Ngày pháp luật

Xiaomi đạt lợi nhuận kỷ lục nhưng vẫn lo ngại về nguy cơ thiếu chip

Như Quỳnh

Dù đã chuẩn bị đủ linh kiện để sản xuất 240 triệu chiếc điện thoại thông minh trong năm 2021, Xiaomi vẫn lo ngại nguy cơ sản xuất bị ảnh hưởng do tình trạng thiếu chip toàn cầu.

Nhà sản xuất điện thoại thông minh Trung Quốc Xiaomi mới đây đã báo cáo lợi nhuận kỷ lục trong quý II/2021. Cụ thể, doanh thu quý II của Xiaomi tăng 64% so với cùng kỳ năm 2020 lên 87,79 tỷ NDT (tương đương 13,55 tỷ USD) trong khi lợi nhuận ròng tăng 84% lên 8,26 tỷ NDT. 

"Chúng tôi nghĩ rằng Xiaomi đang có cơ hội rất tốt để đạt vị trí số 1 toàn cầu (ngành smartphone) trong 3 năm tới dựa trên thị phần mà Xiaomi giành được trong quý II/2021. Tập đoàn ghi nhận cơ hội tăng trưởng lớn trên khắp châu Âu, châu Á, châu Phi và tại thị trường nội địa", Wang Xiang, chủ tịch Xiaomi phát biểu trước các phóng viên. 

Mặc dù vậy, chủ tịch Xiang vẫn cảnh báo rằng tình trạng thiếu chip toàn cầu sẽ là một thách thức lớn cho Xiaomi cũng như "tất cả nhà sản xuất thiết bị điện tử" trong năm nay. 

Trong khi các đối thủ chật vật, Xiaomi tạm tránh được cơn khủng hoảng thiếu chip nhờ dự trữ chip từ sớm. Ảnh: SCMP.
Trong khi các đối thủ chật vật, Xiaomi tạm tránh được cơn khủng hoảng thiếu chip nhờ dự trữ chip từ sớm. Ảnh: SCMP.

Samsung và Apple, hai đối thủ chính của Xiaomi trong thị trường smartphone đang phải hứng chịu hậu quả từ cuộc khủng hoảng chip toàn cầu. Apple cho biết tình trạng này có thể khiến tập đoàn mất khoảng 3 - 4 tỷ USD trong quý III/2021. 

Trong khi đó Xiaomi hiện tạm an toàn trước "cơn bão" thiếu chất bán dẫn bởi hãng đã sớm chuẩn bị linh kiện để sản xuất 240 triệu chiếc điện thoại thông minh trong năm 2021. Hồi đầu tháng 8, "hạt gạo nhỏ" tự tin đặt mục tiêu vượt qua Samsung Electronics để trở thành nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn nhất thế giới trong 3 năm tới.

Nhà phân tích Joey Yen tại công ty dữ liệu quốc tế IDC nhận định một trong hai yếu tố chính giúp Xiaomi đạt được thành công như hiện tại là nhờ định hướng tập trung vào phân khúc giá rẻ, tầm trung. "Xiaomi đã ra mắt những dòng điện thoại cao cấp để nâng cao hình ảnh thương hiệu. Cùng lúc, họ dựa vào những dòng điện thoại chi phí thấp để tăng doanh số bán hàng", cô Yen nói. 

Một nguyên nhân quan trọng khác đóng góp vào sự tăng trưởng nhanh chóng của Xiaomi trong thời gian gần đây là sự sụp đổ từ đối thủ cùng quê Huawei. Huawei từng là nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn nhất thế giới vào năm 2020. Thế nhưng hiện tại tập đoàn này hiện chỉ chiếm 4% thị phần sau một loạt lệnh hạn chế do chính quyền Washington áp đặt. 

Dù đang trên đà phát triển nhanh, các chuyên gia cho rằng Xiaomi vẫn ít có khả năng vượt qua được Samsung để giành ngôi vương ngành smartphone trong thời gian gần.

"Việc Xiaomi trỗi dậy ở châu Âu và Mỹ Latinh trong quý II/2021 nằm trong bối cảnh Samsung bị thiếu hụt nguồn cung. Tập đoàn Hàn Quốc cũng bị gián đoạn sản xuất do tình hình dịch bệnh Covid-19. Một khi đại dịch được kiểm soát, Samsung sẽ phục hồi doanh số và thị phần trên quy mô toàn cầu", Archie Zhang, một nhà phân tích tại Counterpoint Research cho biết. 

Ngoài sản xuất điện thoại thông minh và thiết bị điện tử gia dụng, Xiaomi cũng đang có kế hoạch mở rộng lĩnh vực kinh doanh.

Vào ngày 25 tháng 8, "hạt gạo nhỏ" tuyên bố sẽ chi 77 triệu USD để mua lại Deepmotion Tech, một nhà phát triển phần mềm lái xe tự hành. Đây được cho là nỗ lực nhằm đẩy nhanh quá trình phát triển xe điện Xiaomi. Hãng dự kiến sẽ chi 10 tỷ USD cho mảng ô tô điện trong 10 năm tới.

Tin Cùng Chuyên Mục