Ngày pháp luật

Xử lý ra sao khi món vay thuộc nhóm nợ xấu?

Minh Hiếu

Nếu thuộc nhóm 2 - nợ cần chú ý - thì người vay nên chuẩn bị sẵn một số loại giấy tờ nhằm “thuyết phục” tổ chức tín dụng phê duyệt khoản vay, trong đó quan trọng nhất là chứng từ xác nhận đã tất toán các khoản vay trước, giấy xác nhận không phát sinh nợ quá hạn và bảng sao kê tín dụng... để làm căn cứ vay mới.

5 nhóm nợ xấu và đâu là nhóm nợ “nhạy cảm” nhất?

Anh D.P.K là tài xế xe ôm công nghệ, tạm trú tại quận Thanh Xuân (Hà Nội). Anh K có một khoản nợ với một ngân hàng có hội sở tại TP HCM. Trong thời gian dịch Covid-19, anh trễ hạn một chu kỳ trả nợ khoảng 10 ngày nhưng sau đó đã hoàn thành nghĩa vụ trả nợ vào cuối năm 2022.

Giữa năm 2023, do có việc đột xuất, anh K cần tiếp tục vay vốn nhưng bị ngân hàng từ chối và thông báo anh bị xếp vào diện nợ xấu nhóm 2. Anh K hoang mang, thậm chí đi hỏi nhiều người liệu khi bị cho vào diện nợ xấu có ảnh hưởng gì nhiều, thậm chí có bị truy tố hay không?

Hiểu một cách đơn giản, khi ngân hàng hay công ty tài chính cho ai đó vay tiền mà người ấy không trả gốc và lãi đúng hạn thì họ sẽ liệt vào danh sách nợ xấu. Thông tin nợ xấu này sẽ được cập nhật lên Trung tâm Thông tin Tín dụng Quốc gia (CIC) thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Xử lý ra sao khi món vay thuộc nhóm nợ xấu? - Ảnh 1

Lúc này, khách hàng sẽ rất khó hoặc thậm chí là không thể vay tiền từ các ngân hàng, công ty tài chính khác tại Việt Nam. Việc bị liệt kê vào danh sách nợ xấu gần như là một “cơn ác mộng” đối với những người thường xuyên cần vay vốn. Ngay cả khi trả hết các khoản nợ xấu thì ít nhất cũng phải mất 12 tháng, người đi vay mới được xóa lịch sử nợ xấu và có thể vay tiền từ các tổ chức tín dụng.

Nếu thuộc nhóm nợ xấu thứ nhất, việc vay vốn tương đối dễ dàng. Nếu thuộc nhóm 2 - nợ cần chú ý - thì người vay nên chuẩn bị sẵn một số loại giấy tờ nhằm “thuyết phục” tổ chức tín dụng phê duyệt khoản vay, trong đó quan trọng nhất là chứng từ xác nhận đã tất toán các khoản vay trước, giấy xác nhận không phát sinh nợ quá hạn và bảng sao kê tín dụng, bảng lương hoặc giấy tờ chứng minh thu nhập ổn định… để làm căn cứ làm việc với đơn vị cho vay mới.

Nếu lịch sử thanh toán ghi nhận khách hàng trong 12 tháng không thanh toán trễ hạn quá 3 lần, mỗi lần không nhiều hơn 10 ngày hoặc không lặp lại 2 kỳ liên tiếp cũng là một lợi thế giúp dễ vay tiền hơn.

Về pháp lý, hiện nay pháp luật không có quy định việc truy tố người có nợ xấu nên cơ bản đây vẫn là “việc riêng” của các tổ chức tín dụng với khách hàng. Tuy nhiên, nếu các ngân hàng, tổ chức tín dụng nhận thấy khách hàng nợ xấu có dấu hiệu lừa đảo, chiếm đoạt tài sản thì có thể gửi hồ sơ lên cơ quan chức năng để đề xuất điều tra, can thiệp.

Trong quá trình tiếp nhận, xử lý hồ sơ trên, nếu nhận thấy những dấu hiệu hình sự, cơ quan công an sẽ xử lý theo quy định của pháp luật, thậm chí có thể bắt giam, truy tố. Trong trường hợp của anh D.P.K, rất có thể anh chỉ thuộc diện khách hàng nợ xấu nhóm 2, cần chuẩn bị một số hồ sơ, giấy tờ cần thiết để tiếp tục vay vốn ngân hàng chứ không đến ngưỡng bị điều tra, truy tố về nợ xấu.

Lưu ý, với những người được xác định là nhóm nợ xấu 2 sẽ không thể vay bằng tín chấp mà chỉ có thể vay thế chấp. Những người thuộc nhóm nợ xấu thứ 3 trở lên gần như không thể vay vốn từ các tổ chức tín dụng như ngân hàng, các công ty tài chính. Khi thực sự cần vay vốn, họ chỉ có thể tìm kiếm sự hỗ trợ từ bạn bè, người thân hoặc từ các loại hình cung cấp tài chính cho người dưới chuẩn như vay cầm đồ.

Tin Cùng Chuyên Mục