Lý Quí Trung là một doanh nhân, diễn giả có tiếng trong giới khởi nghiệp. Ông là thành viên sáng lập Tập đoàn Nam An Group chuyên kinh doanh trong lĩnh vực ẩm thực cao cấp, trong đó có chuỗi cửa hàng Phở 24 với hơn 70 cửa hàng trong và ngoài nước.
Sau nhiều năm lăn lộn trên thương trình, hiện tại, Lý Quí Trung vẫn đang ấp ủ những hoài bão của riêng mình. Máu kinh doanh trong ông giống như ngọn lửa cháy mãi không bao giờ tắt!
Theo Trí Thức Trẻ đưa tin, xuất hiện trong một sự kiện mới đây, Lý Quí Trung đã có những chia sẻ về một vấn đề làm đau đầu bất cứ người kinh doanh nào, đó là việc "giải mã", đọc vị, hay nói cách khác, thuyết phục nhóm khách hàng có thu nhập cao, siêu giàu.
Theo ông Trung, người dùng có đặc điểm tâm lý chung, đều rất siêng năng, đầu tư khôn ngoan, tiết kiệm và chấp nhận rủi ro mạo hiểm, và dễ thấy hơn cả là họ luôn nghĩ đến việc đầu tư.
“Họ không nhất thiết có thu nhập cao mà họ dành một phần thu nhập của mình để đầu tư kiếm ra tiền. Họ có đặc điểm là lúc nào cũng nghĩ cách kiếm ra tiền.
Trong tâm lý người giàu, mua một bộ quần áo hay bộ bàn ghế, đều phải có giá trị đi kèm. Lấy ví dụ về đặc điểm này, ông Trung chia sẻ: "Họ (người giàu - PV) mua một căn nhà hay bộ bàn ghế mắc tiền đâu phải để sống cho sướng, mà phải phục vụ cho cái gì đó, để gây ấn tượng, uy tín ở khía cạnh nào đó, với ai đó, liên quan đến việc đầu tư làm ăn, có thể là một hợp đồng… nghĩa là họ đầu tư gì đó để tiền đẻ ra tiền. Nhìn bên ngoài người giàu nghĩ là họ xa xỉ, nhưng thực chất là họ xa xỉ để đầu tư…”
Ngoài ra, đặc điểm của người giàu và siêu giàu là họ rất tiết kiệm. Người giàu mượn tiền để đầu tư, từ đó sản xuất ra gì đó để làm ra tiền. Còn người nghèo mượn tiền để tiêu xài, mua đồ do người giàu sản xuất ra, làm cho người giàu càng giàu thêm.
Phân tích về tâm lý của khách hàng giàu và siêu giàu trong bán hàng ở các lĩnh vực, bao gồm cả bất động sản, vua phở 24 Lý Quí Trung cho rằng: Năm 2016 Việt Nam có 200 người siêu giàu và con số này tăng 320% mỗi năm. Đó chỉ là thống kê, còn rất nhiều những người giàu “không thể thống kê”.
Nắm được tâm lý của giới siêu giàu là một chuyện, mấu chốt chính là ở cách thấu hiểu và thuyết phục họ mua hàng.
Đồng thời, người giàu cực kì tự tin. Kiểu “tôi biết mọi thứ”, luôn nghĩ mình là người đặc biệt, đòi hỏi mọi người phải ngưỡng mộ mình. Nếu mua BĐS, người bình thường chỉ cần giá tốt là được, còn người giàu thì cũng cần giá tốt nhưng phải đặc biệt. Họ luôn nghĩ đến các sản phẩm mang tính cá nhân hóa.
Người giàu luôn tìm kiếm thắng lợi dù là rất nhỏ. Vì họ luôn tự tin và nghĩ mình đặc biệt nên họ cảm thấy phải là người chiến thắng. Trong mua hàng, người giàu rất thích trả giá. Vì họ rất thông minh và vượt qua được bệnh “sĩ” rồi nên cảm giác chiến thắng của họ rất cao. Trả giá không phải họ hà tiện hay muốn về chi phí mà về tâm lý muốn chiến thắng. Khi chiến thắng cái gì đó làm cho họ cảm thấy phấn khích và tự tin. Nếu mua hàng nói bao nhiêu mua bấy nhiêu với họ đó là thể hiện của sự thất bại. “Nên khi bán hàng cho người giàu, chúng ta phải lưu ý điều này”, ông Trung nhấn mạnh.