Xây dựng Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật dễ hiểu, dễ áp dụng

Theo Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp

Đây là yêu cầu của Thứ trưởng Trần Tiến Dũng tại cuộc họp với các đơn vị về dự thảo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) vào sáng 20/9.

Tại cuộc họp, Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật Trần Anh Đức đã báo cáo về tiến độ và các nội dung chính của dự thảo Luật Ban hành VBQPPL. Theo đó, trên cơ sở 03 chính sách và ý kiến của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Vụ đã xây dựng Dự thảo 1 gồm 17 chương và 180 điều.
Một số nội dung, vấn đề của dự thảo Luật cần cho ý kiến như: Quy định về phạm vi điều chỉnh; quy định về bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong xây dựng pháp luật; hệ thống văn bản, thẩm quyền hình thức, nội dung; chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh, Nghị quyết; đổi mới quy trình; trách nhiệm của cơ quan trình để khắc phục quy trình làm luật cắt khúc, dẫn đến một số bất cập, trách nhiệm không rạch ròi; quy định về đánh giá tác động chính sách…

Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật Trần Anh Đức báo cáo tại cuộc họp.
Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật Trần Anh Đức báo cáo tại cuộc họp.

Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật cho biết theo dự kiến dự thảo Luật sẽ được trình tại Kỳ họp bất thường của Quốc hội vào tháng 01- 02/2025. Để đảm bảo tiến độ và chất lượng đã đề ra, Vụ đã dự thảo sửa đổi Kế hoạch xây dựng Luật, trong đó phân công rõ nhiệm vụ, trách nhiệm của từng đơn vị, tập thể, cá nhân trong quá trình triển khai thực hiện, các khung, mốc thời gian hoàn thành công việc.

Xây dựng Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật dễ hiểu, dễ áp dụng - Ảnh 1
Xây dựng Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật dễ hiểu, dễ áp dụng - Ảnh 2
Xây dựng Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật dễ hiểu, dễ áp dụng - Ảnh 3
Đại diện các đơn vị trao đổi, thảo luận về nội dung của dự thảo.
Đại diện các đơn vị trao đổi, thảo luận về nội dung của dự thảo.

Trao đổi tại buổi làm việc, đại diện các đơn vị thuộc Bộ đã cho ý kiến về các nhóm nội dung lớn của dự thảo Luật như: vai trò của cấp ủy đối với việc cho ý kiến tham mưu, xây dựng ban hành VBQPPL; vấn đề tăng cường truyền thông dự thảo chính sách trong kế hoạch triển khai Luật để tạo đồng thuận trong dư luận, xã hội; tính khả thi khi gộp hai hình thức văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành; trách nhiệm kiểm tra, tự kiểm tra VBQPPL của các Bộ, ngành…

Sau khi nghe các ý kiến thảo luận, Thứ trưởng Trần Tiến Dũng yêu cầu các đơn vị thuộc Bộ, thành viên Tổ biên tập cho ý kiến cụ thể, theo sát kế hoạch đã đề ra để đảm bảo chất lượng và tiến độ xây dựng Luật. Thứ trưởng nhấn mạnh quan điểm tiếp cận với Luật phải nhất quán, bám sát các chính sách đã được Chính phủ thông qua. Như vậy mới có thể đạt được mục tiêu xây dựng Luật Ban hành VBQPPL dễ hiểu, dễ áp dụng, phản ứng chính sách tốt, tránh tình trạng hệ thống pháp luật mâu thuẫn, chồng chéo, khó áp dụng; đồng thời phải kế thừa những quy định còn hiệu quả.
Trên tinh thần đó, Thứ trưởng giao nhiệm vụ cho từng đơn vị thuộc Bộ với các nội dung cụ thể như: theo dõi thi hành pháp luật; kiểm tra, rà soát VBQPPL; phổ biến, giáo dục pháp luật, tổ chức thi hành pháp luật tại địa phương; rà soát các Điều ước quốc tế; nguồn lực đảm bảo về tài chính; điều khoản áp dụng, trình tự giải thích pháp luật và trình tự hướng dẫn áp dụng pháp luật…
 

Dự thảo Luật dự kiến gồm 17 chương, khoảng 180 điều, với bố cục như sau:
Chương I - Những quy định chung: quy định về phạm vi áp dụng, giải thích từ ngữ, nguyên tắc, ban hành văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù; phản biện xã hội, truyền thông chính sách.
Chương II - Quy định về hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, thẩm quyền hình thức và nội dung của từng loại văn bản quy phạm pháp luật.
Chương III - XI - Quy định về trình tự, thủ tục ban hành từng loại văn bản quy phạm pháp luật (trong đó có quy định cả những trường hợp đặc thù, thủ thủ tục rút gọn cả trong giai đoạn làm chính sách và soạn thảo).
Chương XII - XIII - Quy định về hiệu lực; nguyên tắc áp dụng, công khai văn bản; giải thích hiến pháp, luật, pháp lệnh.
Chương XIV - XVI - Quy định về Giám sát, kiểm tra, hợp nhất, pháp điển, xử lý văn bản quy phạm pháp luật; tổ chức thi hành văn bản quy phạm pháp luật và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật.
Chương XVII - Quy định về điều khoản thi hành.

 

Tin Cùng Chuyên Mục