Chào Luật sư, công ty chúng tôi kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản từ năm 2005. Trong khi làm việc, một nhân viên đã gửi nhầm ý tưởng kinh doanh mới cùng với danh sách khách hàng (trong đó có thông tin về các khách hàng tiềm năng cũng như đối tác của công ty) cho một vị khách thay vì gửi thông tin mà người khách đó yêu cầu về ngôi nhà họ muốn mua. Sự việc này đã bị chúng tôi phát hiện ra. Tuy chưa gây ra hậu quả gì cho công ty nhưng thông tin bí mật đó nếu rơi vào tay đối thủ cạnh tranh, công ty chúng tôi sẽ có những thiệt hại vô cùng lớn. Luật sư có thể tư vấn cho chúng tôi biết nên xử lý sai sót của nhân viên trên như thế nào?
LUẬT SƯ TƯ VẤN:
Bí mật kinh doanh, theo Khoản 23 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 sửa đổi bổ sung năm 2009, là những thông tin thu được từ hoạt động đầu tư tài chính, trí tuệ, chưa được bộc lộ và có khả năng sử dụng trong kinh doanh.
Có thể khẳng định rằng các thông tin về ý tưởng kinh doanh mới, danh sách khách hàng…là bí mật của doanh nghiệp và việc gửi thông tin bí mật đó tới người không có trách nhiệm, dù cố ý hay vô ý đều là sai sót nghiêm trọng, tiềm tàng khả năng gây ra thiệt hại lớn cho doanh nghiệp.
Tuy vậy, việc sử dụng thư điện tử như một kênh thông tin liên lạc phổ biến, lỗi “gửi thư nhầm” như vừa nêu không hề hiếm gặp. Do đó, tôi cho rằng trước tiên, các doanh nghiệp cần ưu tiên xây dựng được cho mình một hệ thống phát hiện, kiểm tra và loại trừ những lỗi tương tự. Bao giờ cũng vậy, biện pháp “phòng” luôn hiệu quả hơn việc để xảy ra sự cố rồi mới khắc phục.
Xác định đúng lỗi để giải quyết đúng tội
Trong trường hợp này, doanh nghiệp cần xác định rõ việc gửi thư nhầm kia là cố ý hay vô ý. Nếu khẳng định rằng việc “gửi nhầm” kia chỉ là việc làm vô ý thì tùy mức độ thiệt hại mà doanh nghiệp có thể xử lý bằng các hình thức kỷ luật lao động, gồm các hình thức khiển trách, kéo dài thời gian nâng lương, sa thải, theo đúng quy định của Bộ luật Lao động hiện hành.
Nếu khẳng định rằng, việc gửi nhầm thông tin là cố ý tiết lộ thông tin bí mật của công ty thì có thể bị coi là hành vi xâm phạm quyền đối với bí mật kinh doanh theo quy định tại Điều 127 Luật Sở hữu trí tuệ. Do đó, ngoài các biện pháp xử lý kỷ luật theo quy định của pháp luật về lao động, chủ sở hữu bí mật kinh doanh còn có thể khởi kiện để yêu cầu Tòa án buộc người cố ý tiết lộ bí mật kinh doanh phải bồi thường toàn bộ thiệt hại thực tế do hành vi xâm phạm quyền đối với bí mật kinh doanh gây ra.
Tuy nhiên, cần lưu ý là kể từ khi được pháp luật về sở hữu trí tuệ bảo hộ (tháng 10/2000) đến nay, chưa có trường hợp nào bị xử lý về hành vi xâm phạm quyền đối với bí mật kinh doanh. Nguyên nhân là do rất khó để xác định chính xác đâu là đối tượng bảo hộ với danh nghĩa bí mật kinh doanh, quy định về việc những hành vi nào bị coi là xâm phạm bí mật kinh doanh cũng chưa thật sự rõ ràng. Do đó, những lỗi như gửi thư nhầm của người lao động thường chỉ được xử lý bằng các hình thức kỷ luật lao động.
Cuối cùng, cần nhấn mạnh rằng sai sót gửi nhầm thư, dù là một lỗi tiềm tàng khả năng gây hậu quả nghiêm trọng, nhưng có thể xảy ra với bất cứ ai, bất cứ lúc nào. Việc xử lý hậu quả, dù biện pháp gì, cũng chỉ là giải pháp bất đắc dĩ. Điểm mấu chốt là doanh nghiệp cần xây dựng cho mình một hệ thống quản trị để kiểm soát và loại trừ lỗi một cách hiệu quả, ví dụ phân cấp chỉ những người có trách nhiệm, có kinh nghiệm mới được phép tiếp cận bí mật kinh doanh hoặc khi xử lý các công việc liên quan đến bí mật kinh doanh bắt buộc phải có cơ chế kiểm tra, phê duyệt của cấp lãnh đạo. Điều này sẽ giúp hạn chế và thậm chí loại bỏ những lỗi không đáng có, tránh thiệt hại cho doanh nghiệp.
Bí mật kinh doanh được bảo hộ nếu đáp ứng các điều kiện sau đây:
1. Không phải là hiểu biết thông thường và không dễ dàng có được;
2. Khi được sử dụng trong kinh doanh sẽ tạo cho người nắm giữ bí mật kinh doanh lợi thế so với người không nắm giữ hoặc không sử dụng bí mật kinh doanh đó;
3. Được chủ sở hữu bảo mật bằng các biện pháp cần thiết để bí mật kinh doanh đó không bị bộc lộ và không dễ dàng tiếp cận được.