Chiến tranh giữa các "vì sao" trong ngành F&B
Năm 2018, hai thương hiệu Ovaltine (của FrieslandCampina) và Milo (của Nestlé) đã có những sự đối đầu trực diện khi slogan của các chiến dịch marketing cả hai bên đưa ra đều có ý công kích tới phía đối phương.
Câu chuyện được bắt đầu khi Milo ra mắt chiến dịch truyền thông "Nhà vô địch" thì Ovaltine cũng tung ngay một loạt ấn phẩm ngầm đá xoáy vào thông điệp của đối thủ. Ngay tại ngã tư có biển hiệu của Milo, Ovaltine đáp trả bằng biển hiệu rực rỡ "Chẳng cần vô địch, chỉ cần con thích", kèm theo hình ảnh người mẹ đang chỉ tay về phía "đối thủ".
Không chỉ dừng lại ở tấm biển quảng cáo, trên trang mạng xã hội chính thức, nhãn hiệu Ovaltine tung loạt poster thể hiện rõ thông điệp trái ngược với Milo.
"Mặc 'con nhà người ta' luôn mòn mỏi luyện tập và tranh đấu để giành ngôi vô địch, mẹ chỉ cần 'con nhà mình' luôn sẵn sàng năng lượng để thoả sức làm điều con thích", nhãn hiệu này nêu. Các chiến dịch marketing sau này vẫn bám lấy slogan trên khiến cả hai công ty chuẩn bị lao vào một cuộc chiến pháp lý.
Ông chủ Ovaltine và Cô gái Hà Lan lợi nhuận sụt giảm
Nhãn hiệu sữa Dutch Lady – Cô Gái Hà Lan vốn thuộc sở hữu của Công ty TNHH FrieslandCampina Việt Nam. Đây là công ty liên doanh giữa Công ty xuất nhập khẩu Bình Dương (Protrade Corp) và Royal FrieslandCampina, tập đoàn sữa của Hà Lan.
FrieslandCampina được thành lập từ tháng 6/2008 với số vốn điều lệ tính tới thời điểm hiện tại là 295 tỷ đồng. Trong đó Protrade Corp nắm giữ 30% cổ phần. 70% cổ phần còn lại thuộc sở hữu của FrieslandCampina Vietnam Holding.
Nhìn lại kết quả kinh doanh trong 4 năm gần đây, doanh thu và lợi nhuận của FrieslandCampina có dấu hiệu sụt giảm. Trong năm 2016 và 2017, doanh thu thuần của doanh nghiệp đạt lần lượt là 7.152 tỷ đồng và 7.290 tỷ đồng, lãi thuần lần lượt đạt 1.147 tỷ đồng và 809 tỷ đồng.
Tuy nhiên, trong 2 năm gần đây, kết quả kinh doanh của công ty này có phần sụt giảm. Năm 2019, doanh thu thuần của FrieslandCampina chỉ đạt 6.632 tỷ đồng, trong khi lãi thuần 758 tỷ đồng, ít hơn so với mức 792 tỷ đồng của 2018.
Tính đến cuối năm 2019, tổng tài sản của FrieslandCampina Việt Nam đạt 2.611 tỷ đồng, tăng 6% so với đầu năm. Vốn chủ sở hữu giảm nhẹ, còn 1.055 tỷ đồng. Bên cạnh thương hiệu Dutch Lady, Friesland Campina còn là chủ của một số sản phẩm sữa khác như Fristi, Yomost và đặc biệt là Ovaltine - nhãn hàng từng là nhân vật chính trong chiến dịch marketing đầy tranh cãi cách đây 2 năm.
Ước mơ "Nhà vô địch" của ông chủ Milo
Không lạ khi nhắc tới Ovaltine, người ta thường nghĩ ngay tới Milo. Cùng cung cấp sản phẩm đồ uống bổ dưỡng có vị na ná và là đối thủ trực tiếp của nhau, thương hiệu sữa Milo thuộc sở hữu của Nestlé, một tập đoàn đến từ Thụy Sĩ với lịch sử lâu đời, đã từng tới Việt Nam từ năm 1912 với văn phòng đại diện đầu tiên đặt ở Sài Gòn.
Đến năm 1995, tập đoàn đã thành lập Công ty TNHH Nestlé Việt Nam, khởi công xây dựng nhà máy sản xuất sữa của công ty đặt tại Khu công nghiệp Biên Hoà II, tỉnh Đồng Nai. Hiện tại, Nestlé sở hữu tới 6 nhà máy sữa tại Việt Nam, cung cấp hàng loạt các sản phẩm sữa, bánh kẹo, kem, cà phê, nước uống đóng chai... cho thị trường Việt Nam.
Trong bốn năm gần đây, doanh thu hàng năm của Nestlé Việt Nam luôn đạt trên 10.000 tỷ, vượt trội hẳn so với đối thủ FrieslandCampina Việt Nam.
Trong năm 2016 và 2017, doanh thu thuần của Nestlé Việt Nam đạt 11.493 tỷ đồng và 13.154 tỷ đồng, lợi nhuận thuần tương ứng đạt 1.107 tỷ đồng và 1.197 tỷ đồng. Năm 2019, với doanh thu 15.967 tỷ đồng, công ty ghi nhận lợi nhuận 1.844 tỷ đồng, tăng trưởng tới 22% so với năm 2018.
Tính đến hết năm 2019, tổng tài sản của Nestlé Việt Nam đạt 8.281 tỷ đồng, giảm 6% so với thời điểm đầu năm, vốn chủ sở hữu tăng 12% lên mức 3.106 tỷ đồng.
Trong báo cáo của Công ty cổ phần Chứng khoán SSI, trong nửa đầu năm 2020, tiêu thụ sữa chiếm 12% tổng sản lượng hàng tiêu dùng nhanh, tương đương năm 2019.
Giữa bối cảnh tác động của dịch Covid-19 nhiều ngành hàng gặp khó khăn nhưng sản lượng tiêu thụ sữa vẫn không bị sụt giảm. Những ông lớn ngành sữa đang chiếm lĩnh thị trường như Friesland Campina Việt Nam, Vinamilk, Nestlé Việt Nam và TH Truemilk... vẫn ăn nên làm ra.