Ngày pháp luật

Xuất nhập khẩu Việt Nam 2024: Bức tranh đầy sắc màu

Tâm Anh

Ngay trong quý I/2024, lĩnh vực xuất nhập khẩu (XNK) Việt Nam đã có những tín hiệu đáng mừng với cán cân thương mại xuất siêu tăng cao. So với năm 2023, bức tranh thị trường xuất khẩu (XK) của doanh nghiệp Việt đã có dấu hiệu khởi sắc, sức mua tăng, nhiều hiệp định thương mại cũng đang phát huy vai trò đắc lực trong hoạt động XNK. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn cần cẩn trọng với các nguy cơ tiềm ẩn và có chiến lược định hướng hiệu quả để có thể tiếp tục phát huy đà tăng trưởng này.

Tín hiệu tích cực…

Hoạt động sản xuất và XK của Việt Nam tiếp đà hồi phục từ cuối năm ngoái, qua đó, tạo tín hiệu tích cực cho nền kinh tế. Từ đầu năm đến nay, ngoài nhóm nông, lâm sản có mức tăng khá, nhóm hàng công nghiệp chế biến chế tạo như điện thoại, máy tính, máy móc thiết bị cũng có sự bứt phá rõ rệt.

Xuất nhập khẩu Việt Nam 2024: Bức tranh đầy sắc màu - Ảnh 1

Theo Tổng cục Hải quan, tính từ đầu năm đến ngày 15/3, quy mô kim ngạch XNK của nước ta đạt 145,6 tỷ USD. Trong đó, XK đạt gần 75,9 tỷ USD, nhập khẩu đạt 69,7 tỷ USD, cán cân thương mại đạt thặng dư 6,2 tỷ USD. Trong 2 tháng đầu năm 2024, có tới 39/45 mặt hàng tăng trưởng so với cùng kỳ năm ngoái. Kim ngạch XK của nhiều nhóm sản phẩm công nghiệp chế biến đạt mức tăng trưởng cao, thậm chí tăng ở mức hai con số, trong đó các mặt hàng XK chủ lực như: Gỗ và sản phẩm gỗ tăng tới 43,8%; Sắt thép tăng 45,4%; Giày dép tăng 18,3%; Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 33,9%; Hàng dệt may tăng 15%...

Đặc biệt, điện thoại các loại và linh kiện là mặt hàng đứng đầu về kim ngạch XK, ước đạt 9,58 tỷ USD, tăng 4,1% so với cùng kỳ năm ngoái; Tiếp đến là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, ước đạt 9,54 tỷ USD, tăng tới 33,9% so với cùng kỳ năm ngoái.

XK tới các thị trường lớn phục hồi, trong đó Hoa Kỳ vẫn là thị trường XK lớn nhất của nước ta, tăng 33,7% so với cùng kỳ năm trước; Tiếp đến là Nhật Bản ước tăng 19,6%; EU ước tăng 14,2%, Trung Quốc ước tăng 7,7%...

Có thể thấy, sự khởi đầu thuận lợi ngay từ các tháng đầu năm với việc các đơn hàng gia tăng, các doanh nghiệp tăng tốc sản xuất để kịp tiến độ XK đã mở ra tín hiệu tích cực và mang tới kỳ vọng cho XK hàng hóa Việt Nam trong năm 2024. Tuy nhiên, để XNK Việt Nam thực sự bứt phá, các cơ quan chức năng cũng như doanh nghiệp vẫn cần có chiến lược định hướng, phát triển từng bước và hiệu quả hơn nữa để đạt được mục tiêu 377 tỷ USD đã đề ra.

Vẫn còn những “nút thắt”

Bà Lê Hằng - Giám đốc Truyền thông Hiệp hội chế biến và XK thuỷ sản Việt Nam (VASEP) nhận định: Hiện nay, giá sản xuất của phần lớn các công ty thuỷ hải sản nói riêng và doanh nghiệp Việt Nam nói chung vẫn đang phụ thuộc khá nhiều từ nguyên liệu đầu vào nhập khẩu của nước ngoài. Bởi vậy, với tình hình vận chuyển khó khăn, giá thành nguyên liệu nhập khẩu tăng cao cũng tác động tới giá thành phẩm XK của doanh nghiệp Việt Nam. Bên cạnh đó, cùng với thời gian dài kinh doanh cầm cự, nhiều hộ nông dân, nhà sản xuất nhỏ lẻ đang lâm vào tình trạng thiếu vốn để đầu tư sản xuất. Do đó, doanh nghiệp đang kỳ vọng vào các gói hỗ trợ của Nhà nước, ví dụ như gói 15.000 tỷ đồng vào năm 2023 và tiếp tới là gói 30.000 tỷ đồng, để phần nào trợ giúp cho sự hồi phục của doanh nghiệp. 

Bà Lê Hằng - Giám đốc Truyền thông Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP)
Bà Lê Hằng - Giám đốc Truyền thông Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP)

Đồng quan điểm với bà Lê Hằng, bà Nguyễn Hồng Nhung - CEO Công ty TNHH Coco Lighting Việt Nam cho biết: “Tôi thấy rằng thị trường XNK Việt Nam vài năm qua  tương đối ảm đạm do ảnh hưởng của Covid-19, sản lượng XNK thấp ảnh hưởng rất nhiều đến tiến độ các công trình nói chung, với nhiều lý do như khan hiếm nguyên vật liệu, thiếu nhân công tại các nhà máy, dòng tiền và việc chờ đợi gom hàng đủ container... Tuy nhiên từ nửa cuối năm 2023 đến đầu năm 2024, theo quan sát của tôi thì tình hình có vẻ khởi sắc hơn, sản lượng nhập khẩu tăng, tốc độ vận chuyển nhanh lên đáng kể, gần đạt tốc độ trước dịch bệnh”.

Ông Bùi Văn Hà - Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Vina Electric chia sẻ: Trong suốt thời gian vừa qua, mặc dù các lĩnh vực kinh doanh khác đã phải chịu nhiều tác động nặng nề thì việc kinh doanh của ngành điện vẫn phát triển khá tốt. Một phần vì các thị trường hướng tới của doanh nghiệp đều có thể vận chuyển bằng đường bộ nên không bị ảnh hưởng nhiều từ việc tăng giá vận chuyển đường thuỷ.

Bà Nguyễn Hồng Nhung - CEO Công ty TNHH Coco Lighting Việt Nam .
Bà Nguyễn Hồng Nhung - CEO Công ty TNHH Coco Lighting Việt Nam .

“Những chính sách về XNK của Chính phủ Việt Nam trong nhiều năm gần đây đã tạo rất nhiều điều kiện cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế trong quá trình hoạt động của các doanh nghiệp XNK Việt Nam như sau: Các thủ tục hành chính thường xuyên thay đổi dẫn đến doanh nghiệp lúng túng trong khi làm thủ tục XNK, vô tình gây ảnh hưởng đến tiến độ; Việc tăng thuế nhập khẩu và thắt chặt ưu đãi về thuế nhập khẩu với một số ngành hàng cũng là sự khó khăn cho doanh nghiệp chưa kịp phục hồi. Hy vọng trong thời gian tới các thủ tục về XNK sẽ được chuẩn hóa hơn nữa và có thêm các chính sách giảm thuế nhập khẩu và ưu đãi để các doanh nghiệp có cơ hội phát huy và nâng cao sản lượng”.

Bà Nguyễn Kim Dung - CEO Công ty Đầu tư và Công nghệ Đại Cát Tường .
Bà Nguyễn Kim Dung - CEO Công ty Đầu tư và Công nghệ Đại Cát Tường .

“Để giúp doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận thị trường hơn, chúng ta phải:

Thứ nhất, thực hiện đồng bộ các biện pháp nhằm nâng cao chất lượng hàng hóa XK tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu thông qua việc tăng cường đầu tư phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ. Ða số các mặt hàng XK chủ yếu của Việt Nam phụ thuộc vào nguồn nguyên vật liệu nhập khẩu đầu vào. Vì vậy, phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ là một trong những biện pháp quan trọng để giảm nhập khẩu nguyên vật liệu và phụ kiện, nâng cao sức cạnh tranh của hàng XK, đồng thời tạo điều kiện thu hút nguồn vốn nước ngoài.

Thứ hai, thực hiện kết nối cung - cầu lao động để tạo nguồn lao động đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp sản xuất hàng XK. Đồng thời, tăng cường thu hút đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, dịch vụ phục vụ hoạt động kinh doanh XK. Cùng với đó, nâng cao hiệu quả chương trình xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư phù hợp với hoàn cảnh mới. 

Thứ ba, tăng cường cảnh báo sớm các vụ kiện phòng vệ thương mại; Hướng dẫn doanh nghiệp cách ứng phó với các vụ kiện; Kịp thời thông tin cho doanh nghiệp, Hiệp hội về nhu cầu, quy định mới... của thị trường.

Thứ tư, đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử - marketing online hướng tới thị trường thương mại hóa toàn cầu”.

Tin Cùng Chuyên Mục