Ngày pháp luật

16 ngân hàng đã giảm lãi cho vay gần 16.000 tỷ đồng

Thành Trung

Từ 15/7 đến 31/10, theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, tổng số tiền lãi giảm lũy kế của 16 ngân hàng là khoảng 15.559 tỷ đồng, đạt 75,48% so với cam kết.

Thực hiện Nghị quyết 63 của Chính phủ, chỉ đạo của Ngân hàng Nhà Nước (NHNN), 16 ngân hàng thương mại đã đồng thuận (thông qua Hiệp hội ngân hàng) giảm lãi suất cho vay áp dụng từ 15/7 đến hết năm 2021 với tổng số tiền lãi giảm cho khách hàng ước tính 20.613 tỷ đồng.

Riêng 4 ngân hàng thương mại Nhà nước tiếp tục cam kết dành riêng gói hỗ trợ 4.000 tỷ đồng để giảm lãi suất, giảm 100% các loại phí dịch vụ ngân hàng trong thời gian giãn cách cho khách hàng tại các địa phương đang thực hiện cách ly toàn xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.

16 ngân hàng đã giảm lãi cho vay gần 16.000 tỷ đồng - Ảnh 1

Trong số 16 ngân hàng triển khai các cam kết, Agribank giảm số tiền lãi cho khách hàng là 4.996 tỷ đồng, với tổng giá trị nợ được giảm lãi suất là gần 1,3 triệu tỷ đồng cho gần 3,2 triệu khách hàng.

Tiếp theo là Vietcombank, với tổng số tiền lãi đã giảm cho khách hàng là 3.055 tỷ đồng, tổng giá trị nợ được giảm lãi suất là trên 1,14 triệu tỷ đồng cho 236.403 khách hàng.

Đứng thứ ba là BIDV, có tổng số tiền lãi đã giảm cho khách hàng là 2.739 tỷ đồng, với tổng giá trị nợ được giảm lãi suất là trên 1,21 triệu tỷ đồng cho 407.603 khách hàng. VietinBank có số tiền lãi đã giảm cho khách hàng là 1.873 tỷ đồng, với tổng giá trị nợ được giảm lãi suất là gần 1,71 triệu tỷ đồng cho 685.573 khách hàng…

Thống đống NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm khoảng 1,66% so với trước dịch. Từ khi có dịch đến nay, các tổ chức tín dụng đã giảm lãi suất với tổng mức khoảng 30.000 tỷ đồng và tiếp tục thực hiện giảm đến cuối năm. Bên cạnh đó, hệ thống ngân hàng cũng đã thực hiện giảm phí, với mức giảm hơn 2.000 tỷ đồng cho các khách hàng. Bằng việc giảm lãi suất đã giúp giảm chi phí đầu vào của doanh nghiệp và người dân.

Tuy nhiên, vẫn phải bảo đảm an toàn của từng tổ chức tín dụng, cũng như toàn hệ thống để tránh tác động lan truyền. Đồng thời, tích cực phối hợp với các bộ, như Bộ Tài chính, Bộ KH&ĐT để tính toán những gói hỗ trợ lãi suất với quy mô, phạm vi, liều lượng hợp lý, trên cơ sở vẫn phải giữ ổn định kinh tế vĩ mô, phòng ngừa những rủi ro lạm phát, rủi ro đối với an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng trong thời gian tới.

Tin Cùng Chuyên Mục