Ngày pháp luật

Xây dựng Hòa Bình (HBC) tiếp tục bán vốn công ty con Matec

Giang Phạm

Xây dựng Hòa Bình tiếp tục thông qua việc chuyển nhượng 100% vốn góp tại công ty con Matec sau khi nhận chuyển nhượng lại vào hơn 4 tháng trước.

HBC tiếp tục bán vốn công ty con Matec

Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (mã ck: HBC) mới đây chấp thuận việc chuyển nhượng 100% vốn góp của Công ty tại Công ty TNHH MTV Máy Xây dựng Matec (Matec) cho nhà đầu tư có đủ năng lực tài chính, với giá trị chuyển nhượng tốt nhất.

Matec được HBC thành lập vào năm 2010 nhằm quản lý, khai thác toàn bộ số máy móc, thiết bị của HBC. Trong suốt thời gian là công ty con của với HBC, Matec chỉ tăng vốn một lần vào năm 2010, từ 10 tỷ đồng lên 20 tỷ đồng.

Trước đó, vào tháng 6/2023, Xây dựng Hòa Bình cũng công bố bán vốn công ty này cho Công ty cổ phần Tập đoàn Ashita Group, với tổng giá trị chuyển nhượng là 1.100 tỷ đồng. Việc chuyển nhượng nằm trong kế hoạch tái cấu trúc của HBC, khi tình hình kinh doanh gặp khó khăn.

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên sau đó 10 ngày, Tổng Giám đốc HBC Lê Văn Nam cho biết việc chuyển nhượng Matec nằm trong chiến lược tái cấu trúc tài chính của HBC. Thương vụ chuyển nhượng công ty con Matec và một phần thiết bị đã khấu hao đã giúp HBC thu về 1.185 tỷ đồng để bổ sung vào vốn lưu động.

Tuy nhiên, đến ngày 24/10, Hội đồng quản trị HBC nhận chuyển nhượng lại 100% phần vốn góp của Matec dù mới chuyển nhượng đi hơn 4 tháng.

Trong một diễn biến khác, Công ty Xây dựng Hòa Bình mới đây thông báo ngày 3/4 tới sẽ là ngày cuối cùng chốt danh sách cổ đông tham dự Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024, dự kiến tổ chức ngày 25/4 theo hình thức trực tuyến.

Năm 2024, HBC đặt mục tiêu doanh thu 10.800 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 433 tỷ đồng. Đây là mức lợi nhuận tương đương với năm 2019, trước khi các doanh nghiệp xây dựng bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19 và sự suy giảm của thị trường bất động sản.

HBC lỗ ròng năm thứ 2 liên tiếp

Về bức tranh tài chính, tính chung cả năm 2023, Xây dựng Hòa Bình ghi nhận doanh thu thuần giảm 47% so với năm trước, còn 7.546 tỷ đồng.

Sau khi trừ giá vốn, HBC chỉ lãi gộp 281 tỷ đồng, giảm 40%. Trong khi đó, chi phí lãi vay và chi phí quản lý lần lượt ghi nhận 556 tỷ đồng (tăng 7%) và 483 tỷ đồng (giảm 79%), vượt xa mức lãi gộp.

Kết quả là, HBC lỗ ròng 777 tỷ đồng trong năm 2023. Đây là năm thứ hai liên tiếp HBC lỗ ròng cả năm nhưng con số này đã cải thiện đáng kể so với khoản lỗ gần 2.600 tỷ đồng của năm 2022.

Tổng tài sản của HBC tại thời điểm 31/12/2023 ở mức 13.000 tỷ đồng, giảm 16% so với đầu năm. Nguyên nhân chủ yếu đến từ giá trị phải thu ngắn hạn giảm 20% còn gần 8.500 tỷ đồng. Lượng tiền mặt nắm giữ giảm 25%, còn 404 tỷ đồng. 

Về nợ, tổng nợ phải trả của HBC giảm 23%, còn hơn 4.700 tỷ đồng.

Với việc tiếp tục thua lỗ trong năm 2023, HBC đã nâng lỗ luỹ kế lên 2.878 tỷ đồng (bằng 105% vốn điều lệ). Vốn chủ sở hữu của HBC chỉ còn 453 tỷ đồng.

Tin Cùng Chuyên Mục