Trong phong tục người Việt làm mỗi dịp Tết Nguyên Đán, tắm lá mùi già vào ngày 29 - 30 tháng Chạp được cho là nét đẹp văn hóa mà nhiều gia đình duy trì đến nay.
Nhưng vì sao lại là lá mùi già mà không phải loại lá khác?
Quan niệm của người xưa cho rằng, việc tắm lá mùi già vào ngày cuối năm là để xua tan chuyện không vui, trút bỏ những điều chưa toại nguyện, chưa vẹn tròn trong suốt một năm cũ, từ đó sẵn sàng đón nhận niềm vui trong năm mới.
Cây mùi được chọn để nấu nước tắm phải là loại mùi già đã trổ hoa, kết trái, thân cây đã chuyển từ màu xanh sang nâu tía. Khi đun lá mùi già lên cho mùi thơm ngan ngát, cay cay, rất riêng biệt. Có lẽ bởi vậy mà hương thơm của lá mùi già đọng lại rất lâu.
Nước thơm của hoa mùi không chỉ giúp cho con người chúng ta được sạch sẽ, mà còn giúp tinh thần thêm sảng khoái, hết mệt mỏi.
Nhiều người lý giải rằng, lá mùi có vị cay, tính ấm, có tác dụng lưu thông khí huyết, giải tỏa căng thẳng thần kinh, phục hồi sức khỏe nên hương của lá cây mùi còn tạo cảm giác tinh khiết, nhẹ nhàng và vô cùng dễ chịu.
Chưa hết, loại cây này còn có tính sát khuẩn tốt. Tinh dầu rau mùi chứa chất chống oxy hóa cao, có tác dụng giảm viêm trong trường hợp nhiễm vi trùng đường hô hấp, tiêu hóa... Do đó, tắm nước đun từ hạt hoặc lá mùi có tác dụng làm cho sạch da, chống viêm nhiễm.
Để có được nồi nước thơm tắm cho cả nhà, bó lá mùi được rửa sạch sẽ, không để nát lá rồi cho vào nồi nước đun. Chỉ cần 2 bó cũng đủ để có nồi nước tắm to, mùi hương nhẹ nhàng, dễ chịu, dùng cho cả nhà.
Hương thơm của lá mùi không chỉ thơm, giúp sảng khoái mà còn khiến mỗi người vấn vương nhớ về mùi hương của cội nguồn, quê hương mình.