Đưa công tác nuôi con nuôi tiệm cận với chuẩn quốc tế về bảo vệ quyền trẻ em
Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, đồng chí Đặng Trần Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Con nuôi khẳng định, trong 20 năm qua, các thế hệ công chức, người lao động trong đơn vị luôn vững vàng vượt qua mọi khó khăn, sẵn sàng nhận thêm nhiều nhiệm vụ mới, đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao trong công tác quản lý nhà nước của Bộ, ngành Tư pháp; từ đó góp phần khẳng định vai trò, vị thế của Bộ trong quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam. Những thành tựu đó là kết quả của sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Chính phủ, Lãnh đạo Bộ Tư pháp; sự phối hợp tích cực, hiệu quả của các đơn vị thuộc Bộ, các bộ, ngành, địa phương và các tổ chức có liên quan.
Thay mặt tập thể lãnh đạo Vụ Con nuôi và toàn thể công chức của Vụ, đồng chí bày tỏ sự cảm ơn chân thành đối với sự lãnh đạo, chỉ đạo, tin tưởng, tạo điều kiện của Lãnh đạo Bộ Tư pháp qua các thời kỳ, sự phối hợp tích cực của các đơn vị thuộc Bộ, các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức liên quan đối với Vụ Con nuôi trong việc triển khai thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao; đảm bảo chất lượng và hiệu quả của công tác nuôi con nuôi, góp phần vào công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em.
Đổi mới tư duy, cách thức, nội dung triển khai thực hiện công tác quản lý nhà nước về nuôi con nuôi
Ghi nhận những đóng góp của Vụ Con nuôi trong 20 năm qua, đồng chí Lê Thành Long, Bộ trưởng Bộ Tư pháp biểu dương sự nỗ lực phấn đấu và các thành tích mà tập thể Vụ Con nuôi đã đạt được. Để tiếp tục hoàn thành chức năng, nhiệm vụ được Lãnh đạo Bộ tin tưởng giao phó, Bộ trưởng Lê Thành Long đề nghị Vụ Con nuôi cần tập trung thực hiện tốt các nội dung gồm:
Chú trọng triển khai thực hiện kịp thời, hiệu quả các nhiệm vụ được giao, bảo đảm trọng tâm, trọng điểm bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, sự lãnh đạo, chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về nuôi con nuôi; đổi mới tư duy, cách thức, nội dung triển khai thực hiện công tác quản lý nhà nước nhằm tăng cường, nâng cao hiệu quả thi hành Luật Nuôi con nuôi và Công ước La Hay số 33 theo hướng lấy quyền, lợi ích của trẻ em làm trung tâm trong triển khai thực hiện nhiệm vụ chuyên môn; nghiên cứu, xây dựng, triển khai các dịch vụ hỗ trợ nuôi con nuôi; truyền thông, nâng cao nhận thức của người dân;
Tăng cường hiệu quả công tác phối hợp liên ngành giữa Bộ Tư pháp với các Bộ, ngành liên quan, đặc biệt là Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, với các Sở Tư pháp và các cơ quan có thẩm quyền ở địa phương; tập trung vào việc đôn đốc, hướng dẫn cơ sở nuôi dưỡng thực hiện nghiêm trách nhiệm tìm gia đình thay thế, tránh tình trạng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt phải sống tập trung lâu dài trong các cơ sở nuôi dưỡng, ảnh hưởng đến sự phát triển toàn diện của trẻ em.
Tiếp tục nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện thể chế về nuôi con nuôi nhằm thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng về bảo đảm quyền trẻ em đã được khẳng định trong các văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, cũng như đáp ứng yêu cầu triển khai các nhiệm vụ có liên quan đến công tác nuôi con nuôi trong Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2021-2030; Chương trình phát triển công tác xã hội giai đoạn 2021-2030; Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 121/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội về việc tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em.
Chủ động, tích cực tham gia vào quá trình xây dựng, hoạch định chính sách, pháp luật quốc tế về công tác nuôi con nuôi, bảo vệ trẻ em trên bình diện đa phương cũng như song phương, qua đó thể hiện được vai trò, vị thế, tiếng nói của Bộ, ngành Tư pháp nói riêng và của Việt Nam nói chung trong công tác này.
Chú trọng xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ công chức làm công tác nuôi con nuôi đáp ứng yêu cầu về chuyên môn, nghiệp vụ và phẩm chất chính trị, đạo đức, phù hợp với tính chất đặc thù của công tác nuôi con nuôi.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng đề nghị các bộ, ban, ngành liên quan, nhất là Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Ngoại giao, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an... tiếp tục phối hợp chặt chẽ hơn nữa, đồng hành, hỗ trợ để Bộ Tư pháp, Vụ Con nuôi tiếp tục hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao trong chặng đường phát triển sắp tới.
Nhân dịp này, Bộ trưởng Lê Thành Long đã trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba cho Vụ Con nuôi và tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho 20 tập thể, 17 cá nhân có thành tích xuất sắc đóng góp cho quá trình 20 năm xây dựng và phát triển Vụ Con nuôi.
Một số hình ảnh tại buổi Lễ:
Vụ Con nuôi là đơn vị thuộc Bộ Tư pháp, tiền thân là Cục Con nuôi quốc tế, được thành lập trên cơ sở Nghị định 62/2003/NĐ-CP của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp và Quyết định số 337/QĐ-BTP ngày 05/8/2003 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp. Qua các giai đoạn khác nhau, chức năng, nhiệm vụ của Vụ Con nuôi đã có sự thay đổi, ban đầu Cục Con nuôi quốc tế chỉ có chức năng giải quyết các việc về nuôi con nuôi quốc tế và quản lý nhà nước trong lĩnh vực này, sau đó đã được bổ sung chức năng quản lý lĩnh vực nuôi con nuôi trong nước, qua đó giúp Bộ trưởng thực hiện chức năng quản lý nhà nước cả con nuôi trong nước, nước ngoài và đổi tên thành Cục Con nuôi theo Quyết định 2278/2008/QĐ-BTP ngày 04/12/2008 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp. Kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2023, căn cứ Nghị định số 98/2022/NĐ-CP của Chính phủ và Quyết định số 1195/QĐ-BTP của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Cục Con nuôi đổi tên thành Vụ Con nuôi và đơn vị tiếp tục thực hiện 03 chức năng, nhiệm vụ chính “tham mưu, giúp Bộ trưởng thực hiện quản lý nhà nước về lĩnh vực nuôi con nuôi; giải quyết các việc về nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài theo quy định của pháp luật; giúp Bộ trưởng thực hiện nhiệm vụ của Cơ quan Trung ương về nuôi con nuôi quốc tế của Việt Nam”. |