Huawei từng nắm giữ vị trí số một trong quý 2/2020, vượt qua cả Samsung và Apple. Tuy nhiên, các số liệu báo cáo mới nhất đang cho thấy doanh thu của hãng đang trượt dốc tại nhiều thị trường, đặc biệt là Mỹ, mở ra nhiều cánh cửa cho các hãng công nghệ khác mà Xiaomi là một ví dụ.
Mới đây, Xiaomi đã tiết lộ kết quả tài chính của mình trong quý 3/2020, số lượng bán ra của hãng đã tăng vọt 45% so với cùng kỳ năm ngoái, giành được 13% thị phần điện thoại toàn cầu. Trong khi đó, theo Counterpoint Research, Huawei lại mất đi 24% doanh thu so với năm 2019 và hiện chiếm 14% tổng thị trường.
Sự tăng trưởng của Xiaomi đặc biệt ấn tượng trong bối cảnh đa số hãng điện thoại hàng đầu đều sụt giảm doanh thu và hãng Samsung thậm chí chỉ tăng trưởng 2%. Có thể nói, Xiaomi đang giành lấy vị trí đứng đầu từ Huawei và có thể trở thành thương hiệu điện thoại phổ biến nhất thế giới.
Xiaomi trong vài năm qua đã tập trung rất nhiều vào các thị trường truyền thống như Châu Âu, Trung Đông, Châu Phi. Đồng thời duy trì sức ảnh hưởng tại quê nhà Trung Quốc. Đặc biệt, hãng cho biết sẽ nhắm đến thị trường Ấn Độ trong thời gian tới, một trong những thị trường mà theo hãng là rất tiềm năng.
Xiaomi luôn cố gắng chia nhỏ thị trường của mình và cách làm này dường như đang mang lại hiệu quả. Hãng đã ghi nhận doanh thu ở các thị trường ngoài nước lần đầu tiên chiếm hơn một nửa tổng doanh thu (55%).
Điều này mang đến cho công ty nhiều sự lựa chọn: Xiaomi có thể dựa vào thị trường trong nước hoặc ngoài nước khi thấy cần thiết.
Ngoài ra, công ty cũng đang áp dụng chiến lược hợp tác với nhiều nhà mạng. Cụ thể, Xiaomi cho biết họ đã đồng hành cùng 50 nhà cung cấp dịch vụ khác nhau và phủ sóng 50 quốc gia. Đây là một hành động hợp lý của hãng, vì các nhà mạng chắc chắn đang tìm kiếm lựa chọn thay thế cho các dòng sản phẩm của Huawei.
Trong những năm gần đây, điện thoại giá rẻ của Xiaomi luôn được coi là động lực chính cho sự tăng trưởng của hãng và thường có mặt trong danh sách top 10 điện thoại phổ biến nhất toàn cầu.
Tuy nhiên, thách thức lớn lại nằm ở phân khúc cao cấp. Công ty chưa thành công trong việc tạo ra sự khác biệt cho phân khúc này. Chẳng hạn, việc dòng điện thoại cao cấp như Mi 8, Mi 9 vẫn thường được xem là những flagship giá rẻ. Để giải quyết vấn đề này, Giám đốc điều hành Lei Jun cho biết giá bán cao hơn đang được áp dụng.
“Tôi đã nói trong nội bộ rằng đây có thể là lần cuối cùng giá của chúng tôi dưới 3.000 nhân dân tệ (tương đương 10 triệu đồng). Trong tương lai, điện thoại của chúng tôi sẽ đắt hơn, không nhiều nhưng sẽ đắt hơn một chút”, ông chia sẻ.
Ngoài ra, Xiaomi cũng sẽ cần phải cạnh tranh với Samsung và Apple trong phân khúc này. Galaxy S20 FE và iPhone 12 đều là những điện thoại nổi bật cả về giá cả, hiệu năng và là thương hiệu quen thuộc đối với hầu hết người dùng.
Counterpoint trước đó đã báo cáo việc Xiaomi lần đầu tiên lọt vào top 5 các thương hiệu cao cấp trong quý 1/2020 kể từ năm 2018. Nhưng dù đứng vị trí số 5, thị phần của hãng chỉ chiếm 2% của phân khúc.
Đại dịch Covid-19 gây ra sự suy thoái kinh tế kết hợp cùng những rắc rối của Huawei với Mỹ đã tạo cơ hội cho nhiều hãng điện thoại như Xiaomi vượt lên.
Tuy nhiên, thách thức ở tương lai là rất nhiều khi mà chính quyền mới của Biden được kỳ vọng sẽ nới lỏng các biện pháp trừng phạt với Huawei và sự trở lại của các dịch vụ của Google sẽ là lợi thế lớn cho hãng này. Ngoài ra, Xiaomi sẽ còn phải cạnh tranh với các đối thủ tiềm tàng khác như Oppo, Realme và Vivo trong năm 2021.
Đón nhận các thách thức này, Xiaomi cho biết hãng đã tăng cường đầu tư vào bộ phận nghiên cứu & phát triển sản phẩm. Cụ thể, hãng đã chi hơn 7,5 tỷ nhân dân tệ trong năm 2019 và dự kiến sẽ chi 10 tỷ nhân dân tệ đến cuối năm 2020 và hơn thế nữa cho năm 2021.
Kết quả của việc đầu tư trên là các điện thoại của Xiaomi được hứa hẹn sẽ trang bị sạc nhanh, camera selfie ẩn dưới màn hình và công nghệ không dây UWB vào năm 2021.
Link bài gốc