Ngày pháp luật

Website phát phim "chùa" lớn nhất Việt Nam bị chặn

Anh Vũ

(Doanhnhan.vn) - Hàng chục thậm chí hàng trăm triệu lượt truy cập mỗi tháng, các website phát phim lậu có doanh thu cả tỷ đồng đang làm ảnh hưởng không nhỏ tới thị trường dịch vụ truyền hình trong nước, cạnh tranh không lành mạnh với các doanh nghiệp chính thống.

Quá quen thuộc với nhiều người dùng mạng tại Việt Nam, Phim Mới hay phimmoi.net là website phát phim lậu lớn nhất trong nước. Số liệu thống kê từ Alexa của Amazon cho thấy phimmoi.net có hàng chục triệu lượt truy cập hàng tháng, xếp thứ 17 trong danh sách các website được truy cập nhiều nhất tại Việt Nam.

Nghiên cứu của Zing News vào năm 2018 cho thấy phimmoi.net thu phí một ô quảng cáo lên đến 25 triệu/tuần, một đoạn TVC trước khi chiếu phim cũng ở mức gần 20.000 đồng/1.000 lượt xem. Với số lượng quảng cáo phủ dày đặc, doanh thu hàng tháng của phimmoi.net sẽ lên tới hàng tỷ đồng.

Website phát phim

 Dữ liệu thống kê cho thấy có thời điểm lượng truy cập vào phimmoi.net vượt mốc 100 triệu/tháng.

Website phát phim

Thứ hạng truy cập của phimmoi.net tại Việt Nam. 

Lượng ấn phẩm trên phimmoi.net đa dạng, gồm hàng trăm nghìn bộ phim, chương trình truyền hình không có bản quyền được phát sóng trái phép mà chưa có sự đồng ý của tác giả hay doanh nghiệp sở hữu. Trong đó có rất nhiều tác phẩm có sự đầu tư lớn bị khai thác tràn lan dẫn tới thiệt hại doanh thu cho nhà sản xuất, các đơn vị mua bản quyền phân phối.

Website phát phim

 

Việc sử dụng máy chủ từ nước ngoài giúp các website phim lậu có thể tránh được các đợt truy quét mạnh tay của cơ quan chức năng do quy trình xử lý phức tạp trong khi Việt Nam cũng chưa có quy định cụ thể đối với các dịch vụ cung cấp từ nước ngoài.

Doanh nghiệp trong nước lao đao vì phim lậu

Bà Ngô Thị Bích Hạnh, Phó Chủ tịch BHD, cho rằng bất kì nhà đài nào cũng phải đợi 3 tháng sau khi phim ra mắt mới có thể thuê bản quyền và tái phân phối. Các website trái phép chỉ mất 2 tuần là có bản lậu, 1 tháng là có bản phân giải cao mà không mất bất kì chi phí nào cho bản quyền. Cạnh tranh với một bên không mất đồng nào để có tất cả nội dung khiến các đơn vị phân phối gặp rất nhiều khó khăn.

Website phát phim

Các website phát phim lậu có tốc độ cập nhật rất nhanh mà lại không mất bất kì khoản phí nào cho việc mua bản quyền phát sóng.

Đại diện từ Viettel Media chỉ ra thực tế Việt Nam là thị trường tiềm năng với các nhà phát hành nhưng nguồn phim lậu tồn tại quá lâu và được hỗ trợ bởi chính khách hàng trong nước khiến việc kinh doanh của các nhà sản xuất nội dung cũng như đơn vị phân phối, phát triển dịch vụ gặp nhiều khó khăn. Cón sô 95% nội dung về truyền hình, điện ảnh đều có thể tìm thấy trên web lậu là minh chứng cho thấy những rào cản đối với các doanh nghiệp "làm thật ăn thật" trong ngành này. 

Ở một góc khác, VNPT Media nhìn nhận thị trường nội dung số đang cạnh tranh quá khốc liệt, từ đơn vị trong nước, các doanh nghiệp OTT nước ngoài như Netflix, Apple TV... Doanh nghiệp trong nước cạnh tranh với các đơn vị nước ngoài đã khó do phải chịu nhiều loại thuế phí (gồm bản quyền, thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp) lại phải cạnh tranh thêm với các web phim lậu, tức là không còn cửa sáng.

Trong Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2020 của Bộ TT&TT, đơn vị này kiến nghị các nhà mạng viễn thông nên tham gia vào việc ngăn chặn việc cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền bất hợp pháp xuyên biên giới bằng cách chặn các địa chỉ IP cung cấp dịch vụ từ nước ngoài. Công ty mẹ của VNPT Media là VNPT cũng là đơn vị tiên phong trong việc chặn truy cập trới web lậu phimmoi.net.

Cửa ra nào cho dịch vụ truyền hình thu phí

Theo thống kê của Bộ TT&TT, doanh thu dịch vụ truyền hình thu phí năm 2019 khoảng 8.300 tỷ đồng, tăng 2,4% so với năm 2018 (8.100 tỷ đồng). Lượng thuê bao năm 2019 tăng 7,7% lên 16,5 triệu thuê bao, phần lớn đến từ các đơn vị cung cấp dịch vụ nước ngoài như Netflix, AppleTV, HBO hay WeTV, iQiYi...

Ở trong nước, những cái tên quen thuộc có thể kể đến là MyTV (VNPT), VTVcab, SCTV, AVG, VTC, HTVC, Hanoicab, FPT Play hay K+. Trong vài năm trở lại đây, lượng thuê bao tăng của các nền tảng này tăng nhanh, nhưng chưa mang lại lợi nhuận đột biên cho các nhà cung cấp.

Trên thực tế, doanh thu của các nhà cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền phần lớn đến từ chi tiêu của khách hàng, và quảng cáo. Trung bình ở thị trường ASEAN, mỗi khách hàng đem về doanh thu từ 10 - 30 USD hàng tháng, trong đó cao nhất là Singapore với 32 USD/tháng. Ngược lại, ở Việt Nam, mỗi khách hàng chi trả chưa đầy 1 USD/tháng (chỉ 18.333 đồng/tháng), thấp hơn rất nhiều so với các quốc gia khác.

Về quảng cáo, những miếng bánh ngon nhất hiện nằm trong tay các đơn vị nước ngoài. Phần còn lại là cuộc cạnh tranh không bình đẳng giữa các doanh nghiệp phát triển nội dung số có bản quyền và không bản quyền. Đó là còn chưa kể tới việc các doanh nghiệp mới gia nhập thị trường sẵn sàng phá giá, bán gói cước dưới giá thành, bất chấp việc bản quyền nội dung ngày một đắt đỏ khiến khả năng sống sót của những doanh nghiệp phân phối ngày càng ít ỏi. 

Tin Cùng Chuyên Mục