Ngày pháp luật

Vụ kiện lịch sử: Chính quyền tổng thống Donald Trump khởi kiện Google

Theo VnEconomy

Chính phủ Mỹ khởi kiện Google, mở ra vụ kiện chống độc quyền lớn nhất trong hơn 2 thập kỷ trở lại đây nhằm vào một công ty công nghệ.

Chính quyền tổng thống Donald Trump ngày 20/10 khởi kiện Google, mở ra vụ kiện chống độc quyền lớn nhất trong hơn 2 thập kỷ trở lại đây nhằm vào một công ty công nghệ.

Theo trang CNN Business, đơn kiện từ Bộ Tư pháp Mỹ (DoJ) đưa ra những cáo buộc mạnh mẽ, nói rằng Google đã cản trở cạnh tranh để duy trì vị thế thống lĩnh trên thị trường tìm kiếm trực tuyến và quảng cáo thông qua tìm kiếm.

Google có thể bị chia tách?

Đơn kiện cũng cho biết chính quyền 11 tiểu bang, bao gồm Arkansas, Florida, Georgia, Indiana, Kentucky, Louisiana, Mississippi, Missouri, Montana, South Carolina và Texas, cùng gia nhập vụ kiện này.

Mục tiêu mà đơn kiện nhằm vào là các biện pháp liên động (interlocking) mà Google áp dụng - cách thức bị cho là gây hại đến cạnh tranh và ngăn không cho đối thủ của Google thu hút được một lượng người dùng đáng kể.

Tổng giám đốc (CEO) Sundar Pichai của Alphabet, công ty mẹ của Google
Tổng giám đốc (CEO) Sundar Pichai của Alphabet, công ty mẹ của Google

Đơn kiện cáo buộc Google trả hàng tỷ USD mỗi năm cho các nhà sản xuất thiết bị như Apple, LG, Motorola, và Samsung, cũng như các nhà phát triển trình duyệt như Mozilla và Opera để các công ty này đưa Google trở thành công cụ tìm kiếm mặc định trên các thiết bị và trình duyệt đó, và trong một số trường hợp để ngăn các công ty này bắt tay với đối thủ cạnh tranh của Google.

Kết quả là, "Google sở hữu hoặc kiểm soát các kênh phân phối tìm kiếm chiếm khoảng 80% các lệnh tìm kiếm ở Mỹ", đơn kiện viết.

Trong một cuộc trao đổi với báo giới ngày 20/10, các quan chức DoJ không loại trừ khả năng Google phải chia tách công ty.

"Chúng tôi không loại trừ bất kỳ một khả năng nào", Thứ trưởng DoJ Jefferey Rosen phát biểu. Ông Rosen cảnh báo rằng nếu DoJ không hành động lúc này, "chúng ta có thể để mất làn sóng sáng tạo tiếp theo" và "người Mỹ có thể sẽ không bao giờ được chứng kiến một Google tiếp theo".

Về phần mình, Google ngay lập tức lên tiếng phản đối. "Vụ kiện ngày hôm nay của Bộ Tư pháp là rất sai lầm", Giám đốc pháp lý Kent Walker của Google viết trong một bài blog. "Mọi người sử dụng Google vì họ lựa chọn như vậy, chứ không phải họ bị ép hay vì họ không thể tìm được công cụ thay thế", ông Walker viết.

Bài blog cũng nói rằng việc Google trả tiền để trở thành công cụ tìm kiếm mặc định trên nhiều smartphone như iPhone là "không khác gì" so với việc mà các công ty khác vẫn làm để quảng bá sản phẩm của họ.

Việc này "giống như một thương hiệu ngũ cốc trả tiền cho một siêu thị để siêu thị xếp sản phẩm của thương hiệu đó ở cuối dãy, hoặc trên kệ ngang tầm mắt".

Theo ông Rosen, vụ kiện Google là một "cột mốc", nhưng sẽ không khép lại hoạt động trên diện rộng của DoJ đối với ngành công nghệ Mỹ, và các vụ kiện khác vẫn có thể được tiến hành khi cần thiết.

Vụ kiện trước thềm bầu cử

Động thái khởi kiện Google của DoJ diễn ra sau cuộc điều tra chống độc quyền kéo dài 1 năm và ngay trước cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ. Trước thềm bầu cử, các nền tảng công nghệ đã bị siết chặt giám sát về ảnh hưởng lên tâm lý cử tri.

Ngoài ra, Quốc hội Mỹ gần đây cũng đưa ra một báo cáo cho rằng Google và các hãng công nghệ lớn khác nắm "sức mạnh độc quyền" và sử dụng vị thế thống lĩnh theo những phương thức gây hại cho cạnh tranh.

Báo cáo cho rằng Amazon xử tệ với các nhà bán hàng bên thứ ba; mức phí và các chính sách của Apple trên gian ứng dụng App Store chống lại sự cạnh tranh; và Facebook tìm cách loại bỏ các đối thủ tương lai thông qua các vụ thâu tóm.

Hàng chục bang ở Mỹ - trong đó có Colorado, Iowa, Nebraska, North Carolina, Tennessee, và Utah - hiện đang tiến hành một cuộc điều tra chống độc quyền khác nhằm vào Google.

Cuộc điều tra này đã kéo dài khoảng 1 năm và chưa kết thúc. Ngày 20/10, một số bang cho biết có thể sắp kết thúc cuộc điều tra và nếu khởi kiện, vụ kiện của họ có thể gộp chung vào vụ kiện của Chính phủ liên bang.

Giới phân tích xem vụ kiện Google là động thái mạnh tay nhất của Chính phủ Mỹ nhằm vào Thung lũng Silicon kể từ Washington có sự thay đổi thái độ đối với ngành công nghệ, vì những bằng chứng cho thấy các nền tảng truyền thông xã hội lớn đã bị thao túng trong nỗ lực của nước ngoài nhằm can thiệp vào cuộc bầu cử năm 2016.

Sếp lớn của các công ty công nghệ lớn đã liên tục phải ra điều trần trước Quốc hội Mỹ về trách nhiệm của họ đối với các vấn đề gồm phát biểu chính trị; nội dung gây thù ghét và thông tin giả mạo; doanh nghiệp nhỏ và báo chí địa phương; và cạnh tranh.

Vụ kiện mới nhất này có thể đặt ra rủi ro chưa từng có tiền lệ đối với hoạt động quảng cáo "hái ra tiền" của Google. Năm ngoái, mảng quảng cáo đem về cho Google 134,8 tỷ USD, chiếm 84% tổng doanh thu.

Nguy cơ đối với các công ty công nghệ khác

Sau Google, DoJ hoàn toàn có thể tiến hành các vụ kiện với quy mô tương tự nhằm vào các "ông lớn" công nghệ khác. Chẳng hạn, Facebook cũng đang bị Ủy ban Thương mại Liên bang (FTC) điều tra trong hơn 1 năm qua.

"Trước vụ này, vụ kiện độc quyền lớn nhất trong ngành công nghệ Mỹ là vụ Chính phủ kiện Microsoft vào năm 1998", ông William Kovacic, cựu Chủ tịch FTC, cho biết.

Trong vụ đó, Washington cáo buộc Microsoft phạm luật vì gắn trình duyệt Internet Explorer lên tất cả các bản của hệ điều hành Windows, một hành động bị cho là cản trở cạnh tranh trên thị trường trình duyệt. Vài năm sau đó, Microsoft và Chính phủ Mỹ đạt một thỏa thuận đặt ra hạn chế mới đối với mảng phần mềm của Microsoft.

Giới chuyên gia đánh giá rằng vụ kiện Microsoft đã mở đường cho sự sáng tạo mới, bao gồm sự nổi lên của Google.

Tổng thống Donald Trump, từ khi lên cầm quyền, đã nhiều lần chỉ trích các nền tảng công nghệ. Ông cáo buộc Facebook, Google và Twitter cố tình kiểm duyệt một cách có hệ thống những nội dung bảo thủ. Các nền tảng này phủ nhận cáo buộc đó của ông Trump và giới chuyên gia cũng không tìm được bằng chứng.

Năm ngoái, khi trả lời phỏng vấn Fox Business,ông Trump nói "chúng tôi nên kiện Google và Facebook, có lẽ chúng tôi sẽ làm vậy".

Tuy nhiên, theo CNN Business, những phát biểu của ông Trump có thể phức tạp hóa bất kỳ vụ kiện nào nhằm vào các công ty công nghệ. Theo truyền thống, các Tổng thống Mỹ thường không phát ngôn về các cuộc điều tra và kiện tụng của Chính phủ, nhằm tránh bị hiểu là có động cơ chính trị trong các cuộc điều tra và kiện tụng đó.

Link bài gốc

Tin Cùng Chuyên Mục