Mới đây, Cục Hàng không đã đồng ý phương án nới lỏng tần suất bay tuyến Hà Nội - TP.HCM kể từ ngày 16/4. Theo đó, các hãng như Vietnam Airlines, Bamboo Airways, Vietjet Air đều được tăng tần suất khai thác lên 2 chuyến/ngày, trong khi đó chuyến bay Hà Nội, TP.HCM đi Đà Nẵng vẫn được giữ nguyên một chuyến/ngày.
Được tăng chuyến, nhưng thay vì giảm giá vé, các hãng hàng không đều đồng loạt niêm yết mức giá cao hơn so với thời điểm chưa nới lỏng, Đơn cử, giá vé bay một chiều của Vietnam Airlines hiện dao động từ 2,7 đến 4,7 triệu đồng cho hạng phổ thông và 6,7 triệu đồng đối với hạng thương gia. Bamboo Airways có giá từ 2,9 đến 3,2 triệu đồng, Vietjet Air bán vé một chiều tuyến bay trên với giá từ 2,9 triệu đồng trở lên.
Thậm chí, khi book vé nhanh chuyến TP.HCM – HN, giá đã đắt ngang các dịp cao điểm lễ Tết vốn có mức giá 2,5 đến 5 triệu đồng một vé. Tình cảnh này trái ngược với quy luật hàng năm, và cũng không đi theo xu hướng niêm yết giá của các hãng chỉ 2 tháng trước. Trước đó, vào trung tuần tháng 2, Vietnam Airlines, Vietjet Air, Jestar Pacific đã bán vé máy bay ở mức thấp kỷ lục, thậm chí giảm tới 50% cho toàn mạng lưới cho những hành trình bay từ 20/2 đến 27/4, phổ biến chỉ 299.000 - 590.000 đồng.
Trên thực tế, sau hơn 1 tháng án binh bất động của mạng lưới bay, cộng với giá dầu thế giới liên tục lập đáy trong vòng 1 thập kỷ, nhiều khách hàng đã nghĩ tới việc giá vé sẽ giảm theo xu hướng. Tuy nhiên, việc các hãng liên tục đặt mốc giá cao đã khiến nhiều người thấy ngạc nhiên.
Lý giải việc này, đại diện một hãng hàng không cho biết chuyến bay vào cuối tháng 3 và đầu tháng 4 đã kín chỗ, do chỉ còn 1 chuyến bay/ngày nên lượng cung không đủ cầu đối với các hành khách. Mặc dù Cục Hàng không Việt Nam đã cho tăng tần suất các chuyến bay, đặc biệt là trục Hà Nội - TP Hồ Chí Minh, tuy nhiên, để đảm bảo phòng chống dịch hiệu quả nên các chuyến bay vẫn phải giới hạn số lượng khách và khoảng cách. Điều này khiến năng lực khai thác của các hãng vẫn bị hạn chế.
Trong khi đó, một đại lý vé bay lớn ở Hà Nội xác nhận rằng về chênh lệch cung cầu bất thường trong năm 2020 đã đẩy giá vé tăng cao. rao đổi với phóng viên, một đại lý tại Hà Nội cho biết, sau thời gian hạn chế bay thì nhiều người có nhu cầu đi lại nên giá vé bị đẩy lên cao. Trong khi đó, để bảo đảm phòng chống dịch Covid-19, trên máy bay bị hạn chế số lượng khách cũng như khoảng cách ngồi nên càng bị khan vé.
“Những ngày gần đây, số lượng khách tìm mua rất nhiều nhưng số lượng bán về đại lý chỉ có hạn. Thậm chí một số khách hàng sẵn sàng trả thêm tiền để được mua vé bay gấp. Nhưng cầu nhiều mà cung ít, số chuyến bay giảm, khoang bay buộc phải giảm lượng khách được phép chở để đảm bảo giữ khoảng cách khiến nguồn cung khan hiếm chưa từng thấy”, người này cho hay.