Trong số 12 dự án/doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công Thương được đề cập đến để xem xét, đánh giá, có 4 dự án đầu tư sản xuất phân bón: Nhà máy sản xuất đạm Ninh Bình; Nhà máy sản xuất đạm Hà Bắc; Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 1 - Hải Phòng; Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2 - Lào Cai.
Bên cạnh đó, có 3 dự án đầu tư sản xuất nhiên liệu sinh học (NLSH) là: Nhà máy NLSH Quảng Ngãi; Nhà máy NLSH Phú Thọ; Nhà máy NLSH Bình Phước.
Các dự án còn lại có 2 dự án đầu tư sản xuất thép là Nhà máy thép Việt Trung và Dự án mở rộng giai đoạn 2 Nhà máy Gang thép Thái Nguyên, cùng với Nhà máy sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ (PVTex), Công ty TNHH Một thành viên Công nghiệp tàu thủy Dung Quất (DQS) và Nhà máy sản xuất bột giấy Phương Nam.
Theo báo cáo, tổng mức đầu tư ban đầu của 12 dự án trên là: 43.673,63 tỷ đồng, và sau đó được phê duyệt điều chỉnh tăng lên: 63.610,96 tỷ đồng (tăng 45,65%). Trong đó: Vốn chủ sở hữu là 14.350,04 tỷ đồng, chiếm 22,56%; Vốn vay là: 47.451,24 tỷ đồng, chiếm 74,6%; còn lại 2,84% là từ các nguồn khác.
Trong đó, tổng số vốn vay từ các ngân hàng trong nước là 41.801,24 tỷ đồng, gồm vay Ngân hàng phát triển Việt Nam (VDB) là 16.858,63 tỷ đồng và vay nước ngoài có bảo lãnh của Chính phủ là: 6.617,24 tỷ đồng.
Tổng số lỗ luỹ kế của 10 nhà máy đang sản xuất hoặc đã dừng sản xuất tới thời điểm 31/12/2016 là: 16.126,02 tỷ đồng, trên tổng số vốn chủ sở hữu của các nhà máy này còn lại là: 3.985,14 tỷ đồng.
Tổng tài sản của 12 nhà máy là: 57.679,02 tỷ đồng. Tổng nợ phải trả là 55.063,38 tỷ đồng, trong đó nợ phải trả VDB là 10.633,43 tỷ đồng và nợ phải trả nước ngoài có bảo lãnh của Chính phủ là: 4.299,83 tỷ đồng.
Tổng số vốn đã giải ngân của 3 dự án dở dang, đang bị dừng thi công là 8.614 tỷ đồng, trên tổng nguồn thanh toán dự kiến là 13.066 tỷ đồng.
5 dự án nghìn tỷ của nhà nước đã hoạt động không hiệu quả cả thời gian dài (Ảnh: Bộ Công Thương).
Trước việc thua lỗ kéo dài, dẫn đến tình trạng nguy cơ thâm hụt ngân sách nhà nước sẽ tiếp tục gia tăng, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đề nghị các thành viên Ban chỉ đạo cần làm rõ các vấn đề liên quan đến khó khăn, vướng mắc và nhất là những kết quả cụ thể của từng dự án, doanh nghiệp.
Trong đó, cần xem xét cụ thể các vấn đề vướng mắc pháp lý về tổng thầu EPC, các giải pháp tháo gỡ các tranh chấp các hợp đồng giữa chủ đầu tư với nhà thầu, tổng thầu, có yếu tố nước ngoài, đầu tư nào còn hay không còn phù hợp, để qua đó Chính phủ sẽ có những hướng xử lý đối với từng dự án, cũng như quy trách nhiệm đúng cho cơ quan, doanh nghiệp để xảy ra sai phạm.
“Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án 1468, nhưng qua báo cáo của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, một số phương án đã hoàn thành hướng xử lý bước đầu. Tuy nhiên, đến thời điểm này các bước triển khai tiếp theo sẽ không còn phù hợp và khó mang tính khả thi” - Phó Thủ tướng nhận định.
Vì vậy, Phó Thủ tướng yêu cầu xem dự án nào có khả năng phục hồi và dự án nào không thể phục hồi. Đối với những dự án có khả năng phục hồi thì cần xem xét kỹ cách thức xử lý, hỗ trợ phù hợp hoặc liên kết với các doanh nghiệp, đơn vị có khả năng để tái cơ cấu mà quay lại hoạt động.
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cho biết, quan điểm nhất quán của Bộ Chính trị, Quốc hội là kiên quyết không cấp thêm vốn vào các dự án, doanh nghiệp này. “Vì vậy, cần phải xem xét các mức độ thiệt hại như thế nào để có biện pháp xử lý đúng, chúng ta thu hồi lại vốn còn hơn là chúng ta phải để đó xử lý, nhưng càng xử lý càng mất vốn thì không được” - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.