Theo công bố trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), Xi măng Chinfon ghi nhận lãi sau thuế năm 2023 đạt 34,2 tỷ đồng, giảm 38% so với năm trước.
Tỷ suất lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu (ROE) cũng giảm từ 3,34% còn 2,06%. Đáng chú ý, trong 6 tháng đầu năm 2023, Xi măng Chinfon lãi sau thuế chỉ hơn 268 triệu đồng, tức chưa chiếm tới 1% lãi cả năm.
Với kết quả ghi nhận lãi 34,2 tỷ đồng trong năm 2023 đánh dấu bước đi lùi tiếp theo của Xi măng Chinfon. Trước đó, vào năm 2021, công ty cũng chỉ đạt 258 tỷ đồng lợi nhuận, năm 2022 ghi nhận mức giảm gần 80%, chỉ đạt 55,5 tỷ đồng. Và năm 2023, kết quả còn lùi sâu hơn với mức giảm 38%, về 34,2 tỷ đồng.
Tại thời điểm cuối năm 2023, vốn chủ sở hữu của Xi măng Chinfon là 1.659 tỷ đồng, hầu như không thay đổi so với đầu năm.
Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu giữ nguyên mức 1,6 lần, tương ứng nợ phải trả còn hơn 2.655 tỷ đồng. Dư nợ trái phiếu/vốn chủ sở hữu giảm từ 0,2403 lần xuống còn 0,1808 lần, tương ứng còn 300 tỷ đồng, giảm 25%.
Theo dữ liệu trên HNX, vào năm 2021, xi măng Chinfon có lô trái phiếu có mã CFCCH2126001, phát hành ngày 24/09/2021, giá trị phát hành 400 tỷ đồng. Kỳ hạn của lô trái phiếu trên là 5 năm (60 tháng), đáo hạn vào ngày 24/9/2026 với lãi suất 7%. Số tiền thu về nhằm tăng quy mô vốn hoạt động của Công ty. Trái phiếu được bảo đảm bằng tài sản của Xi măng Chinfon.
Ngày 25/9/2023, Xi măng Chinfon đã mua lại trước hạn 100 tỷ trái phiếu. Theo đó, khối lượng trái phiếu còn lại đang lưu hành là 300 tỷ đồng.
Xi măng Chinfon thành lập năm 1992, tiền thân là Công ty Xi măng Chinfon Hải Phòng, là liên doanh giữa Công ty TNHH Chinfon-Vietnam-Holding, UBND TP. Hải Phòng và Tổng Công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam.
Sau 30 năm hoạt động, hiện Công ty sở hữu một nhà máy xi măng ở miền Bắc, một nhà máy nghiền clinker tại miền Nam. Theo thông tin từ HNX, Công ty có vốn điều lệ hơn 1.319 tỷ đồng.