Nợ xấu tiềm ẩn tại ba công ty liên kết
Báo cáo tài chính hợp nhất soát xét bán niên 2020 của Tổng công ty Xây dựng Hà Nội (Hancorp) cho thấy, tổng giá trị các khoản nợ xấu, gồm các khoản phải thu, cho vay quá hạn thanh toán hoặc chưa quá hạn nhưng khó có khả năng thu hồi, là 194,2 tỷ đồng, tập trung chủ yếu ở ba doanh nghiệp.
Đó là Công ty cổ phần Xây dựng Hancorp 2, Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Xây dựng, Công ty cổ phần Cơ khí và Xây dựng. Khoản nợ của ba doanh nghiệp này đã được ghi nhận đều đặn trên báo cáo tài chính của Hancorp qua nhiều kỳ kinh doanh.
Giá trị có thể thu hồi của ba khoản nợ xấu phát sinh với các doanh nghiệp trên ở mức 46,7 tỷ đồng, còn khoản dự phòng phải thu khó đòi của Hancorp là 147,5 tỷ đồng tính tới 30/6/2020 – không ghi nhận sự thay đổi so với cùng kỳ năm 2019.
Ngoài ra, ở khoản mục phải thu khác, gồm: tiền cổ tức, phí bảo lãnh, lãi vay, tiền ứng trước thi công công trình, doanh nghiệp cũng phải trích lập dự phòng số tiền lần lượt là 14,8 tỷ đồng, 16 tỷ đồng và 51,7 tỷ đồng với ba khoản phải thu có giá trị lần lượt là: 29,7 tỷ đồng của Công ty cổ phần Cơ khí và Xây dựng; 40,8 tỷ đồng của Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Xây dựng; 70,9 tỷ đồng của Công ty cổ phần Xây dựng Hancorp 2.
Cùng kỳ năm 2019, Hancorp chưa thực hiện trích lập dự phòng với các khoản phải thu này dù giá trị khoản phải thu tương đương. Đáng chú ý, Hancorp cũng ghi nhận khoản phải thu trị giá 17,3 tỷ đồng – phần tiền phải nộp bù do kinh doanh thua lỗ – từ giám đốc chi nhánh Công ty cổ phần Đầu tư phát triển nhà và xây dựng Tây Hồ.
Bên cạnh đó, khoản phải thu từ khách hàng khác của doanh nghiệp vẫn tiếp tục trích lập dự phòng hơn 61,7 tỷ đồng, dù giá trị phải thu đã giảm gần 150 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2019, từ 943,7 tỷ đồng xuống 795,1 tỷ đồng.
Thách thức trong việc thanh toán nợ đến hạn
Tính đến 30/6/2019, tổng tài sản của Hancorp là 6.078,8 tỷ đồng, tăng nhẹ so với thời điểm đầu năm. Trong đó, tổng nợ phải thu của doanh nghiệp là 2.469,4 tỷ đồng, tương ứng tỷ trọng 40,6% tính trên tổng tài sản.
Riêng số dư công nợ phải thu chưa được đối chiếu, xác nhận của doanh nghiệp –nằm tại khoản mục các khoản phải thu ngắn hạn và dài hạn – là 370,8 tỷ đồng, giảm hơn 30 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm 2020, theo Công ty THNN Hãng kiểm toán AASC (Công ty AASC).
Bên cạnh đó là các khoản nợ xấu và khoản phải thu khác với Công ty cổ phần Xây dựng Hancorp 2, Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Xây dựng, Công ty cổ phần Cơ khí và Xây dựng.
Nợ phải trả của Hancorp tính tới 30/6/2020 là 4.436,7 tỷ đồng, tương ứng tỷ trọng 72,9% tính trên tổng nguồn vốn. Riêng giá trị vay nợ và thuê tài chính tăng gần 30% so với thời điểm đầu năm do doanh nghiệp tăng giá trị vay nợ dài hạn trong kỳ.
Kiểm toán từ chối kết luận với khoản công nợKiểm toán viên của Công ty AASC đã từ chối ra kết luận với các khoản công nợ phải thu, phải trả, các khoản dự phòng cần trích lập, cũng như ảnh hưởng của những yếu tố này với báo cáo tài chính của Hancorp.
Theo đó, song song với hoạt động thanh toán các khoản nợ ngắn hạn và nợ dài hạn đến hạn trả, Hancorp cũng vay ngắn hạn và dài hạn từ các ngân hàng BIDV, Agribank, SeABank với mục đích chính là bổ sung vốn lưu động.
Cụ thể, số dư tiền và các khoản tương đương tiền của doanh nghiệp tại ngày 30/6/2020 đã giảm hơn 90 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm – từ 240,8 tỷ đồng xuống 150,8 tỷ đồng – do dòng tiền từ hoạt động kinh doanh âm 281,6 tỷ đồng sau biến động về giá trị hàng tồn kho và sự tăng, giảm của các khoản phải thu và phải trả.
Riêng số công nợ phải trả chưa được đối chiếu, xác nhận tính tới 30/6, gồm các khoản phải trả người bán ngắn hạn, người mua trả tiền trước ngắn hạn, chi phí phải trả ngắn hạn và phải trả ngắn hạn khác, là 270,6 tỷ đồng, giảm gần 10 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm, theo Công ty AASC.
Với số vốn điều lệ tại ngày 30/6/2020 là 1.410 tỷ đồng, hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu của Hancorp là 3,14 lần.
Thực tế này sẽ đặt ra những thách thức cho Hancorp trong việc thanh toán nợ đến hạn nếu chủ đầu tư chậm thanh toán hoặc tình hình sản xuất kinh doanh không thuận lợi.
Một yếu tố khác tác động tới các chỉ tiêu tiêu kinh doanh của Hancorp khoản đầu tư vào công ty liên doanh liên kết với tổng giá trị hơn 500 tỷ đồng. Nhưng do chưa thu thập được đầy đủ báo cáo tài chính của các đơn vị liên quan, nên kiểm toán viên của Công ty AASC cũng không thể đưa ra kết luận đối với các khoản đầu tư này.
Ngoài ra, Hancorp cũng đã trích lập dự phòng cho các khoản góp vốn vào các đơn vị khác với giá trị 64,4 tỷ đồng tính đến cuối quý II/2020. Trong đó, khoản góp vốn 44 tỷ đồng vào Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển xây dựng nhưng đã phải trích lập dự phòng 40,8 tỷ đồng. Còn khoản góp 32,5 tỷ đồng vào Công ty cổ phần Sahabak cũng phải trích lập dự phòng 13 tỷ đồng.
Link bài gốc