Ngày pháp luật

Vụ 24.000 container tồn ở cảng: Rào cản vô tình giết chết doanh nghiệp

Theo Nam Anh/Người Đồng Hành

Một lô hàng container phế liệu phải qua 4 cơ quan kiểm tra, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho rằng thông tư của Bộ Tài nguyên & Môi trường "vô cảm" với doanh nghiệp.

Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 31/1, trả lời về việc để xảy ra tình trạng tồn hơn 24.000 container phế liệu, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết ông rất lấy làm tiếc.

"Chúng ta đã không kiểm soát kỹ việc ban hành các văn bản, gây ra các rào cản, thủ tục mà chính chúng ta đã vô tình giết chết doanh nghiệp", ông nói.

Một lô hàng container phế liệu phải qua 4 cơ quan kiểm tra, kiểm soát: Sở Tài nguyên & Môi trường địa phương cấp cho doanh nghiệp đủ điều kiện nhập khẩu phế liệu. Tiếp đó là lô hàng phải qua cơ quan hải quan, qua cơ quan giám định độc lập (hiện nay Bộ Tài nguyên & Môi trường chỉ định 13 cơ quan giám định độc lập). Cuối cùng, lô hàng cần qua cơ quan quản lý Nhà nước là Sở Tài nguyên & Môi trường tại nơi nhà máy đóng.

Vụ 24.000 container tồn ở cảng: Rào cản vô tình giết chết doanh nghiệp - Ảnh 1
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng trao đổi về vấn đề hàng nghìn container phế liệu tồn đọng. Ảnh: VnExpress.

Việc phải kiểm tra qua nhiều cấp phát sinh chi phí và doanh nghiệp phải lo những khoản này. "Chưa nói đến việc theo quy định Thông tư 08, một container chỉ thực hiện một ngày là thông quan nhưng thực tế đang là 29 ngày. Việc này xảy ra tại Cảng Cái Mép. Sở Tài nguyên & Môi trường chiếm tới 90% thời gian này, còn toàn bộ là thời gian của Hải quan để chờ giấy. Mặc dù chỉ cần ký xác nhận thôi nhưng qua Hải quan phải chờ", Bộ trưởng Dũng phân tích.

"Rõ ràng ban hành những quy định này ra đã gây khó khăn cho doanh nghiệp, khiến DN phải 'rơi nước mắt'", Bộ trưởng Dũng nói.

Ông cho rằng, các Thông tư được ban hành "vô cảm". Trước khi Tổ công tác của Chính phủ làm việc, Thủ tướng đã nghe các doanh nghiệp phản ánh rất nặng nề về việc này, thậm chí có doanh nghiệp còn khóc với Thủ tướng. Người phát ngôn Chính phủ kể có chuyện bán cả người cả của cũng không đủ tiền nộp phạt cho những container này. Trong khi đó, tình trạng này đã diễn ra từ tháng 6/2018.

Bộ trưởng Dũng cho biết, tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng là sẽ đưa vào Nghị quyết của Chính phủ là không giao trách nhiệm cho Sở Tài nguyên & Môi trường các tỉnh, thành phố nữa. Thủ tướng còn nói nặng hơn là yêu cầu ra thông báo huỷ bỏ Thông tư 08, 09.

Người phát ngôn Chính phủ chia sẻ, Thủ tướng đã yêu cầu Tổng cục Hải quan phải xin lỗi doanh nghiệp Hàn Quốc vì khiến họ lỗ tới 14,5 tỷ. Bên Hải quan đã xin lỗi là do hiểu sai văn bản, nhưng vẫn đề nghị Chính phủ xem lại về thủ tục thì mới thông quan được.

Trả lời vấn đề này,Thứ trưởng Tài nguyên & Môi trường Lê Công Thành cho biết, về quy định của Thông tư 08 và Thông tư 09 được xây dựng trong bối cảnh thực hiện nghiêm túc chỉ đạo về việc hạn chế nhập khẩu phế liệu khi các nước láng giềng trong khu vực đều có chính sách nghiêm khắc về việc nhập khẩu phế liệu.

Lãnh đạo Bộ Tài nguyên & Môi trường thừa nhận, Thông tư 08, 09 được xây dựng nhằm mục đích bảo vệ môi trường nhưng thực tế có một loạt quy định thực hiện Luật Bảo vệ môi trường, Hải quan vô tình có sự chồng chéo, khó thực hiện cho địa phương. Vị lãnh đạo cho rằng, cũng do địa phương chưa thực sự giám sát để có thể giảm thời gian thông quan của các lô hàng hoá.

Ông Thành cho hay, Tổ công tác của Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt và trong thời gian tới sẽ sửa đổi các quy định Nhà nước về việc nhập khẩu phế liệu theo hướng tăng cường trách nhiệm hậu kiểm của các cơ quan về tài nguyên môi trường tại địa phương, thay vì kiểm tra trước thông quan. Việc thông quan dựa trên cơ sở giấy chứng nhận kết quả đánh giá sự phù hợp của các tổ chức đánh giá độc lập.

"Từ thực tế này, chúng tôi thấy rằng công tác đánh giá tác động của các văn bản quy phạm pháp luật cần phải thực hiện sâu sát hơn và việc xử lý các vướng mắc về thay đổi việc thực hiện quy định cần có sự chung tay của các cơ quan liên quan", ông Thành nói.

Doanh nghiệp thiệt hại 600.000 - 800.000 USD/ngày

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng thông tin, hiện có tổng số 24.184 container phế liệu đang lưu giữ tại các cảng trên cả nước (trong đó, số lưu giữ từ 30 ngày đến 90 ngày là 6.733 container; số tồn đọng trên 90 ngày là 9.872 container).

Việc chậm được thông quan các lô hàng này khiến mỗi ngày doanh nghiệp phải chi trả khoảng 40-50 USD/container tiền lưu kho, bãi, với 16.605 container (đang bị lưu giữ từ 30-90 ngày). Điều đó gây thiệt hại cho doanh nghiệp khoảng 600.000-800.000 USD/ngày.

Ngoài ra, theo phản ánh, nhiều doanh nghiệp phải giảm công suất, công nhân nghỉ việc, hủy hợp đồng, các hãng tàu chở phế liệu từ chối hoặc tăng 1,5 lần giá cước vì chủ tàu cho rằng hàng về Việt Nam khó khăn trong việc thông quan.

Tin Cùng Chuyên Mục