Ngày pháp luật

Xây dựng cáp treo trong các khu di sản: Băn khoăn giữa bảo tồn và phát triển

Vân Anh

Ngay sau khi tỉnh Quảng Bình khẳng định việc không chấp thuận cho  xây dựng cáp treo tại hang Sơn Đoòng, nhiều ý kiến tỏ ra đồng tình và đưa ra những khuyến cáo khi ứng xử với di sản, đảm bảo vừa bảo tồn di sản, vừa phát triển kinh tế - xã hội.

“Ô nhiễm cảnh quan” từ du lịch đại chúng

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển du lịch -Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), để phát triển bền vững tại những địa điểm du lịch, đặc biệt là khu vực có di sản thiên nhiên thế giới hoặc nằm trong khu bảo tồn... thì các giá trị cảnh quan và vẻ đẹp tự nhiên là quan trọng nhất, chúng ta phải có trách nhiệm giữ gìn và bảo tồn.

Xây dựng cáp treo trong các khu di sản: Băn khoăn giữa bảo tồn và phát triển - Ảnh 1
Quảng Bình khẳng định không chấp nhận cho xây dựng cáp treo tại hang Sơn Đoòng

Hãy hình dung, nếu ở đó mọc lên những công trình sắt thép phục vụ cho hoạt động của cáp treo thì sẽ ảnh hưởng đến cảnh quan chung của khu di sản thiên nhiên đó thế nào? Nói theo khái niệm nước ngoài thì việc này sẽ làm “ô nhiễm cảnh quan”. 

Điều lo lắng thứ hai của ông Tuấn là, nếu không có biện pháp hữu hiệu thì quá trình xây dựng cáp treo sẽ ảnh hưởng đến tài nguyên thiên nhiên, bởi khi xây dựng, thế nào cũng phải chặt phá nhiều cây cối. Thứ ba, khi đưa cáp treo vào vận hành, lượng khách sẽ rất đông, trở thành điểm “du lịch đại chúng”.

Với vùng có cảnh quan tự nhiên, nên phát triển du lịch sinh thái và cần quản lý lượng khách, sức chứa vừa phải. Nhưng khi đã làm cáp treo thì một lượng lớn du khách sẽ được đưa đến một địa điểm, dẫn đến quá tải. Cùng với đó, vấn đề rác thải, nước thải... sẽ gia tăng và đương nhiên sẽ ảnh hưởng đến môi trường, cảnh quan.

Theo phân tích của ông Tuấn, việc phát triển cáp treo là không phù hợp. Cần quản lý chặt chẽ và rất hạn chế cấp phép cho các dự án cáp treo ở những nơi có rừng, như vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên, rừng nguyên sinh...

Đối với khu hang động, nếu đưa cáp treo vào trong hang động thì sẽ làm mất vẻ đẹp tự nhiên, mất ý nghĩa của du lịch mạo hiểm... Tất nhiên, muốn du lịch mạo hiểm phải có sức khỏe chứ không phải ai cũng có thể đi được.

Không được xâm phạm yếu tố “lõi” của di sản

Cho rằng không nên cực đoan trước vấn đề “có nên làm cáp treo tại các khu di sản thiên nhiên thế giới hay không?”, ông Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho biết, để tạo điều kiện cho du khách đến điểm du lịch một cách nhanh hơn thì chúng ta cũng nên làm cáp treo. 

Tuy nhiên, ông Tiến cũng cho rằng “cần nghiên cứu làm ở địa điểm nào phù hợp để vừa đảm bảo du khách có thể lên nhanh nhưng vẫn không bị phá vỡ môi trường cảnh quan. Vấn đề này, Luật Di sản văn hóa quy định không được xâm phạm đến yếu tố lõi của di sản. Cái lõi của di sản làm nên di sản, “hồn vía” của di sản nằm ở đó.

Vì vậy, nếu làm cáp treo thì cũng phải ở xa vùng lõi di sản, rồi từ đó người dân đi bộ vào. Theo tôi, làm cái gì cũng phải nghĩ đến cả hai yếu tố, yếu tố giữ được di sản và yếu tố phát triển du lịch, bởi phát triển du lịch cũng chính là phát triển kinh tế xã hội, mà khi giữ được di sản cũng là phát triển được kinh tế xã hội”- ông Tiến khuyến nghị. 

Dẫn quy định trong Luật Di sản văn hóa về việc cho phép các khu vực di sản, di tích có thể có những công trình phụ trợ để phục vụ khách tham quan nhưng ông Tiến nhấn mạnh, dịch vụ cũng đừng có nhếch nhác, chụp giật và tuyệt đối không được ảnh hưởng đến di sản...”.

“Trong thời gian vừa qua, chúng ta quản lý du lịch đôi khi hơi thiên về lĩnh vực này hoặc lĩnh vực kia. Nếu quản lý di sản mà không cho du lịch tiếp cận, không khai thác được giá trị thì di sản không lan tỏa được giá trị tốt đẹp với du khách trong nước và thế giới. Nhưng nếu chúng ta phát triển du lịch “nóng”, như đưa hàng vạn người hoặc hàng triệu người đến một điểm du lịch trong một năm thì chắc chắn sẽ gây ô nhiễm rất lớn...

Tôi nhất trí việc không xây dựng cáp treo đến cửa hang Sơn Đoòng, nhưng có thể xây dựng cáp treo nằm ở khu vực ngoài di sản... Nếu xây ở xa, ở vùng ngoài mà không ảnh hưởng gì đến cảnh quan môi trường, đến vùng lõi của di sản thì tôi nhất trí. Bởi không nên vì di sản mà không làm bất kỳ cái gì, nhưng nếu phát triển lớn quá, đến mức ảnh hưởng đến di sản thì càng không nên”- ông Tiến nói. 

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển du lịch - Tổng cục Du lịch:

Những giá trị của Sơn Đoòng đã được nhiều tổ chức, trong đó có UNESCO cảnh báo cần phải giữ gìn vẻ đẹp tự nhiên, không được can thiệp quá nhiều vào các di sản thiên nhiên có tầm cỡ thế giới.

Thời gian vừa qua, dư luận bày tỏ sự quan tâm rất lớn đến việc làm cáp treo tại hang Sơn Đoòng, việc tỉnh Quảng Bình đưa ra quan điểm này tôi cho rằng đó là quan điểm đúng và đã biết lắng nghe dư luận, vì đây vừa là khu vực nằm trong Vườn quốc gia, vừa là di sản thiên nhiên thế giới đã được UNESCO công nhận, nên chúng ta phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của Vườn quốc gia và cả quy định của UNESCO. 

Định hướng của chúng ta là phát triển bền vững thì phải tuân thủ đầy đủ các nguyên tắc của phát triển bền vững, cái gì không đảm bảo cho phát triển bền vững thì cần ngăn lại”.