Những ngày qua, Cơ quan cảnh sát điều tra quận 10 và Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu TP.HCM đã nhận được rất nhiều đơn tố cáo S.TIX Coffee từ các nhà đầu tư sau khi họ không liên lạc được với Đinh Công Đạt - người đại diện theo pháp luật tại Công ty TNHH S.TIX Coffee, doanh nghiệp sở hữu thương hiệu S.Tix Coffee.
Là một startup non trẻ trong ngành F&B, S.Tix Coffee khai trương của hàng đầu tiên vào tháng 12/2019, sau đó mở được 6 cửa hàng tại Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh, chưa kể tới các điểm bán take away. Với số vốn điều lệ khi mới thành lập chỉ là 50 triệu đồng, CEO của S.Tix Coffee là Đinh Công Đạt (SN 1994) đã huy động được số vốn lên tới 200 tỷ đồng từ các nhà đầu tư.
“Nghệ thuật” gọi vốn của S.Tix Coffee khiến hàng trăm nhà đầu tư “điên đảo”
Trước khi đóng cửa hàng loạt, nếu xét trên quy mô, S.Tix Coffee có thể được xếp vào chuỗi F&B bậc trung tại thị trường miền Nam. Cách làm thương hiệu của startup này cũng hết sức bài bản với website thông tin đầy đủ, minh bạch và bắt mắt, câu chuyện thương hiệu ý nghĩa, Fanpage hiện đại. Founder kiêm CEO của thương hiệu này là Đinh Công Đạt còn là một gương mặt quen thuộc với truyền thông.
Thực tế, các cửa hàng của S.Tix Coffee cũng luôn đông khách. Sau khi sự việc CEO “biến mất”, thương hiệu này vẫn nhận được không ít lời khen ngợi về thiết kế quán, dịch vụ và chất lượng sản phẩm… Bởi vậy, nếu chỉ nhìn vào những biểu hiện trên, nhà đầu tư sẽ rất dễ dàng bị thuyết phục và khó thấy đây là một mô hình kinh doanh có vấn đề.
Từ năm 2019, S.Tix Coffee huy động vốn đầu tư để mở xe bán mang đi và quán cà phê. Mức đầu tư khoảng 40 triệu đồng/xe và 60 triệu đồng/1% cổ phần quán. Số lãi được quảng cáo ban đầu là 60%/năm, sau này là 26-30%/năm. Đây là những con số thật sự hấp dẫn, có thể đánh vào lòng tham của bất cứ nhà đầu tư nhẹ dạ nào.
Hình ảnh CEO lung linh trên truyền hình như một doanh nhân 9x thành đạt, yêu môi trường; chiến dịch chạy marketing dồn dập sử dụng KOLs cùng với việc trả gốc và lãi đều đặn trong những tháng đầu đã khiến các nhà đầu tư tin tưởng và mạnh tay rót vốn. Đổi lại, cái mà họ nhận được chỉ là những xe đẩy cà phê trên giấy tờ.
Tuy nhiên, khác với vẻ bề ngoài phô trương, thông tin về quá trình gọi vốn lại rất mập mờ. Hầu hết các nhà đầu tư của S.Tix Coffee đều cho biết, họ nhanh chóng “xuống tiền” sau khi tìm hiểu mô hình kinh doanh này trên mạng và nhìn vào lượng khách lớn tại một số địa điểm quán mà không hề có thông tin chung về quá trình huy động vốn cộng đồng của chuỗi này.
Các thông tin thiết yếu như: thương hiệu này bắt đầu huy động vốn từ bao giờ và diễn ra trong bao lâu; kế hoạch phát triển cụ thể trong 2 đến 3 năm ra sao; hãng huy động tổng cộng bao nhiều tiền và sẽ phân bổ đầu tư như thế nào; có bao nhiêu suất đầu tư và đã có bao nhiêu người tham gia; quá trình trả lãi và gốc của những người trước như thế nào… đều không được S.Tix Coffee công bố một cách rõ ràng. Bởi vậy, sau khi sự việc vỡ lở, nhiều nhà đầu tư mới biết trong suốt một thời gian dài, mình được bán chung 1 suất đầu tư nhưng kết quả kinh doanh nhận được lại mỗi người kiểu.
Tổng kết lại cả quá trình, các nhà đầu tư nghiệp dư sẽ tham gia đầu tư vào S.Tix Coffee như sau: sau khi được nhân viên sale của chuỗi này chào mua các gói đầu tư, họ sẽ lên mạng tìm hiểu thông tin, tới cửa hàng uống thử và quan sát lượng khách rồi quyết định “rót vốn” với mức thấp nhất là vài chục triệu.
Sau đó, nhà đầu tư sẽ được thông báo tiền đó đã được đầu tư vào xe đẩy hay cửa hàng lớn nào, rồi mỗi tháng lời – lỗ bao nhiêu; thoạt nhìn có vẻ hết sức minh bạch. Vài tháng sau đó, S.Tix Coffee trả đủ cả gốc và lãi theo cam kết để nhà đầu tư tin tưởng và tiếp tục tăng số tiền đầu tư từ vài chục triệu lên vài trăm triệu và rồi nhận được thông tin Founder “ẵm trọn” 200 tỷ đồng và biến mất.
Góp vốn cộng đồng trong ngành F&B – cuộc chơi không dành cho những tay mơ
Việc các nhà đầu tư nghiệp dư “sập bẫy” S.Tix Coffee đã cho thấy: gọi vốn cộng đồng trong giới startup hay ngành F&B là sân chơi khá khốc liệt, chỉ dành cho những nhà đầu tư chuyên nghiệp, thật sự hiểu biết về ngành, chứ không phải là nơi dành cho các tay mơ.
Kể từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, F&B là một trong những ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Tại Việt Nam, trong khoảng 2 năm gần đây, không ít thương hiệu lớn nhỏ đã phải rời bỏ thị trường hoặc rơi vào tình trạng vật lộn để duy trì, đơn cử như Golden Gate hay The Coffee House. Thế nhưng, đáng buồn là có nhiều nhà đầu tư vẫn tin vào lời hứa của S.Tix Coffee rằng “mảng bán mang đi vẫn đang hoạt động tốt”.
Đối với Đinh Công Đạt và S.Tix Coffee, dịch bệnh mang tính hai mặt: vừa tốt và vừa xấu. Điều tốt là thương hiệu này dễ dàng thu hút thêm các nhà đầu tư mới muốn có nguồn thu nhập thụ động khi đang gặp khó khăn trong tài chính do công việc tạm đình trệ. Điều xấu là dịch bệnh khiến chuỗi cửa hàng phải đóng cửa, không thể tiếp tục kinh doanh để trả lãi – gốc và thu hút thêm nhà đầu tư. Nếu không có vài tháng cao trào vừa qua, có lẽ sự việc chưa chắc đã vỡ lở trong thời gian này, và “bong bóng” đầu tư sẽ còn phồng to hơn nữa.
Hình thức đầu tư vào chuỗi cửa hàng cà phê là một lựa chọn khá phổ biến trong thời gian gần đây. Nhà đầu tư có thể mua cổ phần của công ty hoặc đầu tư vào mô hình xe đẩy take away. Theo đó, nhà đầu tư sẽ bỏ vốn, công ty hỗ trợ về vận hành, nhân viên; lợi nhuận được chi trả theo thoả thuận trong hợp đồng.
Trên thực tế, có không ít mô hình kinh doanh hiệu quả song cũng có khá nhiều vụ việc nhà đầu tư phải nhờ tới sự can thiệp của cơ quan pháp luật. Theo các chuyên gia và luật sư, việc S.Tix Coffee cam kết lợi nhuận cho nhà đầu tư khi điểm bán chưa đi vào hoạt động là dấu hiệu rõ nhất của lừa đảo.
Cụ thể, hầu hết các startup đều cần thời gian từ 5-8 năm để hoàn vốn trước khi có lãi. Trường hợp một số doanh nghiệp nhỏ, kinh doanh cả trong những dịp đặc biệt đông khách thì mới có lãi ngay từ năm đầu tiên. Do đó, việc S.Tix Coffee tuyên bố trả lợi nhuận cho nhà đầu tư ngay từ lúc chưa hoạt động là không khả thi.
Bên cạnh đó, trong kinh doanh, nhà đầu tư hoặc cổ đông góp vốn vào doanh nghiệp sẽ cùng nhau “lời ăn lỗ chịu” chứ không thể cam kết trả lợi nhuận. Việc S.Tix Coffee cam kết trả lợi nhuận cao cho cổ đông cũng đồng nghĩa với việc thương hiệu này đã biến cổ đông thành người cho vay với lãi suất cao.
Trả lời báo chí, ông Lâm Minh Chánh – chuyên gia tài chính cá nhân, Giám đốc Học viên Kinh doanh và Tài chính BizUni cho biết, để tránh bị lừa đảo, khi đầu tư vào các doanh nghiệp chưa niêm yết trên sàn chứng khoán, nhà đầu tư đừng nên bị cám dỗ bởi lợi nhuận cao mà hãy tìm hiểu kĩ về uy tín, tình hình tài chính, mô hình, chiến lược kinh doanh… của doanh nghiệp và có cơ chế để giám sát.
Ở sự việc này, sở dĩ nhà đầu tư “ăn quả đắng” là bởi hoàn toàn không giám sát được tình hình sử dụng vốn đầu tư và kết quả kinh doanh của S.Tix Coffee. Bởi vậy mới có chuyện bỏ ra hàng trăm tỉ để đầu tư cho một số ít cửa hàng.