều, nước ngập hàng tháng chưa hết, muỗi và côn trùng bay như mưa.

PV ghé thăm nhà ông Nguyễn Văn Hồng (SN 1966, ngụ khu phố 3, phường 28) cạnh một con rạch. Căn nhà gỗ tạm bợ, cũ kỹ, đã nghiêng hẳn sang một bên. Trong sân đầy những gà vịt, lợn. Bên hông nhà là ao cá. Cả khu vườn rộng chừng 1.000 m2 được bao bọc bởi con đất cao nhằm chống ngập khi nước triều lên.

Ông Hồng kể: “Gia đình tui sống ở đây từ mấy đời trước. Cha mẹ chia cho tui được hơn 1.000 m2, trong đó có 300 m2 đất thổ cư. Căn nhà gỗ này được làm từ năm 1990 tới giờ. Nhà nghiêng nhưng mới đây tui ra phường xin xây mới thì họ không cho. Họ nói là còn trong quy hoạch. Tui mà xây thì “hên xui”, chính quyền không biết thì thôi chứ biết là họ vào cấm ngay. Bỏ tiền xây nhà mà cái kiểu “hên xui” vậy, thấy không chắc ăn nên tui cứ để mặc kệ”.

Ông Hồng đang là hộ cận nghèo vì nhà có hai vợ chồng già, bà vợ thì đau ốm thường xuyên. Lúc trước, ông Hồng còn sức còn làm ruộng, trồng lúa. “Giờ già rồi, có làm gì được đâu. Với lại làm ruộng phải làm đồng bộ, làm một vài người chuột cắn phá hết. Ở nhà, tui nuôi được con gà thì bán con gà, còn lại mấy đứa con làm công nhân phụ thêm”, ông Hồng nói.

26 năm sống mòn trên

Người ta có thể gặp những căn nhà lụp xụp như thế này ở khắp Thanh Đa.

Nói về sinh hoạt, ông Hồng kể, điện thì mới có từ năm 2000 đến nay. Lúc đầu, dân tự kéo bằng trụ gỗ, sau đó Nhà nước mới đầu tư dựng trụ bê tông. Còn nước sạch có từ năm 2010 nhưng đường ống chỉ dừng lại ở ngã ba đầu đường cách nhà ông Hồng chừng 500m.

Để có nước sạch sử dụng, ông Hồng cùng mấy chục hộ dân xung quanh góp tiền tự mua đường ống kéo nước vào. Lúc đó, ông Hồng góp khoảng 1 triệu đồng mới có nước sạch vào tận nhà. Còn trước năm 2010, dân ở bán đảo dùng nước mưa hoặc tự khoan giếng.

Do đường ống tự phát kéo đi xa, lượng nước thất thoát lớn khiến giá thành một khối nước càng cao. “Đường ống xuống cấp bị xì hoặc ai đó vô tình làm bể mà mình không biết. Đến lúc phát hiện thì nước chảy ra ngoài bao nhiêu kể xiết. Tiền nước thất thoát đó mình cũng phải trả. Thành ra dùng thì ít mà trả tiền thì nhiều”, ông Hồng nói.

“Khổ hơn rừng núi” 

Đất ông Hồng chỉ mới đăng ký kê khai chứ chưa được cấp sổ đỏ. Ông Hồng có ba người con, đứa con đầu lòng lấy vợ ra riêng. “Lúc đó, việc xây dựng nhà không nghiêm như bây giờ. Tôi chia phần đất thổ cư cho vợ chồng nó. Không có tiền, lại sợ quy hoạch người ta giải tỏa nên chỉ xây cái nhà nhỏ như phòng trọ để có chỗ sinh hoạt”, ông Hồng kể.

Tình cảnh ấy chưa ngán ngẩm bằng con trai của ông Mười, ngụ khu phố 3. Vợ chồng ông Mười được cha mẹ để lại vài ngàn mét vuông đất gồm 500 m2 thổ cư và đất nông nghiệp. 

Con trai ông Mười cưới vợ, không thể xin phép xây mới được nhà vì “vướng quy hoạch”. Buộc lòng ông Mười phá cái chuồng heo cũ, xây cao thêm một bên tường, còn các bên còn lại vẫn phải che tôn. Lợp lại mái mới, lót gạch nền nhà, vợ chồng con trai ông Mười ra ở riêng trên “chuồng heo” cải tạo.

“Ở đây, chuồng heo sửa chữa thành nhà để ở, cho thuê thiếu gì. Không được xây mới thì dân tận dụng. Nói là tận dụng nhưng thực ra trái luật. Chính quyền không biết chứ không họ cũng phạt, cũng đình chỉ xây dựng. Kế bên là đất của anh ruột tôi. Con trai ảnh cưới vợ nhưng cũng không xin phép xây được nhà mới. Ảnh mới làm nhà tôn, khung sắt cho vợ chồng nó ở. Trời nắng thì nóng như cái lò lửa, trời mưa thì ngập. Ở đây mang tiếng là thành phố nhưng còn khổ, còn tệ hơn vùng rừng núi”, ông Mười nói.

Trước nhà ông Mười, con đường nát bươm, đầy “ổ gà, ổ voi”. Càng đi sâu vào, đường còn nhỏ, càng u tối. Cư dân gốc gác ở đây đa số đều có vài ngàn mét vuông đất, thậm chí vài mẫu đất. Nếu không có quy hoạch treo, những người dân nơi đây có thể là đại gia, tỷ phú.

Nhưng chính vì quy hoạch treo, không mua bán được, thành ra họ sống lay lắt bằng đủ thứ nghề. Sống trên “đất vàng” nhưng chịu cảnh nghèo khổ, thiếu thốn đủ điều.

Ông Mười làm thợ hồ, mấy đứa con ông đều là công nhân. Lương ba cọc ba đồng đủ sống qua ngày. “Nhìn sang bên kia Thủ Đức hoặc Bình Thạnh nhưng bên kia sông Sài Gòn thấy mà ham. Đất ở đó trăm triệu một m2. Còn ở đây, có bán được cũng bán giá rẻ. Có người hỏi mua nhưng giá từ 2 – 4 triệu đồng/m2 thôi.

Có nơi nào ở TP HCM đất rẻ như đây không. Đất rẻ là do quy hoạch treo, chứ người ta thực hiện xong dự án, bán vài trăm triệu m2. Chỉ có dân là thiệt đơn, thiệt kép vì quy hoạch treo. “Đất vàng”, đất kim cương đâu chưa thấy, chỉ thấy thiếu thốn đủ điều”, ông Mười nói.

(Còn tiếp)

26 năm quy hoạch “treo”

Dự án Khu đô thị Bình Quới – Thanh Đa có diện tích 427 ha nằm trọn trong phường 28, quận Bình Thạnh, được UBND TP HCM phê duyệt từ năm 1992. Đến năm 2004, dự án này được giao cho Tổng Công ty Xây dựng Sài Gòn nhưng đơn vị này không triển khai được. Đến năm 2010, chính quyền thành phố thu hồi quyết định.

Sau đó, một đơn vị trong nước khác được UBND TP HCM giao thực hiện điều chỉnh quy hoạch 1/2.000. Cuối năm 2015, Liên danh Tập đoàn Bitexco và Emaar Properties PJSC (Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống Nhất) được UBND TP HCM chỉ định là nhà đầu tư dự án khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa với tổng vốn khoảng 30.700 tỷ đồng.

Nhưng sau đó, Emaar Properties PJSC đã rút lui. Sau 26 năm được phê duyệt, đến nay Khu đô thị Bình Quới – Thanh Đa vẫn chưa có dấu hiệu tiến triển khả quan.

Tin Cùng Chuyên Mục